27/02/2012 12:40 GMT+7 | Trong nước
2 chiếc máy bay hiệu Hercules C-130 mang theo 594.000 đồng xu và các cổ vật khác, có trọng lượng hơn 17 tấn, thu được từ xác tàu chiến Nuestra Senora de las Mercedes.
Xác tàu đắm giá trị nhất
30 sĩ quan từ lực lượng Dân phòng Tây Ban Nha đã bảo vệ những đồng xu khi máy bay hạ cánh. Phát ngôn viên Dân phòng Tây Ban Nha Miguel Tobias nói rằng mọi người đều thở phào nhẹ nhõm khi thấy kho báu về lại đất Tây Ban Nha an toàn. "Đã có chút bão tố cản đường chúng tôi" - Tobias, giải thích vì sao 2 chiếc Hercules C-130 hạ cánh muộn xuống sân bay Torrejon de Ardoz.
Như vậy, sau cuộc chiến pháp lý dài 5 năm với công ty săn lùng kho báu Mỹ Odyssey Marines, Tây Ban Nha cuối cùng đã chiến thắng. Odyssey gây chú ý hồi năm 2007 khi công ty này tìm ra kho báu ở khu vực ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha, gần Eo biển Gibraltar.
Kho báu được chuyển lên máy bay C-130 trước lúc trở lại Tây Ban Nha
Ban đầu, Odyssey úp úp, mở mở, nói rằng kho báu thuộc về "Thiên Nga Đen", một địa điểm có chứa nhiều xác tàu từ thời đi xâm chiếm thuộc địa bị đắm, tại Đại Tây Dương. Công ty nói rằng địa điểm này có tới 500.000 đồng tiền bạc nặng hơn 17 tấn, hàng trăm đồng tiền vàng, vàng thỏi đã qua xử lý và nhiều cổ vật giá trị khác.
Nhưng phía Tây Ban Nha, dựa vào nhiều nguồn tin khác nhau, đã biết chắc đó là chiến hạm Nuestra Senora de las Mercedes. Mercedes là một chiến hạm 34 pháo, một mẫu tàu rất phổ biến vào thời đó. Năm 1894, con tàu này chở theo đầy vàng bạc, đá quý, nằm trong một hạm đội gồm 4 tàu chiến Tây Ban Nha đã rời khỏi Peru, dừng chân ở Uruguay và chỉ còn một ngày nữa là đến đích thì bị một đội tàu Anh chặn lại.
Khi đó, Tây Ban Nha đang là một nước trung lập, nhưng đã thể hiện dấu hiệu muốn tuyên chiến với Anh để liên minh với Napoleon tại Pháp. Người Anh biết chuyện đã quyết định đánh đòn phủ đầu. Theo lệnh của Bộ Hải quân Anh, Phó Đô đốc Sir Graham Moore đã yêu cầu đoàn tàu Tây Ban Nha đổi hướng và đi về phía Anh. Viên sĩ quan chỉ huy hạm đội Tây Ban Nha, Phó đô đốc Don Jose Bustamente, đã từ chối và nổ súng vào người Anh, dẫn tới một cuộc hải chiến ngắn.
Trong lúc giao tranh, một viên đạn đại bác đã bay vào kho thuốc súng của Mercedes, khiến nó nổ tung thành từng mảnh và chìm xuống biển tại khu vực mũi Santa Maria, Bồ Đào Nha. Trong một lá thư gửi về Anh, Moore nói rằng 4 con tàu Tây Ban Nha đang chở theo 4.436.519 các đồng peso vàng và bạc, với 1.307.634 đồng thuộc về quốc vương Tây Ban Nha.
Khi được Odyssey phát hiện, xác tàu chỉ còn chứa hơn 500.000 đồng tiền vàng và bạc. Vào thời điểm đó, kho báu có thể được các nhà sưu tập trả tới 500 triệu USD, biến Mercedes thành một trong những xác tàu đắm giá trị nhất trong lịch sử thế giới.
"Đây là di sản lịch sử của chúng tôi"
Ngay sau khi tìm thấy Mercedes, bất chấp vẫn còn nhiều vướng mắc về pháp lý, Odyssey vội vã chuyển các đồng xu về Tampa, Florida, và chuẩn bị các thủ tục để khẳng định quyền sở hữu của họ với kho báu. Nhưng chính quyền Tây Ban Nha đã thách thức quyền sở hữu kho báu này và đưa ra các tài liệu cho thấy Mercedes là tàu hải quân.
Các công ước quốc tế tới nay vẫn ghi nhận rằng những con tàu chiến chìm trong chiến trận được bảo vệ trước những kẻ săn lùng kho báu và chính phủ Tây Ban Nha cũng chứng minh rằng họ chưa bao giờ từ bỏ quyền sở hữu con tàu và lô hàng nó mang theo. Odyssey phản pháo lại rằng Mercedes không được hưởng quyền "miễn trừ" (sovereign immunity) bởi nó đang trong một hành trình mang mục đích thương mại khi bị chìm, nên không thể bị coi là tàu chiến. Hơn nữa, khoảng hơn 70% các đồng xu không thuộc về Tây Ban Nha.
Giới chức Bộ Văn hóa Tây Ban Nha kiểm kê những đồng tiền vàng,
khi kho báu còn nằm dưới sự kiểm soát của Odyssey
Tuy nhiên lý lẽ của họ đã không được chấp nhận. Hồi tháng 12/2009, thẩm phán Steven D. Merryday của tòa án liên bang Mỹ ở Tampa đã ủng hộ quan điểm Tây Ban Nha rằng tòa án Mỹ không có quyền liên quan tới tài sản thu được từ tàu Mercedes. Merryday nói rằng Odyssey có thể tạm sở hữu kho báu trong khi đôi bên đang kiện cáo.
Trong nỗ lực cứu lấy kho báu vốn dĩ không thuộc về mình, Odyssey đã thua liên tiếp tại các phiên xử ở tòa liên bang. Chính quyền Tây Ban Nha thì được thể ra sức tô vẽ họ là những kẻ cướp thời hiện đại, đang cố chiếm đoạt di sản văn hóa Tây Ban Nha. Hôm 18/2 vừa qua, tới lượt thẩm phán tòa án liên bang Mỹ Mark Pizzo ở Tampa, Florida, đã yêu cầu Odyssey phải trả lại kho báu lấy từ tàu Mercedes lại cho Tây Ban Nha trong ngày 24/2, đánh dấu chiến thắng dành cho Madrid.
Hôm 24/2, khi đứng trên sân bay Căn cứ không quân MacDill để tiễn 2 chiếc C-130 về nước, đại sứ Tây Ban Nha ở Mỹ Jorge Dezcallar de Mazar đã không khỏi bùi ngùi: "Đã có những khoảnh khắc vô cùng xúc động diễn ra với tôi và các cộng sự đứng sau lưng tôi. Lịch sử đã biến chúng tôi trở thành những con người như ngày hôm nay và giờ chúng tôi có cơ hội chứng kiến sự kết thúc một hành trình đã bắt đầu cách đây 200 năm trước. Đây không phải là vấn đề tiền bạc. Đây là di sản lịch sử của chúng tôi".
Mất cả chì lẫn chài
Được biết kho báu đã về Tây Ban Nha thành công, bất chấp việc Peru cũng tuyên bố họ có phần và đã nỗ lực vận động trong những phút chót để ngăn không cho kho báu chuyển về Madrid. Lý lẽ của Peru là những đồng xu đã được đúc tại nước này cách nay hơn 2 thế kỷ. "Các đồng xu được làm từ vàng thô lấy từ các mỏ hiện nằm trên đất Peru và đã được đúc tại một xướng đúc tiền ở Lima" - Bộ Ngoại giao Peru tuyên bố.
Peru không giành được độc lập cho tới tận năm 1824, nhưng các luật sư nói rằng nước này khi đó không chỉ đơn giản là một thuộc địa mà là chính quyền địa phương thuộc đế quốc Tây Ban Nha, nên cũng có quyền sở hữu kho báu. Song quan điểm này đã không được tòa án liên bang Mỹ tán thành. Đại sứ Peru ở Mỹ, Harold Forsyth, cho biết nước ông sẽ bàn thảo thêm về vấn đề kho báu với Tây Ban Nha qua kênh ngoại giao .
Về phần Odyssey, công ty chỉ nói mình là nạn nhân của sức ép chính trị tới từ Tây Ban Nha, đồng thời cho biết đã tiêu tốn 2,6 triệu USD để trục vớt, vận chuyển, cất giữ và bảo tồn kho báu. Tuy nhiên Odyssey đang có nguy cơ mất trắng số tiền này, bởi ngay từ đầu quốc gia châu Âu đã cảnh báo Odyssey đừng cố trục vớt kho báu. "Tôi kỳ vọng các công ty sẽ tôn trọng di sản lịch sử và luật biển" - đại sứ Dezcallar de Mazar nói - "Và luật biển ấy có nêu rõ rằng không cần biết bao lâu đã trôi qua, tài sản của một con tàu chiến bị chìm sẽ luôn thuộc về quốc gia nó mang cờ đại diện".
Tường Linh (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất