15/10/2018 13:59 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha
(Thethaovanhoa.vn) - Sự dễ dãi đã làm hại Tây Ban Nha kể từ sau khi họ bảo vệ được danh hiệu vô địch châu Âu vào năm 2012. Những ngôi sao giống như sống ở trên mây và chỉ thích gặm nhấm vinh quang trong quá khứ cho đến khi Luis Enrique xuất hiện.
1. Ông đã tước bỏ mọi quyền lực của các cầu thủ, biến đội bóng trở thành một trại tập trung đúng nghĩa. Không điện thoại trong giờ ăn, không chất gây béo, không khuyến khích chơi điện tử, và không có ai là không thể đụng đến ở La Roja. Có những nguyên tắc chưa bao giờ thay đổi trong phương pháp làm việc của HLV người Asturias, đó là ông luôn đối đầu với những ngôi sao của đội bóng.
Đội trưởng Sergio Ramos là người đầu tiên nhận được thông điệp này từ Luis Enrique. Anh là người chống đối Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hoàng gia Tây Ban Nha Rubiales kịch liệt từ vụ sa thải Julen Lopetegui trước thềm World Cup 2018. Và rồi chính Sergio Ramos là cầu thủ phải hiểu rõ triết lý của Luis Enrique, trước khi nó được chuyển đến các đồng đội.
Một đội bóng muốn chiến thắng, trước tiên là các ngôi sao phải vượt qua cảm giác họ làm chủ phòng thay đồ. Sergio Ramos có thể điều khiển các đồng đội theo cách nào đó, nhưng tất cả phải nằm dưới sự điều chỉnh của Luis Enrique, ông không muốn Tây Ban Nha trở thành nơi để các công thần chi phối thành tích của đội bóng.
2. Vicente Del Bosque luôn được các cầu thủ yêu mến, nhưng ông quá mềm yếu để có thể tạo ra cuộc cách mạng bóng đá ở Tây Ban Nha. Ông nuông chiều các cầu thủ, khiến họ trở nên mất hết động lực tạo ra sự thay đổi và đó là lý do dẫn đến thất bại một cách có hệ thống của bóng đá xứ đấu bò, nó kéo dài từ mùa Hè 2012 đến mùa Hè 2018. Ngay cả khi Julen Lopetegui, rồi sau đó là giai đoạn ngắn ngủi của Fernando Hierro, cố gắng biến đổi La Roja so với thời của Del Bosque, nhưng vẫn thất bại, khi họ đã bị chủ nghĩa kinh nghiệm chi phối nặng nề.
Luis Enrique không muốn bị giật giây bởi những trụ cột của đội bóng. Ở AS Roma, ông xung đột với biểu tượng Francesco Totti, ở Barcelona, ông khiến Leo Messi và Neymar Jr phải phát điên lên vì sự lạnh lùng. Những rắc rối với các ngôi sao thời còn làm việc ở các câu lạc bộ đã cho HLV 48 tuổi này thêm những bài học giá trị.
Về mặt chiến thuật, xoay vòng là một ý tưởng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong lòng đội bóng, nhưng về mặt quản trị, nó là tuyên bố cứng rắn, không một ngôi sao nào được vượt mặt Luis Enrique và tự cho mình cao hơn đội bóng.
Paco Alcacer đang chơi rất hay trong vai trò tiền đạo, nhưng trước tuyển Anh, có lẽ anh sẽ phải nhường chỗ cho Alvaro Morata hoặc Iago Aspas. Thiago Alcantara là một nhạc trưởng tài năng, nhưng Dani Ceballos là lựa chọn đáng tin cậy khác. Sergio Busquets có vẻ như không thể thay thế ở vị trí mỏ neo, nhưng Rodri sẽ mang tới cho Tây Ban Nha một nhịp điệu tương ứng khi cần.
3. Luis Enrique không bao giờ bị giới hạn bởi những vấn đề trong quá khứ. Ông có một cách nhìn khác biệt với những người tiền nhiệm, vốn cầu toàn và luôn cảm thấy yên ổn với những cái tên đã giúp Tây Ban Nha chiến thắng trong quá khứ.
Paco Alcacer là một thất bại của HLV người Asturias ở Camp Nou. Nhưng chính Luis Enrique lại là người đầu tiên sửa chữa những sai lầm đó khi gọi anh trở lại với La Roja. Marc Batra cũng như vậy, sau khi tỏa sáng ở Real Betis. Raul Albiol chưa từng được gọi lên đội tuyển kể từ năm 2015, nhưng giờ thì anh có một chỗ đứng bên cạnh Sergio Ramos.
Không ai khiến những kẻ bị lãng quên đó bước lại ánh hào quang tốt hơn Luis Enrique. Một HLV tưởng như độc đoán và tính cách ngang bướng đấy, đang hồi sinh những giá trị của Tây Ban Nha theo cách không thể tưởng tượng trước đó.
Trần Dũng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất