Nadal vô địch Wimbledon 2010: "Thép" đã tôi thế đấy

05/07/2010 19:34 GMT+7 | Tennis

(TT&VH Online) - 6-3, 7-5, 6-4. Không có cuộc lật đổ nào cho Tomas Berdych. Sau 1 năm lỗi hẹn, anh trở lại thật huy hoàng. Chúng ta đang nói về nhà vô địch Wimbledon 2010, Rafael Nadal.

133 phút và 3 set đấu để nâng cao cúp vô địch Grand Slam thứ 8 trong sự nghiệp. Quả là một chiến thắng tương đối đơn giản cho Rafael. Tại sao Berdych lại "giã từ vũ khí" chóng vánh đến thế?


Nadal vô địch Wimbledon 2010, Ảnh AP
Trên sân đấu trung tâm, cú forehand của tay vợt người Cộng Hòa Czech đã kém chính xác đi khá nhiều so với các trận anh đánh thắng Federer và Djokovic. Trong rất nhiều tình huống thuận lợi với tư thế thoải mái và hoàn toàn chủ động nhưng anh vẫn cứ đánh bóng lỗi rất đáng tiếc và khá vô duyên.  Thêm nữa, khả năng trả giao bóng và phòng ngự ở góc rộng của Berdych là rất hạn chế. Tay vợt số 13 thế giới  (sẽ lên số 8 trên BXH ATP sau giải này) cũng mắc phải vấn đề về tâm lý thi đấu và khả năng tận dụng cơ hội giống như Andy Murray khi anh bỏ lỡ tất cả 4 break mà anh có cơ hội giành được. Đó cũng chính là một trong những khác biệt giữa Nadal với Berdych và những khác biệt đó đáng giá...1 chiếc cúp vô địch.

Nadal tận dụng thành công 4/6 cơ hội giành break anh có được ở trận này và ít nhất là 2 trong 4 lần giành break đó đã mang về cho Rafael những chiến thắng quyết định. Đầu tiên là break anh giành được ở game 12 của set 2 giúp anh thắng Berdych 7-5 trong set này. Tiếp theo là break ở game 10 set 3. Nó mang lại cho Nadal championship point. Cũng như Murray, Berdych đã gục ngã vào những thời điểm quyết định khi những game đấu anh để Nadal giành break đều cực kỳ nhạy cảm. Game 12 của set 2 Berdych bị Nadal giành break sau khi anh mắc lỗi với cú forehand trong tư thế hoàn toàn thoải mái. Đó là lúc Nadal đang dẫn trước 6-5. Game 10 của set 3 Berdych lại bị Nadal giành break sau khi anh để Nadal dẫn 5-4 trước đó và anh mắc lỗi liên tiếp trong game quyết định này. Sức ép tâm lý quá lớn mà Nadal tạo ra đã khiến Berdych mắc sai lầm vào những thời điểm mà ranh giới của thành bại là hết sức mong manh. Đó chính là khác biệt của đẳng cấp, của kinh nghiệm trận mạc giữa tay vợt đã chơi 9 trận chung kết Grand Slam trước đó với tay vợt mới đánh trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của mình.

Trong trận chung kết này, những cú passing và forehand của Nadal không thật tốt. Đã không ít lần anh đánh ra ngoài hoặc mắc lưới nhưng điều quan trọng là vào những thời khắc mang tính quyết định trong một set đấu hay của cả trận đấu thì Nadal vẫn biết cách khẳng định đẳng cấp của anh. Như khi anh thực hiện cú passing quyết định ở game 10 của set 3 để giành chiến thắng chung cuộc.

Bên cạnh những phẩm chất và thế mạnh quen thuộc mà người ta vẫn thấy ở Rafael như thể lực dồi dào, tốc độ di chuyển nhanh, cứu bóng tốt, tâm lý thi đấu vững vàng thì trước Berdych, Nadal lại tạo cho mình một điểm nhấn mới với khả năng giao bóng 1 rất hiệu quả. Nó hiệu quả đến mức mà nếu tay vợt người Tây Ban Nha cứ tiếp tục duy trì được khả năng giao bóng 1 như trong trận chung kết này chứ chưa nói đến việc hoàn thiện nó hơn nữa thì người ta đã có thể xem đó như là một vũ khí tấn công lợi hại nữa của anh. Với phần lớn các tay vợt khác thì vũ khí giao bóng đồng nghĩa với tốc độ bay rất cao của trái banh và lực đánh cực mạnh được dồn vào đó nhưng Nadal lại phát huy thế mạnh service của anh bằng khả năng tạo độ xoáy và điểm rơi hiểm hóc của trái banh dù tốc độ cú service của tay vợt số 1 thế giới thường dưới 200km/h.

Khả năng giao bóng 1 hiệu quả là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của Nadal ở trận này và nó góp phần không nhỏ vào chiến thắng của anh. Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê thì 5 cú ace mà Rafael giành được ở trận này là một nỗi thất vọng. Nó không thấm vào đâu so với 13 lần giành ace của Berdych nhưng tất cả những ai theo dõi trận đấu đều có thể thấy là Nadal giao bóng 1 tốt thế nào và Berdych đã gặp vô vàn khó khăn khi phải trả giao bóng từ những cú service lần 1 của Nadal.

Chúc mừng Rafael. Cúp vô địch Grand Slam thứ 8 trong sự nghiệp và thứ 2 ở Wimbledon đã thuộc về anh, người xứng đáng hơn tất cả. 11 tháng không danh hiệu và những chấn thương không đánh bại được anh. Từ Monte Carlo tới Wimbledon là 5 chiếc cúp mới được bổ sung vào bộ sưu tập. Những chiếc cúp của ý chí, của nghị lực vượt khó và niềm tin bất diệt về một ngày mai trở lại. Trong khó khăn càng sáng ngời chất thép. Trong sức ép càng phát tiết tinh anh. Đó là Rafael. Giữa thế giới các vì sao của tennis đỉnh cao, người ta vẫn nhận ra anh. Một vẻ đẹp đặc biệt và hoàn toàn khác biệt. Sau buổi tối huyền diệu ở Paris vào ngày 6/6/2010 đáng nhớ ấy, anh đã là số một, là riêng, là thứ nhất. Và bây giờ, chiếc cúp vô địch Wimbledon thứ 2 trong sự nghiệp lại càng khiến anh cảm thấy "cô đơn" trên đỉnh cao. Vị trí số 1 trên BXH ATP đã được gắn chặt bằng một thứ bê tông mác cao và không dễ cho bất cứ đối thủ nào lăm le muốn chiếm đoạt nó. Nhưng Rafael sẽ không dừng lại. Nhà vô địch mang phong cách của một chiến binh không bao giờ ngủ quên trên vinh quang. Bởi với anh, tennis là một cuộc chinh phục không ngừng của những đỉnh cao mới. Anh muốn hướng đến chiến thắng, chiến thắng và chiến thắng nhiều hơn nữa. Vì đó là Nadal.

HT

"Một nửa Federer" ở tuổi 24

Nadal đã giành 8 chức vô địch Grand Slam trong sự nghiệp cho tới thời điểm này khi anh 24 tuổi, nghĩa là bằng một nửa số danh hiệu ở các giải lớn mà Roger Federer đã đạt được (16 cúp vô địch Grand Slam). Đó là một thành tích đáng nể mà ngay cả Federer cũng không thể làm được khi anh ở tuổi của Nadal bây giờ. Nên nhớ, "Tàu tốc hành" giành được 6 cúp vô địch Grand Slam cho tới năm anh 24 tuổi. Nadal vẫn còn lỗi hẹn với vòng nguyệt quế của US Open nhưng anh đã vô địch ở 3 giải lớn còn lại là Wimbledon, Australia mở rộng và Roland Garros. Federer ở tuổi 24 cũng chỉ thắng được ở 3 giải lớn là Mỹ mở rộng, Australia mở rộng và Wimbledon. Mãi tới năm 2009 anh mới giành được Grand Slam của sự nghiệp với chức vô địch Roland Garros khi sắp bước sang tuổi 28. 8 danh hiệu vô địch Grand Slam mà Nadal đã đạt được gồm có:

-VĐ Roland Garros 2005, 2006, 2007, 2008, 2010

-VĐ Wimbledon 2008, 2010

-VĐ Australia mở rộng 2009

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm