Tây Ban Nha dễ dàng vào bán kết: Sự đáng sợ của Tây Ban Nha!

25/06/2012 11:00 GMT+7

(TT&VH) - Các CĐV Tây Ban Nha (TBN) thì an tâm và sung sướng khi nhìn đội nhà thi đấu, Pháp và khán giả trung lập thì khổ sở khi xem trận đấu gần như một chiều.

Tiqui-taca của TBN trước Pháp có quá ít tính giải trí của bóng đá, nhưng lại thừa tính thực tế và phần nào đó, là hiệu quả! Lúc này, TBN giống một đội bóng vô chiêu và vô cảm!

Đội bóng vô chiêu

Dường như Tây Ban Nha (TBN) chẳng có chiêu thức tấn công nào đặc biệt, triết lý của họ có lẽ là cứ giữ bóng, đan bóng một lúc đối phương sẽ…nản và khoảng trống sẽ lộ ra. Kể cả khi các khoảng trống lộ ra, TBN cũng không bộc lộ ý đồ khoét vào các khe hở đó một cách quyết liệt. Phải chăng là họ thích “đá ma” đến trước cầu môn Lloris rồi mới sút?

Bàn mở tỉ số của TBN cũng thể hiện việc họ rất khó đoán trong triển khai bóng: Đấy là pha dàn xếp ở biên trái và người dứt điểm là Alonso, tiền vệ phòng ngự đang từ giữa sân xuất hiện trong vòng cấm như một tiền đạo lùi. Tạt cánh đánh đầu không phải là vũ khí của TBN, đặc biệt là khi không có trung phong cắm.


Lạnh lùng và thực dụng, Tây Ban Nha đè bẹp Pháp - Ảnh: Getty

Sau đấy, không rõ là TBN có còn muốn ghi bàn hay không! Họ dàn xếp tấn công một cách rất… thong thả, từ mọi hướng nhưng như thể TBN tấn công là để Pháp không thể lên bóng hơn là tìm dịp sút bóng. Các “tiền đạo” như Cesc, Iniesta hay Silva đổi chỗ cho nhau và di chuyển liên tục về giữa sân để… vờn bóng  còn Pháp thì không biết nên đeo bám ai.

Khả năng kiểm soát bóng hoàn hảo giúp TBN không lệ thuộc và bất kỳ chiêu thức nào. Hoặc họ cũng chẳng có chiêu thức nào đặc biệt ngoài... giữ bóng. Nhưng giữ bóng mà…không “làm” gì thì không gọi là chiêu, đấy chỉ là phương tiện để tạo dựng lối chơi. Del Bosque có vẻ đang tạo điều kiện để các học trò thay nhau làm người hùng. Trận thì Cesc ghi bàn, lúc thì Torres, lúc Navas và hôm qua là “chân sút” Alonso. TBN không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào.

Kể cả hiệp hai, khi Pháp cố dồn lên, TBN cũng không cho Pháp sút nổi một pha bóng cho hồn trừ tình huống căng ngang của Ribery phút 70 từ đường chuyền hỏng của Busquét. Torres và Pedro được vào sân và TBN gia tăng cách biệt từ chấm 11m. Pha bóng xuất phát từ lần đột phá của Pedro, người mới ra sân lần đầu giải này.

Có một hình ảnh TBN với tiqui-taca khác hẳn Barca trong phát triển lối chơi lên phía trước. Barca có bóng là tấn công và sẵn sàng đẩy nhanh nhịp độ trận đấu, TBN thì có bóng là giữ bóng và khiến trận cầu chùng xuống.

Rõ ràng là TBN còn thực dụng hơn cả thời World Cup 2010. Có lẽ là với hàng tiền đạo không đạt phong độ tốt, Del Bosque phải tính toán khác.

Câu hỏi là TBN đã đạt đến đỉnh điểm của lối đá “vô chiêu” hay chưa và kể cả khi chưa đạt đến tuyệt đỉnh, ai ngăn được họ?

Đội bóng vô cảm!

Chúng ta không nói đến cảm xúc mà TBN mang lại cho các CĐV hay người yêu mến họ vì nếu yêu  một đội bóng, có thắng thua gì cũng vẫn giàu xúc cảm. Hãy nói tới việc họ làm “vô cảm” người xem trung lập, đối thủ và chính họ!

Khi người Italia từ bỏ lối đá phòng thủ phản công sở trường để chơi một thứ bóng đá gợi cảm hơn, TBN hơi bị bất ngờ và điều đó tạo nên 90 phút hấp dẫn bậc nhất EURO này. Nhưng sự “nhàm chán” tăng dần các trận sau: Ireland như quân xanh và chỉ biết chịu trận, thôi thì người xem cũng còn được thấy TBN nhảy ballet và 4 bàn.Nhưng với Croatia, TBN chú trọng đến sự an toàn và kiểm soát bóng dẫn đến một trận đấu “khắc khổ”. Họ tái hiện điều này trước Pháp khiến 90 phút ở Donbass Arena không thể gọi là trận chiến hay trận đấu được. TBN làm chủ cuộc chơi 100% và chỉ khổ người xem trung lập khi họ “không thèm” tấn công thêm. Một trận đá tập đỉnh cao!

TBN đương nhiên cũng khiến Pháp lâm vào cảnh…chán đá. Lúc thì không có bóng để triển khai, lúc có bóng thì bị vây ráp bốn bề. Thực sự thì Pháp đã rơi vào cảm giác bất lực!

Với chính người TBN, sự “vô cảm” lại là điều tích cực. Khi xúc cảm chơi bóng được kiềm nén nhường chỗ cho lí trí, TBN đã điều tiết nhịp độ trận đấu rất chủ động. Họ lạnh lùng vây ráp Pháp, kể cả các pha tranh bóng hoặc phạm lỗi đều rất tỉnh táo. Sự điềm đạm cũng giúp TBN tránh thẻ phạt và chấn thương, bảo tồn lực lượng cho bán kết.

Dù không phải những cầu thủ có thần kinh thép kiểu Đức, sự điềm tĩnh được tôi luyện những năm qua trở thành thứ vũ khí thực sự của TBN. Nó sẽ giúp họ ứng phó với các tình thế khác nhau và duy trì sự đoàn kết.

Cho đến bây giờ, sự “vô cảm” và “vô chiêu” khiến TBN chưa bộc lộ đâu là yếu huyệt chủ đạo của mình. Vì điều đó, họ thực sự đáng sợ và khó lường.

Truyền thống bóng đá TBN là sự hào hoa.Về tính thẩm mỹ, các học trò Del Bosque vẫn duy trì được vẻ đẹp của những đường chuyền, chạm bóng, phối hợp giản đơn mà hiệu quả. Nhưng sự hào hoa giờ thì không hẳn được phô bày. Có lẽ chỉ có một TBN bốc lửa nếu họ bị dẫn trước.

Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể trả lời câu hỏi TBN đã đạt đến đỉnh điểm của lối đá “vô chiêu" hay chưa.

Huỳnh Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm