"Tạo hương" Đông Sơn (kỳ 4): Lồng đốt trầm - đặc sản của quý tộc Giao Chỉ

10/10/2024 09:58 GMT+7 | Văn hoá

Tôi muốn dành buổi "rì rầm" hôm nay để vừa từng bước đặc tả một loại hiện vật Đông Sơn độc đáo, vừa làm rõ điểm khác biệt rất đáng chú ý của quý tộc Đông Sơn thời Giao Chỉ.

1. Sau khi Âu Lạc sáp nhập vào Nam Việt (khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên), Giao Chỉ, Cửu Chân được thành lập dựa trên hai vựa lúa và vựa người giàu có nhất trong toàn vùng Lĩnh Nam là đồng bằng hạ lưu sông Mã/Chu và đồng bằng hạ lưu sông Hồng.

Nhà Tây Hán chinh phục Nam Việt vào năm 110 trước Công nguyên, trên danh nghĩa lập ra 6 rồi nâng thành 9 quận. Trong đó, trên phạm vi đất nước ta ngày nay, ngoài Giao Chỉ, Cửu Chân còn thêm Nhật Nam (vùng Bắc Trung bộ, từ đèo Ngang vào đến Quảng Nam). Nhưng phải đến nửa sau thế kỷ 1 trước Công nguyên, nhà Hán mới có thể cử quan lại xuống vùng này để cai trị. Trước đó, họ vẫn duy trì chế độ tự quản và cống nạp của các thủ lĩnh, quý tộc bản địa.

"Tạo hương" Đông Sơn (kỳ 4): Lồng đốt trầm - đặc sản của quý tộc Giao Chỉ - Ảnh 1.

Từ hai góc nhìn về chiếc lồng đốt trầm Đông Sơn thứ nhất trong sưu tập CQK (California, Mỹ)

Sự khai thông với văn hóa Hán đã ít nhiều làm biến dạng nền tảng cũ của văn hóa Đông Sơn, đặc biệt ở lớp thượng lưu, quý tộc Đông Sơn. Ngay cả khi quan lại người Hán và những khối di dân từ vùng đất Hán (chứ không hẳn đã phải người Hán), đa phần từ vùng lưu vực sông Dương Tử (Trường Giang) xuống ở chung với dân Âu Lạc bản địa, thì nhiều đồ kiểu Hán vẫn được thợ Đông Sơn đúc chế.

Năm 2006, tôi nhận tài trợ từ quỹ Sumimoto, đã có một chuyến công tác sang Nhật để báo cáo và trao đổi với một số học giả Nhật về sự biến đổi văn hóa bản địa như Đông Sơn (Việt Nam), Yayoi (Nhật Bản) dưới tác động của quá trình Hán hóa. Chúng tôi đều nhận ra có rất nhiều bằng chứng khảo cổ học về một nền văn hóa Giao Chỉ không thuần Hán phát triển trên nền tảng kỹ thuật, truyền thống, tâm linh Đông Sơn. Tôi thường gọi hiện tượng này bằng tên "Văn hóa Lạch Trường" (2001) hay "Văn hóa Đông Sơn - Giao Chỉ" (2008). Bộ đốt trầm mà chúng ta đang bàn đến là một minh chứng cho điều đó.

2. Lồng đốt trầm được coi như một đặc sản Đông Sơn - Giao Chỉ, không phải bởi tính duy nhất, mà bởi tính đa dạng về chủng loại và phong phú về số lượng khi so sánh với các trung tâm văn minh đương thời.

Nếu chỉ so sánh trong không gian đế chế nhà Hán bao trùm chẳng hạn thì quý tộc Giao Châu rõ ràng chiếm ưu thế nổi trội về lồng đốt trầm bằng đồng. Có thể lý giải bởi chính Giao Châu là vùng đất từng đảm nhận số lượng trầm hương, ngà voi, sừng tê nhiều nhất trong tỷ trọng cống nạp cho triều đình nhà Hán.

Loại lồng đốt trầm Giao Chỉ phổ biến là loại lồng hình cầu tròn hay hơi dẹt dáng quả thị, có ba chân kiềng và tay cầm cong đầu linh thú. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng viếng thăm hai chiếc lồng đốt như vậy. Đây là hai lồng đốt khá tiêu biểu mà tôi đã được trực tiếp nghiên cứu.

"Tạo hương" Đông Sơn (kỳ 4): Lồng đốt trầm - đặc sản của quý tộc Giao Chỉ - Ảnh 2.

Chiếc lồng ấp thứ hai trong sưu tập CQK, dáng bầu dẹt hình quả thị.

Chiếc đầu tiên là lồng ấp dáng khối cầu, đơn giản nhưng khá điển hình trong sưu tập Đông Sơn CQK (California, Mỹ). Khối cầu chính có đường kính khoảng 12,5cm, phần đáy dưới hơi dẹt nhưng phần nắp tròn căng. Đây là loại bầu đốt có ba chân và tay cầm dạng bện thừng vuông bốn sợi, vươn từ đáy lên thành một đầu rồng miệng há, có tai và cặp sừng cong mềm như râu cá trê vắt về phía sau. Tạo dáng tổng thể đã giúp hình thành một con vật đầu rồng, thân tròn, ba chân đang cõng chim công trên lưng.

Phần bầu dưới, nơi để vật liệu tạo hương để đốt chỉ kín phần đáy, phía trên có hai hàng hoa văn hình chữ S nằm, xoắn nhiều vòng, tạo ở khe tiếp giáp bên trên và bên dưới hai hình chữ S khe thủng, làm thành hệ thống lỗ thoát khí cân xứng với băng hoa văn tạo lỗ tương tự ở phía nắp bên trên. Nhờ đó, đảm bảo đủ thông khí giúp vật liệu tạo hương khi đã bắt lửa sẽ luôn đượm hồng.

Các lỗ thoát trên chóp nắp bầu đốt trổ thành18 khe lỗ đều từ đỉnh như hình sọc dưa hay hình bu gà. Trên đỉnh chóp là tượng một con công đang rũ cánh và vểnh cao đuôi cân đối với đầu cổ rất hiên ngang, hướng theo chiều đầu rồng phần tay cầm. Chốt bản lề để giữ và đóng mở nắp với thân dưới được đặt ở chính điểm đuôi của con rồng, với phần ốp to bên dưới và bản chốt gắn với nắp bên trên.

Nhờ tẩy gỉ khéo nên đến nay chúng ta vẫn dễ dàng mở nắp đốt trầm thưởng hương thơm từ lồng đốt này.

3. Chiếc thứ hai cũng thuộc sưu tập CQK, nhưng dáng phần bầu đốt dẹt như kiểu quả thị. Lồng đốt này có phần dưới kín hoàn toàn và ngoài ba chân đỡ thế kiềng còn có một chân trụ ngắn hơn ở chính giữa.

"Tạo hương" Đông Sơn (kỳ 4): Lồng đốt trầm - đặc sản của quý tộc Giao Chỉ - Ảnh 3.

Đặc tả chi tiết chân kiềng đỡ bầu đốt hình người/linh thú đỡ cầu (hình trái) và hình đôi chim công đang trong tư thế “khóa mỏ” rất đáng yêu trên đỉnh nắp lồng ấp (hình phải) trên lồng đốt trầm thứ hai của bộ sưu tập CQK (California, Mỹ)

Cũng như lồng đốt trầm kia, chiếc này tạo dáng thành một con rồng ba chân đang nặng nề mang bầu đốt hương liệu với cả một rừng chim công hoa lá trên nắp trổ thủng. Chiếc đầu rồng khá giống chiếc tôi đã mô tả bên trên, nhưng phần cổ được bện bởi 6 sợi thừng rất cầu kỳ và đây cũng là lồng đốt hiếm hoi có ba chân tạo dáng linh thú giơ hai tay đỡ quả cầu rất giống hình thần Atlas nâng cầu vậy. Bản lề gắn nắp với thân dưới cũng đặt ở vị trí đuôi, đối diện với đầu rồng.

Phần đáng nói nhất là trang trí nắp bầu đốt. Chiếc nắp được thợ Đông Sơn có dụng ý tạo thành một "vườn thơm" với băng dưới cùng của chiếc nắp là 18 hình tròn bên trong chứa những bông hoa tựa như cánh hoa đào có nhụy tròn ở giữa và 6 cánh cân xứng xung quanh. Trên đó, phủ kín khắp nắp là các đường hoa dây lá điểm hoa, ở bốn góc là bốn chim công nhỏ xòe đuôi vươn cổ vây xung quanh một cặp công đang trong tư thế con đực bên trên "khóa mỏ" con cái ở thấp hơn, phía đối diện.

Bộ đuôi công đực ở đây được trang trí rất đẹp. Bệ đỡ bao quanh tạo thành chỗ đứng cho cả công cái bên dưới lẫn công đực bên trên cũng là những vòng tròn có chấm hoa như băng trang trí bên dưới. Chiếc cột cắm giữa lưng công đực cho thấy chiếc nắp này còn có thể đội một đĩa đèn dầu bên trên nữa.

Quả là một kỳ công nghệ thuật dành cho nghệ thuật thưởng hương Đông Sơn. Điểm thú vị đặc biệt ở chiếc lồng đốt trầm này chính là ở hình ảnh đôi công trong tư thế ân ái rất đẹp và nhiều cảm xúc trên đỉnh chóp cao nhất của nắp lồng ấp.

Hy vọng, tôi sẽ còn cùng các bạn được chiêm ngưỡng thêm nữa những đặc sắc nghệ thuật mà thợ cả Đông Sơn đã dành cho dụng cụ tạo hương thần thánh này. Hẹn gặp lại các bạn trong "rì rầm" tuần sau.

"Có rất nhiều bằng chứng khảo cổ học về một nền văn hóa Giao Chỉ không thuần Hán phát triển trên nền tảng kỹ thuật, truyền thống, tâm linh Đông Sơn" - TS Nguyễn Việt.

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm