Tăng nguy cơ tử vong vì 50 loại nhiễm khuẩn ở bệnh viện

23/10/2012 14:09 GMT+7 | Y tế

Nhiễm khuẩn bệnh viện là vấn đề được các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đặc biệt quan tâm và chú trọng kiểm soát. Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, kéo dài thời gian điều trị và đặc biệt là làm tăng chi phí điều trị.

Vệ sinh sạch sẽ, đúng cách làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện

Có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn bệnh viện

Theo ước tính của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), có khoảng 1,4 triệu người bệnh nội trú bị nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế tại bất kể thời điểm nào. Nhiễm khuẩn bệnh viện là hậu quả không mong muốn trong thực hành khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc người bệnh.Chính vì vậy, kiểm soát nhiễm khuẩn luôn là một nhiệm vụ ưu tiên và là một chỉ số thiết yếu đánh giá chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế và các quốc gia.

Thạc sỹ Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Nhiễm khuẩn bệnh viện là hiện tượng nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian điều trị tại bệnh viện và hiện tượng này không hiện diện rõ và không trong giai đoạn ủ bệnh tại thời điểm nhập viện. Hiện có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn bệnh viện xuất hiện tại bệnh viện trong đó các nhiễm khuẩn thường gặp là: Viêm phổi bệnh viện, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn vết bỏng và các nhiễm khuẩn khác. Cũng theo ông Mục có 4 nguồn gây nhiễm khuẩn bệnh viện gồm: môi trường (bề mặt, nước, không khí, thực phẩm), người bệnh (vi sinh vật nội sinh, suy giảm miễn dịch), khám chữa bệnh (tay cán bộ y tế, dụng cụ y tế, tuân thủ vô khuẩn) và vi khuẩn kháng thuốc (sử dụng kháng sinh rộng rãi). Nhiễm khuẩn bệnh viện sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: tăng tỷ lệ tử vong, biến chứng, tăng ngày điều trị, tăng sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc và tăng chi phí điều trị.

Tiến sỹ Trần Quang Huy, Phòng Điều dưỡng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho biết: Tại Việt Nam, theo điều tra "Thực trạng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2012" tại 522 bệnh viện trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cho thấy có 59,4% số bệnh viện có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn; 33% các bệnh viện của cả 3 tuyến bảo đảm có đơn vị tiệt khuẩn tập trung đạt tiêu chuẩn; 22,6% khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chưa có trưởng khoa; hầu hết các khoa lâm sàng đều chưa có buồng cách ly, buồng riêng để thu gom đồ vải, dụng cụ sau sử dụng hay buồng riêng chứa chất thải... Đặc biệt còn trên 50% các bệnh viện tự đánh giá còn thiếu điểm vệ sinh tay ở mỗi phòng trong khi đó là biện pháp hữu hiệu để phòng ngữa nhiễm khuẩn bệnh viện; 24,9% các bệnh viện đặc biệt là tuyến huyện triển khai thực hiện hoạt động giám sát vi sinh vật kháng thuốc ở mức thấp...

Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên khẳng định: Kiểm soát nhiễm khuẩn đóng vai trò quan trọng trong các cơ sở y tế. Hiện nay, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như nguồn lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, công tác giám sát chế độ kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được thực hiện thường quy ở nhiều cơ sở y tế; tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện và yếu tố nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện còn cao làm tăng chi phí cho điều trị nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện... Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đã phê duyệt "Kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn từ nay đến năm 2015" (áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước và tư nhân) nhằm tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh thông qua các giải pháp tăng cường về tổ chức, nguồn lực, nhận thức và chính sách về kiểm soát nhiễm khuẩn góp phần bảo đảm an toàn người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Theo Thạc sỹ Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, để tăng cường hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, ngành y tế cần phải tiếp tục củng cố hệ thống các khoa, tổ kiểm soát nhiễm khuẩn; bổ nhiệm lãnh đạo cán bộ khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn có chuyên môn phù hợp, đủ năng lực; tăng cường công tác đào tạo cho lãnh đạo và nhân viên kho, tổ kiểm soát nhiễm khuẩn; đầu tư cơ sở hạ tầng và phương tiện phụ vụ cho hoạt động này; đồng thời tăng cường hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn còn yếu như: Nghiên cứu khoa học, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện hiện mắc, giám sát vi sinh vật tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao và vi sinh vật kháng thuốc...

Thời gian tới, để hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn đạt hiệu quả, Hội Điều dưỡng Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như: Các bệnh viện có từ 150 giường bệnh trở lên, ngoài biên chế tối thiểu có 1 lãnh đạo khoa, tổ chuyên trách và có các bộ phận khử khuẩn, giặt là cần bố trí ít nhất thêm 1 nhân lực được chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn; các bệnh viện cần đặt ra lộ trình cụ thể để hoàn thiện trang thiết bị cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của từng bệnh viện; tăng cường các điểm rửa tay bằng dung dịch chứa cồn tại bàn tiêm, bàn khám, buồng thủ thuật, buồng cấp cứu; hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải lỏng hoàn chỉnh tại các bệnh viện... Đồng thời, Bộ Y tế cần phối hợp với các nhà khoa học để nghiên cứu, đề xuất mở rộng danh mục được phép tái chế và hướng dẫn các cơ sở y tế xử lý an toàn chất thải rắn y tế được phép tái chế theo đúng quy định.

Thu Phương
Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm