06/07/2024 09:17 GMT+7 | Tin tức 24h
Ngày 4/7/2024, cử tri Anh đã hoàn thành cuộc tổng tuyển cử đầu tiên từ khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU) năm 2020. Đây là kỳ bầu cử cử quan trọng đối với tương lai nước Anh sau 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ.
Kết quả của cuộc tổng tuyển cử đã phản ánh đúng như những dự báo trước đó khi Công đảng giành chiến thắng với 412 ghế trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện. Với chiến thắng này ông Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng, đã chính thức trở thành tân thủ tướng của nước Anh.
Công đảng giành chiến thắng áp đảo
Ngày 4/7/2024, hàng triệu cử tri trên khắp Vương quốc Anh đi bỏ phiếu bầu Hạ viện mới sau chiến dịch tranh cử kéo dài 6 tuần của các chính đảng kể từ khi Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố tổng tuyển cử sớm vào ngày 22/5/2024.
Cuộc bầu cử tại Anh diễn ra trong một vòng duy nhất để bầu ra 650 ghế tại Hạ viện. Trong cuộc tổng tuyển cử lần này, 6 đảng chính, gồm đảng Bảo thủ cầm quyền, Công đảng, đảng Dân tộc Scotland, đảng Dân chủ tự do, đảng Xanh, đảng Cải cách Vương quốc Anh và các đảng khác cạnh tranh giành ghế tại Hạ viện ở 650 khu vực bầu cử trên cả nước (mỗi khu vực bầu 1 nghị sĩ đại diện).
Theo Hiến pháp Anh, Đảng nào chiếm đa số trong Hạ viện sẽ đứng ra thành lập chính phủ và lãnh đạo đảng giành chiến thắng đó sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của nước Anh. Đảng giành số ghế lớn thứ hai trở thành đảng đối lập chính thức. Theo truyền thống, đảng Bảo thủ và Công đảng là hai đảng thống trị nền chính trị Anh và các đảng nhỏ có ít cơ hội giành ghế hơn.
Trước thềm bầu cử, các cuộc thăm dò đều cho thấy Công đảng sẽ dẫn trước đảng Bảo thủ. Và đúng như dự đoán, kết quả cuối cùng được công bố ngày 5/7 cho thấy, Công đảng thắng áp đảo trước đảng Bảo thủ cầm quyền, giành tới 412 ghế trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện. Con số này gần bằng mức 418 ghế mà Công đảng giành được trong chiến thắng năm 1997 dưới sự dẫn dắt của ông Tony Blair. Trong khi đó, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Rishi Sunak hứng chịu thất bại lớn nhất trong lịch sử hiện đại khi chỉ giành được 121 ghế so với 365 ghế tại Hạ viện trước. Số ghế thấp nhất đảng này giành được tại một cuộc tổng tuyển cử là 156 ghế vào năm 1906. Trong số các ứng cử viên Bảo thủ mất ghế có cựu Thủ tướng Liz Truss, Bộ trưởng quốc phòng Grant Shapps, Bộ trưởng giáo dục Gilian Keegan, Bộ trưởng Tư pháp Alex Chalk, lãnh đạo đảng Bảo thủ tại Hạ viện Penny Mordaunt.
Đảng Dân chủ tự do trung dung giành kết quả ấn tượng với 71 ghế, tăng 63 ghế so với cuộc tổng tuyển cử trước. Đảng Xanh và đảng Cải cách Vương quốc Anh đều giành được 4 ghế, trong đó lãnh đạo đảng Cải cách Vương quốc Anh Nigel Farage lần đầu tiên trở thành nghị sĩ sau 8 lần tranh cử. Đảng Dân tộc Scotland (SNP) chỉ giành được 9 ghế, giảm 38 ghế.
Sau khi kết quả được công bố, ông Rishi Sunak của đảng Bảo thủ đã thừa nhận thất bại và gọi điện chúc mừng lãnh đạo Công đảng Keir Starmer. Lãnh đạo nhiều nước cũng đã chúc mừng tân Thủ tướng Anh Keir Starmer.
Tân Thủ tướng Keir Starmer và những nhiệm vụ phía trước
Theo giới quan sát, cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế ảm đạm với tăng trưởng yếu, năng suất thấp, đầu tư kém, nợ công cao kỷ lục và những hệ lụy từ Brexit; mức sống giảm với thuế phí, chi phí sinh hoạt và lãi suất vay thế chấp đều cao trong khi mức tăng lương không theo kịp lạm phát; làn sóng nhập cư tăng mạnh; dịch vụ công xuống cấp, đặc biệt Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) với danh sách chờ khám chữa bệnh hơn 7 triệu người... Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo Anh sẽ tụt hậu so với hầu hết các nền kinh tế G7, chỉ đạt tăng trưởng 0,4% năm nay và đứng cuối nhóm G7 năm 2025 với mức tăng 1%. Kể từ sau đại dịch COVID-19, nợ công của Anh tăng nhanh và vượt mức trung bình của G7. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nợ công của nước này sẽ tiếp tục tăng thay vì ổn định hoặc giảm…
Với những hệ lụy nêu trên, đảng Bảo thủ đã gặp khó khăn trong việc nhận được sự ủng hộ của cử tri. Sau 14 năm cầm quyền với 5 đời thủ tướng và trải qua nhiều bất ổn chính trị, kinh tế-xã hội, đảng Bảo thủ bước vào cuộc tổng tuyển cử lần này với những chia rẽ sâu sắc, trong khi uy tín sụt giảm nghiêm trọng với hàng loạt bê bối, từ vụ Partygate (chỉ các cuộc tiệc tùng tại Văn phòng Thủ tướng trong thời gian Anh áp lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19) dưới thời Thủ tướng Boris Johnson, tới kế hoạch ngân sách nhỏ (mini budget) dưới thời bà Liz Truss gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, hủy hoại danh tiếng của Anh cũng như uy tín của đảng Bảo thủ về khả năng điều hành kinh tế. Mới đây nhất, vụ cá cược về ngày bầu cử liên quan tới các quan chức đảng đã hủy hoại tính liêm chính chính trị của đảng Bảo thủ.
Trong bối cảnh đó, chiến thắng của Công đảng đã phản ánh mong muốn thay đổi của cử tri Anh và đánh dấu sự trở lại của một đảng trung tả theo chủ nghĩa quốc tế, đồng thời mang dấu ấn cá nhân của nhà lãnh đạo Keir Starmer, người tiếp quản đảng vào năm 2020 sau khi Công đảng hứng chịu thất bại tồi tệ vào năm 2005.
Là người theo chủ nghĩa trung dung và thực dụng, ông Starmer đã nỗ lực hàn gắn các chia rẽ nội bộ và thành công trong việc xây dựng uy tín của Công đảng (202 ghế), khiến sự ủng hộ của cử tri tăng mạnh. Chương trình nghị sự thúc đẩy tăng trưởng và ủng hộ doanh nghiệp của ông Starmer đã được đền đáp khi ông cam kết sẽ hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng, với một chương trình nghị sự bao gồm cải cách quy hoạch và đầu tư nhà nước vào công nghệ xanh, đồng thời theo đuổi chương trình nghị sự truyền thống cải cách quyền của người lao động.
Trong cương lĩnh tranh cử lần này, ông Starmer đã cam kết thúc đẩy thịnh vượng, giải quyết tình trạng năng suất trì trệ, khuyến khích đầu tư, xây dựng nhà và cải thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời tăng cường quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Công đảng khẳng định sẽ thành lập công ty năng lượng sạch của nhà nước nhằm tăng cường an ninh năng lượng, áp thuế lợi tức phụ thu (windfall tax) đánh vào các công ty dầu khí lớn; đánh thuế các trường tư thục để trả lương cho hàng nghìn giáo viên mới tại các trường công lập; đồng thời giảm thời gian chờ đợi khám chữa bệnh trong hệ thống NHS.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer đã diện kiến Vua Charles III và được đề nghị thành lập chính phủ mới. Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer đã bổ nhiệm nội các mới với 27 thành viên, trong đó có nhiều kỷ lục được ghi nhận như: 11 thành viên nữ trong nội các, hay việc bà Rachel Reeves trở thành nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên trong lịch sử nước Anh…
Trong bài phát biểu đầu tiên tại Phố Downing, Thủ tướng Keir Starmer nói rõ người dân Anh đã bỏ phiếu cho sự thay đổi, cho sự đổi mới đất nước và đưa chính trị trở lại phục vụ công chúng. Ông cam kết chính phủ của Công đảng sẽ hành động thay vì lời nói để đạt được những thay đổi trên và rằng người dân Anh sẽ được phục vụ với sự tôn trọng. Chính phủ sẽ cùng với người dân xây dựng lại nước Anh.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất