04/11/2012 15:04 GMT+7 | Văn hoá
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng |
1. Bất kể là dân tộc nào, sự quần cư rồi cũng dần dần dẫn đến những cái chợ - trung tâm trao đổi, mua bán nhất định, quy mô to nhỏ khác nhau.
Ở phương Tây các thành phố hình thành sớm ngay từ nền văn minh cổ đại Hy Lạp - La Mã. Ở Hy Lạp là các thành bang, ở La Mã là các thành phố trong một đế quốc rộng lớn. Thời Trung cổ, các thành phố La Mã lụi tàn, thay thế bằng các lãnh địa nhỏ, thương mại không phát triển, cho đến thời Phục hưng, những nhà tư sản mới mua lại các thành thị từ tay vua chúa, để làm nơi phát triển văn hóa và buôn bán, điển hình là thành Florencia.
Những thành thị ở phương Đông cũng có rất sớm là những kinh đô, đô thành gắn liền với trung tâm thương mại. Ở Việt Nam chính những thị trấn, thị xã nhỏ có tuổi lâu đời hơn các thành phố, và là dạng tiền thân của các thành phố lớn. Sớm nhất Thăng Long và đến thế kỷ 19 là Sài Gòn và Huế là ba thành phố lớn, còn lại vài kinh đô cổ khác như Hoa Lư, Tây Đô và trung tâm Luy Lâu (Bắc Ninh) cho đến nay vẫn không xác định được có là thành phố hay không.
2. Thị trấn, thị xã, huyện thị, thị tứ là những khái niệm được dùng trong các quy mô khác nhau về những thị trấn nhỏ thoát ly khỏi làng xã, nơi quần cư mới gần gũi với tính chất của thành phố.
Mức độ to hay nhỏ về địa lý và sự phát triển của những khái niệm này rất tương đối. Thị xã gần là thành phố, nhưng đôi khi chỉ được coi là một huyện. Huyện thị là trung tâm của một huyện, vậy trong một tỉnh có bao nhiêu huyện thì có thể có bấy nhiêu huyện thị, vì thưở xưa có nhiều huyện chỉ có mỗi công đường quan nha, còn xung quanh vẫn chưa có thị trấn gì cả.
|
Thị tứ thì thấp hơn có thể là một quần cư nhỏ lẻ theo một con phố. Chữ “tứ” là khái niệm chỉ quán hàng buôn bán, thị tứ có nghĩa là một cái chợ, hay một phố chợ nhỏ trên một con đường. Tất cả các thị xã và thị trấn cổ ở ta đều hình thành từ con đường xuyên huyện và tỉnh, nơi đây là trung tâm của một địa phương, đi lại, buôn bán, hành chính…con phố kiểu như vậy vẫn giữ nét cơ bản cho đến tận ngày nay.
3. Dân thị trấn và thị xã không nhất thiết cùng một làng hay là dân bản địa, thậm chí đa số là dân di cư, nên đôi khi chính thị trấn hình thành từ những người di cư không thể lọt vào làng xã, vì trong làng dù ở lâu đến mấy họ cũng chỉ được coi là dân ngụ cư thôi (dân ở nhờ) và không mấy được coi trọng.Rất ít các thị xã, thị trấn có thể hình thành nên những nét văn hóa riêng biệt, vì văn hóa Việt Nam luôn xuất phát và được sở hữu bởi làng xã. Thị xã và thị trấn chấp nhận sự đa dạng và đa văn hóa, trong đó buôn bán mới là hoạt động chính, nhất là khi đa số dân thị xã, thị trấn không có ruộng làm nông nghiệp.
Thị xã và thị trấn cũng sở hữu những nghề thủ công nhất định, luôn luôn có là nghề may, nghề cắt tóc, xây dựng, rèn, hàng ăn, nhà trọ, cửu vạn làm thuê và họ thu hút nhiều thợ giỏi để phục vụ du khách và làng xã xung quanh. Những gì trong làng không có, không làm được thì lên phố huyện, cho nên vai trò của huyện thị và thị trấn không nhỏ đối với dân cư trong tỉnh.
Nơi đô hội này dù to hay nhỏ cũng thu hút số vốn kinh doanh lớn, thậm chí dù không sản xuất hàng hóa nào thì đầu tư của các đô thị nhỏ vẫn lớn hơn các làng xã, thậm chí bằng tất cả các làng xã trong huyện cộng lại. Nghề cho vay nặng lãi ra đời, các thương điếm hình thành, nhà trọ và quán ăn kề cận nhau và có thể chung ngay một ngôi nhà. Ở Trung Quốc đó là tửu quán, tửu lâu, khách xá, quán xá, trong đó tửu quán, tửu lâu chính là tiền thân của khách sạn hay hotel ngày nay. Đại tửu lâu chính là một khách sạn rất đắt tiền, còn khách sạn (ở Trung Quốc) thì lại nhỏ bé và rẻ hơn.
Dịch quán, trạm đình, dịch đình là những nơi cho du khách qua đường nghỉ chân, lính công văn triều đình đổi ngựa hình thành ở nước ta ngay từ thời Lý trong thế kỷ 11. Có lẽ chính nơi đặt các dịch quán là tiền thân của các thị trấn ven đường sau này.
Phan Cẩm Thượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất