16/06/2012 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Ngày 13/6 vừa qua, Kịch Hồng Vân (TP.HCM) lần đầu công diễn Làm…! (KB: Chu Thơm, ĐD: NSND Hồng Vân) với nhiều mảng miếng mới, chứng tỏ sự đầu tư công phu, nghiêm túc. Vở bi kịch này được chuyển thể từ tiểu thuyết Làm đĩ mà Vũ Trọng Phụng (1912-1939) đã viết gần 80 năm trước.
Làm…! kể chuyện tiểu thư Huyền xinh đẹp, đang tuổi dậy thì, ngủ với anh họ bị mất trinh. Khi Huyền bị gả cho Tham Kim, vì bệnh giang mai nên không phát hiện chuyện trinh tiết. Bổn tính đa tình, cô ngoại tình nhiều lần với bạn thân của chồng là Tân, trong cơn giận dữ, cô bị chính chồng mình hiếp dâm và bắt ký tên vào tờ cam kết ô nhục. Khi còn là tiểu thư, cô nhiều lần miệt thị đào Xuân, để cuối cùng, khi phải từ Bắc vào Nam làm đĩ, cô đã được má mì Xuân chuộc ra để chữa bệnh giang mai.
Cảnh trong vở Làm…!
Vở kịch hơn 10 năm thai nghén
Khi chuẩn bị thành lập sân khấu Kịch Phú Nhuận, Hồng Vân đã muốn nơi đây có hương vị riêng với kịch Bắc, trong đó Làm đĩ là tác phẩm mà chị ôm ấp. Cuối năm 2004, sân khấu này lại rục rịch chuyện dựng tiểu thuyết này, với kịch bản có tên Đường tới lầu xanh, nhưng cuối cùng đạo diễn Chánh Trực làm không tới, nên đành hoãn lại. Ngay cả với kịch bản này - do Hồng Vân đặt hàng nhà biên kịch Chu Thơm viết năm 2007 - cũng không mấy suôn sẻ, đã ba bốn lần “vỡ hoang”, đã hai lần thay nghệ sĩ, nay mới đủ duyên để dàn dựng và sáng đèn.
Hồng Vân nói rằng tùy hoàn cảnh và điều kiện mà mỗi sân khấu có một vở kịch cột mốc của mình để vượt qua, với sân khấu Phú Nhuận, Làm đĩ là một tác phẩm như thế. Rục rịch từ cuối năm 2011, vở này được Hồng Vân đưa lên sàn tập khá sớm, nhưng vì tham vọng của kịch bản quá rộng và sâu, nên việc dàn dựng không hề dễ dàng. Bám khá sát câu chuyện trong tiểu thuyết, với bối cảnh sống bị Tây hóa hồi đầu thế kỷ 20, nhưng Làm…! vẫn gửi gắm được những ưu tư thời đại. Đó là sức mạnh của đồng tiền, của ham muốn xác thịt… với phẩm hạnh của người.
Cũng xin nhắc lại, Làm đĩ viết từ năm 1934, in lần đầu trên báo năm 1935, xuất bản thành sách năm 1937, ngay lập tức đã nhận về khá nhiều dư luận trái chiều trong giới trí thức, văn nghệ sĩ hàng đầu thời đó. Vũ Trọng Phụng quả là tiên phong, bởi ngay cả ở Pháp, những năm này người ta mới bắt đầu thảo luận dự án giáo dục tình dục Scillier trong nhà trường. Dù tác phẩm khá đình đám như vậy, nhưng mãi đến năm 1993, bản biên tập của Làm đĩ mới được in lần thứ hai, đủ thấy sự e dè và lận đận.
Theo nhà nghiên cứu Hữu Ngọc, với tác phẩm này, Vũ Trọng Phụng muốn khẳng định hai điều: 1) Cái dâm hiểu đúng nghĩa là điều tự nhiên của loài người. “Cái dâm thuộc về quyền sinh lý học... Tình dục cần cho xác thịt, nó cũng như sự ăn uống!”. 2) Cần giáo dục tình dục để tuổi trẻ khỏi sa ngã, nhất là khi “văn minh phương Tây đang ảnh hưởng rất mạnh vào đời sống của chúng ta”.
Chuyện một nghề “nóng hổi”
Vở này ra chất bi kịch, không phải vì nó kể một câu chuyện éo le, đau khổ, chết chóc, mà ở khía cạnh nhận thức và tiếp nhận hoàn cảnh đó như thế nào. Dù từ đầu Huyền khinh rẻ chuyện làm đĩ nhưng cuối cùng bản thân lại phải làm đĩ, đây là một hành động bi kịch khá điển hình.
Công diễn Làm…! lúc này, trong bối cảnh mà nhiều chân dài phát ngôn một đằng làm một nẻo, nhiều đại gia sẵn sàng bỏ số tiền tương đương hàng chục tháng lương của công chức để mua dâm… thì tính thời sự của nó hiển nhiên phải được kể đến.
Không chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn giữa khoa học hóa hay “bịt bùng” hóa chuyện tình dục; giữa cởi mở và bảo thủ; mà Làm…! còn đề cập đến những ẩn ức, mặc cảm vốn có trong mỗi người. Tùy hoàn cảnh, tùy quan niệm mà những ẩn ức đó bị dìu dắt” đến thăng hoa tình yêu hay băng hoại, bệnh tật.
Riêng về diễn xuất, sự tinh ranh trong cách diễn của Trịnh Kim Chi (đào Xuân), sự táo bạo của Thanh Vân (Huyền), sự bệnh hoạn của Xuân Trang (Tham Kim)… trở thành những điểm sáng đáng chú ý. Bên cạnh đó, Lan Phương, Thanh Duy, Trịnh Duy Anh… và một, hai diễn viên trẻ khác đều tạo được những nét riêng. Thay vì chọn nói giọng Nam cho dễ bán vé, vở này hoàn toàn nói giọng Bắc cũng là một quyết định vừa táo bạo vừa nghiêm túc của đạo diễn. Dường như Hồng Vân đang muốn xốc lại sân khấu của mình, vì một, hai năm qua nó đang có chiều hướng xộc xệch. Được biết, vở này sẽ tham gia Hội diễn Sân khấu kịch toàn quốc 2012 vào tháng 7 tới đây tại Huế.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất