Số phận chiếc máy bay Mỹ rơi ở Libya

23/06/2011 11:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - NATO vừa vấp phải tổn thất quân sự đầu tiên trong cuộc chiến kéo dài 3 tháng của họ ở Libya và nạn nhân là một rôbốt mang tên FireScout. Xung quanh cái chết của chiếc máy bay không người lái này có nhiều tranh cãi, với phía Libya tuyên bố họ đã bắn rơi chiếc máy bay, còn NATO thì nói không phải. 

Đài truyền hình quốc gia Libya hôm 21/6 đã phát hình các mảnh vỡ cháy đen của một chiếc máy bay trực thăng bị rơi xuống gần Zliten, một khu vực nằm cách phía Đông thủ đô Tripoli khoảng 160km.

Bị bắn rơi hay sự cố kỹ thuật?

Phía Libya nói rằng đây là những phần còn lại của một chiếc trực thăng Apache vũ trang bị quân Chính phủ tiêu diệt. Nhưng các mảnh vỡ, hình dáng và dấu hiệu đã cho thấy đó chính là chiếc máy bay không người lái MQ-8 Fire Scout, còn được gọi là “Phương tiện bay cất cánh thẳng đứng không người lái”, do tập đoàn Northrop Grumman, Mỹ, sản xuất.

Phía NATO sau đó đã lập tức bác bỏ việc trực thăng Apache của họ bị bắn hạ. Chỉ huy lực lượng không quân NATO Mike Bracken nói rằng NATO đã mất liên lạc với chiếc FireScout vào sáng ngày 21/6. “Chiếc máy bay đã tham gia vào các nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo, do thám ở Libya” - Bracken nói.

Chiến trường Libya đang trở thành nơi Mỹ thử nghiệm nhiều vũ khí mới
như máy bay không người lái Global Hawk và Fire Scout (ảnh)

Một quan chức quốc phòng Mỹ không tiết lộ danh tính cho hãng tin AFP biết rằng nguyên nhân gây mất tín hiệu liên lạc giữa chiếc máy bay và trung tâm điều khiển nằm ở Naples, Italia, đang được làm rõ. Trong thời gian này, NATO không khẳng định chiếc máy bay gặp trục trặc về cơ học hoặc vấn đề liên quan tới hệ thống liên lạc.

Quân đội Mỹ đã đưa vào hoạt động những chiếc Predator và Global Hawk ở Libya kể từ tháng 3 và tháng 4 năm nay. Nhưng đây là lần đầu tiên người ta biết tới việc Fire Scout cũng được mang ra sử dụng. Hải quân Mỹ hiện là lực lượng duy nhất sử dụng Fire Scout, dù Sở chỉ huy các chiến dịch đặc biệt Mỹ có trong trang bị loại trực thăng do thám Hummingbird do hãng Boeing sản xuất. Đây là lần thứ 2 Mỹ mất máy bay ở Libya. Trước đó một chiếc F-15 Strike Eagle bị rớt vào ngày 21/3 khi chiến dịch không kích diễn ra.

Chiếc máy bay trinh sát “hoàn hảo”

Được phát triển bởi tập đoàn Northrop Grumman, Fire Scout là mẫu máy bay không người lái (UAV) có tính năng trinh sát và giám sát, chuyên cung cấp thông tin cho các tàu chiến Mỹ, đồng thời giúp tổ chức các cuộc tấn công chính xác.

Mẫu Fire Scout đầu tiên mang ký hiệu RQ-8A bay thử vào tháng 1/2000 với tầm hoạt động 280km. Hệ thống điều khiển UAV có thể lắp vừa trên một chiếc tàu chiến hoặc trên một xe tải quân sự Hummer để theo chân lính thủy đánh bộ tác chiến trên cạn.

Tiếp theo hàng loạt cải tiến mẫu MQ- 8B Fire Scout ra đời với những tính năng ưu việt hơn hẳn. MQ-8B được quảng bá là có thể bay đứng im trong vòng 8 giờ liên tục, với trần hoạt động hơn 6km. Chiếc UAV này có khả năng xác định khoảng cách tới mục tiêu chính xác bằng laser, có thể cung cấp các thông tin tình báo, trinh sát, giám sát...

MQ-8B cũng được lắp thêm 2 cánh phụ. Ngoài việc phục vụ tính năng khí động học, các cánh này còn dùng để treo vũ khí như tên lửa Hellfire, vũ khí dẫn đường bằng laser Viper Strike, hệ thống rốckét 70mm tiêu diệt chính xác APKWS. Khi cần thiết, MQ-8B còn có thể mang theo 90kg hàng viện trợ khẩn cấp cho binh lính ngoài mặt trận.

Ban đầu Hải quân có ý định sắm 200 chiếc Fire Scout, nhưng hiện mới chỉ sử dụng một lượng nhỏ các máy bay này trong một dự án thử nghiệm hoạt động ở vùng chiến sự. Nguyên nhân do Fire Scout được sinh ra để hoạt động trên các con tàu thuộc Chương trình tàu chiến duyên hải (LCS). Song những trì hoãn trong việc sản xuất các con tàu này đã làm hỏng kế hoạch đưa vào trang bị đội máy bay trực thăng Fire Scout.

Nhưng vẫn chứa đầy lỗi và sự cố

Trong thời gian chờ đợi sự xuất hiện của LCS, Hải quân Mỹ vẫn tích cực thử nghiệm các vai trò khác nhau của Fire Scout. Một chiếc Fire Scout hiện đang đậu trên tàu khu trục USS McInerney và nó đã tham gia vụ phá buôn bán ma túy lớn ở khu vực Mỹ Latin hồi năm ngoái. Hai chiếc khác đang đi cùng tàu khu trục USS Halyburton trong một chuyến tuần tra chống cướp biển hồi đầu năm nay. Hải quân cũng gửi đi 3 chiếc MQ-8 để tìm kiếm phiến quân ở miền Bắc Afghanistan và giờ là Libya.

Được biết trước đây đã từng có sự cố xảy ra với chiếc Fire Scout. Trong cuộc thử nghiệm ngày 2/8 năm ngoái tại Mỹ, các nhà điều khiển cũng mất liên lạc với chiếc máy bay. Trước khi ngắt hoàn toàn các liên lạc với mặt đất, chiếc Fire Scout mới chỉ hoạt động khoảng 40 phút trên bãi bay thử Patuxent River ở phía Nam tiểu bang Maryland. Nó đã bay vòng vòng khoảng 30 phút về phía Washington, đi vào không phận bị cấm, trước khi người ta giành lại quyền điều khiển. Giới chức hải quân khi đó nói rằng lỗi do phần mềm và họ đã sửa nó, nhưng không loại trừ khả năng sự cố đứt liên lạc đã trở lại và khiến chiếc Fire Scout ở Libya gặp họa.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm