06/02/2012 14:49 GMT+7
(TT&VH) - 1. Theo thống kê, cả nước ta có khoảng gần 9.000 lễ hội, trong đó khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Có lẽ về số lượng thì có thể nước ta thuộc hàng quán quân về lễ hội, trung bình một ngày có trên 20 lễ hội.
Tuy nhiên, là một nước nông nghiệp, có 90% lễ hội dân gian truyền thống xuất phát từ các làng xã với tiêu chí ban đầu là cầu mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng tốt tươi, hoặc tưởng nhớ người có công với dân làng, với đất nước. Quy mô ban đầu của lễ hội cũng chỉ… sau lũy tre của một làng, cùng lắm là vài làng hoặc cả tổng có chung một vị thần, hay chung một phong tục.
Với người Việt Nam, đi lễ hội đầu năm vốn là tập tục. Nhưng đáng buồn, hiện nay chính nhu cầu thực dụng, lòng tham muốn của mỗi người khi tham gia lễ hội ngày một lớn đã khiến những lễ hội linh thiêng ngày một đổi thay, bát nháo kèm theo những bất trắc về cả tâm linh và vật chất. Người ta chen lấn xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để mong về trước nơi hành hương. Người ta đua nhau mâm cao cỗ đầy, tranh giành cốt để mong được xin lộc, lấy lương, hưởng ấn… trước thiên hạ. Rồi phô bày những cảnh xin tiền, cờ bạc, chặt chém… ê hề. Có nhiều lễ hội vốn đẹp lung linh nhưng cũng khiến người tham dự phải lắc đầu ngao ngán không dám về dự nữa.
2. Lễ hội biến tướng là do con người, chứ không phải ở giá trị tự thân của lễ hội. Khi ý thức của người trẩy hội nói riêng và của cộng đồng xã hội nói chung được nâng cao thì bức tranh lễ hội chắc chắn sẽ chuyển màu.
Không phải tất cả các lễ hội đều màu xám. Xưa nay, đất Hải Phòng nổi tiếng với lễ hội Minh Thệ diễn ra ngày 14 tháng Giêng hàng năm tại đền Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, Kiến Thụy). Sử sách ghi lại, lễ hội Minh Thệ có lịch sử trên 500 năm là nơi những quan lại, chức sắc, công bộc tuyên thề sẽ không dùng quyền uy để bóc lột của dân, công tư rạch ròi, không bao che tội phạm, không xà xẻo tư túi, không tham lam vơ vét của công… Trong lễ hội, mọi người cùng tấu lên hịch văn, và cùng cắt máu gà trống uống rượu ăn thề giữ mình trong sạch. Nhiều dòng họ trong làng còn soạn ra bản văn thề dựa trên nội dung của hịch văn để răn dạy cháu con trong họ.
Rồi bao nhiêu năm nay, những người dân phương Nam (thuộc Lục tỉnh Nam kỳ xưa) tình nguyện góp giỗ chay trong lễ hội Nguyễn Trung Trực. Những người dân tình nguyện đóng góp, nấu cỗ, dọn mâm, đón khách, chia cơm... trong ngày lễ. Ngày giỗ người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã thành ngày hội của người dân trong sự bình an, nề nếp của mùa lễ hội. Và còn nhiều lễ hội dân gian độc đáo nữa…
Sự bình an của những lễ hội này bắt nguồn từ sự thành tâm, không tham lam tư lợi của người tham gia. Nếu lễ hội nào mà người tham gia cũng giữ được tâm thế như vậy, hẳn sẽ linh thiêng, an lành và vui vẻ biết mấy.
Nguyễn Gia
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất