16/03/2012 10:48 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Một người từng rời khỏi gia đình khi cha mẹ tìm hạnh phúc riêng, nghiện xì-ke từ năm 14 tuổi, làm gái mại dâm, vào ra trại cai nghiện không biết bao nhiêu lần. Để rồi cũng chính con người đó trở thành một giáo dục viên đồng đẳng giúp rất nhiều người từng lạc lối như mình tránh khỏi thảm họa ma túy, AIDS. Hiện chị nuôi rất nhiều đứa trẻ lang thang hè phố có HIV dù bản thân chị rất nghèo…
Người đó là chị Trương Thị Hồng Tâm (sinh năm 1956), được biết đến với biệt danh Tâm “si-đa”. Ngày 15/3, tại TP. HCM, cuốn Hồi ký Tâm “si-đa” do NXB Trẻ và First News ấn hành đã ra mắt người đọc.
Bi kịch gia đình
Cuộc đời của Tâm “si-đa” là một chuỗi dài bi kịch. Từ nhỏ chị đã không tìm thấy hạnh phúc trong gia đình, khi cha mẹ đều đi tìm tình yêu riêng. Tâm bỏ học khi mới đến lớp 10, lêu lổng với bạn xấu, rồi nghiện hút và trở thành gái đứng đường lúc nào không hay.
Sau ngày đất nước thống nhất, Tâm được đưa vào trại cai nghiện, nhưng chị đã trốn trại và bị bắt lại không biết bao nhiêu lần. Tâm từng lấy chồng, chấp nhận làm vợ lẽ của một người đàn ông tàn phế đã có hai đời vợ. Được chừng bốn năm không phải sống nhờ “vốn tự có”, Tâm mới biết mặt thật của người chồng kia khi gã đã bắt chị đi bán bia ôm để nuôi gã. Chán nản tột cùng, Tâm lại trở ra hè phố như “ngựa quen đường cũ” vừa để nuôi mình vừa để nuôi mấy đứa em đang sống với dì ghẻ.
Khoảng năm 1992, chị được những người làm công tác tuyên truyền trong một dự án về HIV tiếp cận và “kéo” chị cộng tác làm giáo dục viên đồng đẳng. Từ đây chị Trương Thị Hồng Tâm có biệt danh mới là Tâm “si-đa” với lương tháng vài trăm ngàn đồng. Nhưng công tác tuyên truyền về “si-đa” cũng không dễ dàng gì, vì quá khứ của chị không hề ngủ yên và nó sẵn sàng làm chị tổn thương bất cứ lúc nào.
Khi quyết định “giã từ dĩ vãng” để tìm đến cuộc đời mới tươi đẹp hơn, Tâm “si-đa” nói với một bạn cùng hành nghề mại dâm: “Tao đợi ngày này lâu lắm rồi mày có biết không? Từ ngày giải phóng đến giờ lận. Tao đâu muốn sống bằng cái nghề khốn nạn này, cái nghề mà gặp ai cũng sợ, gặp ai cũng phải né tránh, cái nghề mà đêm đêm ra đứng lề đường trông ngóng một người đàn ông mà mình không hề yêu thương, mời gọi để bán xác thân, ăn ngủ với người ta mà không có chút tình cảm. Cũng chỉ vì đồng tiền thôi. Sống như vầy chán lắm rồi! Tao muốn thay đổi, dù khổ tới đâu tao cũng chịu! Tao muốn giúp tao và có thể giúp được bạn bè như tụi mình”.
Đọc hồi ký Tâm “si-đa”, có thể rút lại một điều đơn giản nhưng không phải ai cũng biết quý trọng từng giây từng phút: “Cái quý nhất của con người ta là cuộc sống…”.
Nuôi dạy những đứa trẻ có HIV- một cách để trả ơn đời
Trong buổi giao lưu ra mắt cuốn hồi ký này, nhiều lúc chị Tâm nghẹn lời khi nhắc về đoạn đời đã trải qua. Chị cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những người đã yêu thương mình bằng công việc giúp đỡ, chăm sóc những đứa trẻ nhiễm HIV.
Chị xem những đứa trẻ này như con của chị, vì: “Tôi từng chăm sóc nhiều em bị AIDS giai đoạn cuối đang sống ở vỉa hè hay công viên. Các em chỉ có một mơ ước duy nhất là khi chết đi có người thân bên cạnh. Dù nguyên nhân nào khiến các em rời bỏ gia đình, dù các em có cố gắng che giấu cảm xúc bằng vẻ mặt bất cần đời, thì các em vẫn không thể giấu đi niềm khao khát: khao khát được yêu thương trong mái ấm gia đình. Và đây chính là lý do tôi quyết không bỏ cuộc. Tôi muốn các em có một “mái nhà”, được có giây phút sống trong không khí gia đình dẫu rằng cuộc đời của các em ngắn ngủi. Vì thế, tôi vẫn và sẽ tiếp tục công việc này, tiếp tục nuôi dạy những đứa trẻ bị AIDS và mồ côi vì AIDS. Xã hội đã dang rộng vòng tay bảo bọc tôi, tôi không có gì để đền đáp ơn nghĩa ấy. Tôi chỉ biết là mình phải cố gắng làm tốt công việc hiện tại. Đó là cách tôi trả ơn đời”.
Trong suốt quãng thời gian tham gia công tác xã hội, trực tiếp gặp trẻ em đường phố, chị Tâm “si-đa” đã tổng kết được các nguyên nhân khiến trẻ em sống lang thang: “Một là cha mẹ nuông chiều con quá mức. Họ không nhận ra con mình đang dần có những thay đổi bất thường; Hai là cha mẹ lo làm giàu và cho con mình xài tiền quá sớm. Họ cho tiền mà không cần biết con sử dụng đồng tiền ra sao; Ba là chính cha mẹ có cuộc sống ăn chơi buông thả, bày ra trước cặp mắt ngây thơ của con cái họ là những cảnh tượng không hay; Bốn là cha mẹ làm nghề bất chính, người ta gọi đó là nghề “cha truyền con nối”; Năm là cha mẹ ly hôn lo tìm hạnh phúc riêng, mạnh ai nấy sống”. Tất cả các nguyên do đều xuất phát từ tự sự vô tâm của người làm cha làm mẹ. Thiết nghĩ, những đúc kết của chị Tâm “si-đa” rất cần được nhiều người suy ngẫm.
Cảm ơn em, Tâm “si-đa”! Tôi nghĩ như có cái gì đó - một cái “nghiệp” - đã thúc đẩy Tâm tự đem thân mình trải nghiệm nỗi gian truân của cuộc đời để rồi từ đó mà có tấm lòng vị tha, có bàn tay nhân ái, cưu mang bao cảnh đời tăm tối, nghiệt ngã. |
Hoàng Nhân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất