Tâm lý học đường đang trở thành nhu cầu xã hội cấp bách

26/07/2018 08:24 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù còn khá mới, song những năm gần đây, lĩnh vực tâm lý học đường ngày càng trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của ngành giáo dục nói riêng và cả xã hội nói chung. Nhất là trong bối cảnh giới trẻ đang nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống… hay áp lực thi cử, áp lực chọn ngành nghề trước ngưỡng cửa vào đời.

Dự kiến, trong ba ngày 1 đến 3-8 tới đây, tại Hà Nội, sẽ diễn ra Hội thảo quốc tế về tâm lý học đường, do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kết hợp với Liên hiệp phát triển tâm lý học trường học thế giới (CASP) tổ chức.

Tâm lý học đường đang trở thành nhu cầu xã hội cấp bách

Theo các chuyên gia, tâm lý học đường, hay tâm lý học trường học – School Psychology - là một chuyên ngành tâm lý ứng dụng nhằm phát hiện sớm, phòng ngừa và can thiệp cho trẻ em, thanh, thiếu niên trong nhận thức, trong hành vi, trong cảm xúc ở môi trường học đường, gia đình và cộng đồng. Tư vấn tâm lý học đường rất quan trọng với học sinh, sinh viên nhưng vẫn còn là hoạt động khá mới mẻ ở nước ta.

Ở Việt Nam hiện chưa có chương trình đào tạo ngành tâm lý học đường mặc dù có nhiều trường có chương trình đào tạo cử nhân ngành tâm lý học. Theo các chuyên gia giáo dục, ở một số trường đại học việc giảng dạy những môn học, chuyên đề, việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tâm lý học đường cũng đã thực hiện nhiều năm nay, song lĩnh vực này đang còn mới mẻ, hay có thể nói còn chưa hình thành một phân ngành tâm lý học học đường chính thức. Tuy nhiên, trong sự mới mẻ này, chúng ta hoàn toàn có thể định hướng sự phát triển của ngành tâm lý học đường theo xu thế mới, hiện đại của thế giới.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặc biệt, trong bối cảnh sống, học tập và rèn luyện của thế hệ trẻ trong xã hội hiện đại hiện nay chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách các em lứa tuổi học sinh. Bởi vậy, nhu cầu được hỗ trợ về mặt tinh thần để phát triển thuận lợi ngày càng trở nên cấp bách. Hơn nữa, bản thân hoạt động giáo dục trong các nhà trường cũng cần được làm phong phú thêm với những hiểu biết sâu hơn về mặt tâm lý của học sinh để các nội dung giáo dục phù hợp với khả năng và tâm lý lứa tuổi của các em.

Một điểm quan trọng không kém, đó là thông qua hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn học đường và hỗ trợ việc làm, các nhà tâm lý học tiếp cận tới học sinh, sinh viên để giúp đỡ các em đánh giá, tìm hiểu đặc điểm bản thân. Từ đó, các em có cơ sở chọn ngành học, tìm phương pháp học tập, tìm công việc phù hợp với bản thân, phát hiện ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình để liên tục hoàn thiện.

Qua một khảo sát mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hà Nội và Hải Dương cho thấy, khoảng 80% học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một không gian riêng tư trong trường học để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân. Chính vì vậy, các dịch vụ tham vấn hướng nghiệp, tham vấn khủng hoảng học đường, tham vấn sức khỏe tâm thần trường học... đã và đang trở thành nhu cầu xã hội cấp bách.

Cần có đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản

Những năm gần đây, một số địa phương, trong đó có Hà Nội đã thí điểm, triển khai phòng tư vấn tâm lý học đường tại một số trường học để có thể nắm bắt tâm tư tình cảm, giáo dục định hướng và phát triển nhân cách cho học sinh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Hoạt động của các nhà tâm lý trong nhà trường có tác dụng nâng cao chất lượng học tập của học sinh, nhất là đối với những trẻ có khó khăn về học tập; đồng thời giảm thiểu những khó khăn tâm lý, phát huy tối đa tiềm năng trong mỗi cá nhân học sinh. Nhưng những hoạt động tư vấn tâm lý học đường này chủ yếu mới dừng lại ở hình thức tham vấn, giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của học sinh, phụ huynh riêng lẻ, chưa trở thành một hoạt động trợ giúp tâm lý học đường thật sự chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, dù đã được nhiều các cấp ngành, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu quan tâm, nhưng tâm lý học đường vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ cả về lý luận và thực tiễn. Những nghiên cứu về vấn đề này còn ít và chưa thống nhất, đội ngũ cán bộ tâm lý học đường còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng tốt nhu cầu cần trợ giúp về tâm lý, sức khỏe, giáo dục và các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành nhiều văn bản, quyết định về công tác tư vấn, tư vấn tâm lý và các vấn đề xã hội cho học sinh, sinh viên. Gần đây nhất, Bộ đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông” có hiệu lực từ 2-2-2018, góp phần giải quyết những tồn tại hiện nay. Tuy nhiên, một hạn chế lớn trong thực tiễn triển khai công tác tham vấn, tư vấn học đường chính là nguồn nhân lực chưa có đủ trình độ và kỹ năng, bởi hầu hết hiện các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý học đường.

Xuất phát từ những lý do đó và cũng tiếp nối những nỗ lực phát triển ngành tâm lý học đường ở Việt Nam, Liên hiệp phát triển tâm lý học đường quốc tế (CASP-I) sẽ kết hợp cùng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế về tâm lý học đường lần thứ 6, dự kiến diễn ra từ ngày 1 đến 3-8-2018, tại Hà Nội. Ngoài các chuyên gia trong nước và quốc tế, Hội thảo lần này sẽ có hai diễn giả chính, là Giáo sư, Tiến sĩ Jose M. Cervantes đến từ đại học California tại Fullerton và Giáo sư, Tiến sĩ John Murphy của đại học Central Arkansas.

Với chủ đề chính “Vai trò của tâm lý học trường học trong việc đảm bảo sức khỏe tâm lý cho học sinh và gia đình”, Hội thảo lần này là một bước đi mới trong những nỗ lực phát triển ngành tâm lý học đường tại Việt Nam của CASP-I cũng như các nhà tâm lý học Việt Nam. Bởi nhiều vấn đề học đường mà các phụ huynh Việt Nam đang hết sức quan tâm, chỉ có thể giải quyết được khi có một lực lượng chuyên gia hùng hậu, được đào tạo bài bản. Và hy vọng với những nội dung được chuẩn bị chuyên sâu, những hội thảo quốc tế do CASP-I tổ chức mang tới những kiến thức cập nhật, tiệm cận với thế giới để phát triển nguồn nhân lực cho ngành tâm lý học ở Việt Nam.

Một điểm đặc biệt dự kiến trong hội thảo lần này là có hai bàn tròn thảo luận, đó là bàn tròn của các nhà hoạt động trong lĩnh vực truyền thông Việt Nam về vai trò của truyền thông trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm lý của trẻ em và việc bảo đảm nguồn thông tin chính xác tin cậy về lĩnh vực này; bàn tròn của các phụ huynh về kinh nghiệm hỗ trợ tại gia đình cho các em gặp các khuyết tật.

Tâm thư về dối trá học đường và tương lai đất nước

Tâm thư về dối trá học đường và tương lai đất nước

Buổi họp phụ huynh cuối năm tại một trường trung học, giáo viên thông báo, lớp có 50 em, có 49 học sinh đạt loại giỏi và chỉ duy nhất một em đạt loại khá.

TTXVN/Lan Khanh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm