Tam Đảo - (Tản văn - Ghi chép từ một chuyến đi)

06/04/2009 19:00 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Sinh ra và lớn lên ở thành phố đầy hoa và đầy sương, tôi thấy hình ảnh quê hương mình thấp thoáng ẩn hiện đâu đó ở Tam Đảo, nơi mọi người vẫn gọi “Đà Lạt của miền Bắc”. Cũng khí nhẹ, trời mát. Cũng nhiệt độ quanh quẩn trên dưới 20. Cũng những phố núi im vắng trong màu lá, màu hoa, màu sương khói hay một chút nắng hiếm hoi giữa hè như một thứ “đặc sản” đáng yêu.

Cũng những biệt thự theo lối kiến trúc Pháp, có cái đã được xây lại, có cái vẫn còn nguyên dấu tích xây dựng từ đầu thế kỉ XX,… Và hơn thế nữa, “Đà Lạt xứ Bắc” của tôi còn có những thảm rừng kín thường xanh mưa ẩm, rừng lùn, là mái nhà ấm êm của nhiều loài vật lạ… Dãy Tam Đảo sừng sững, những dòng sông quanh chân dãy lặng lẽ mang nước về xuôi chia cho con người, những cây, những thú,… tất cả đã cùng nhau chung sống hoà thuận mấy trăm năm nay.


Có người nói Đà Lạt như một vương miện được cài lên cao nguyên Lâm Viên thì Tam Đảo cũng là một viên kiêm cương quý mà mẹ Thiên Nhiên ưu ái ban cho Vĩnh Phúc. Vì sao người ta hay ví von những thứ có giá trị cao, thậm chí vô giá, với kim cương? Vì vẻ đẹp vĩnh cửu, bất biến trước thời gian. Và Tam Đảo cũng vậy, hôm nay và ngày trước, vẫn thế, vẫn an nhiên với vẻ đẹp rất đỗi hoang sơ của mình. Vẫn còn lại là mây, là rừng, là tiếng suối róc rách chảy từ khe núi,…

Nhân đây, tôi không thể không nói về sự gắn bó của Tam Đảo trong tâm linh người Việt. Xứ này có ba ngọn núi bồng bềnh trong mây thì ngọn nào cũng có sự tích cho riêng mình: núi Thiên Thị là nơi thờ Trụ Quốc Mẫu Thái phu nhân, vợ Hùng Triệu Vương, mẹ Hùng Nghị Vương; ngọn Thạch Bàn có chiếc bàn đá tương truyền vua Hùng và các đại thần thường ngồi bàn thế sự; núi Phù Nghĩa là nơi vợ chồng Lang Liêu đi hái lá dong về gói bánh chưng, bánh dày dâng phụ vương… Thế nên đi trong Tam Đảo điệp trùng mây núi, bên cạnh sự thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt đẹp còn có xiết bao trân trọng với lịch sử và văn hoá dân tộc. Tôi nghĩ, những truyền thuyết này phần nào bắt nguồn từ hiện thực mà cũng phần nào do bản chất thiên nhiên nơi đây quá nguyên thuỷ, hoang sơ nên đã gợi cho con người nhiều ý tưởng nhân văn đến vậy, như sự hiếu thảo với cha mẹ và lòng biết ơn với tự nhiên của chàng Lang Liêu. Những cảnh tượng ấy, như chính niềm tin mãnh liệt trong mỗi tâm hồn người Việt vào truyền thống của dân tộc, đã mấy ngàn năm bất di bất dịch.

Tam Đảo không chỉ sống trong trí tưởng của người Việt mà còn có một đời sống thật phong phú trong các tác phẩm văn học. Ngay từ khi mới khai thiên lập địa, sách An Nam Chí đã ghi chép đây là danh sơn “nức tiếng đất Giao Chỉ” xưa. Rồi đến Lê Quý Đôn miêu tả Tây Thiên – Tam Đảo trong “Kiến văn tạp lục”:

“…bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi, trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày; từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa. Hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên tả là suối Bạc, phát nguyên từ khe đá đỉnh núi chảy xuống trông như tấm lụa, bên hữu là suối Vàng,…”

Và cho đến nay, Tam Đảo vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca đương đại:

“Điều kì diệu giữa vùng trời Tam Đảo
Giữa mùa hè mây giăng ngập núi
Giữa mùa hè thưa thớt nắng vàng hanh
Ta chợt nhận ra một Tam Đảo mù xanh
Và lốm đốm trong mây màu đỏ ngói”

(Tam Đảo - Trần Quang Khanh, tại trại sáng tác Tam Đảo)

Và cả đề tài cho các môn nghệ thuật khác như tác phẩm “Thảm xanh Tam Đảo” của Võ Huy Cát đã đạt Huy chương đồng tại triển lãm ảnh toàn quốc với chủ đề “ Nhịp sống mới” hay trở thành cảm hứng để “Cánh diều vàng 2007” Nguyễn Mạnh Tuấn viết kịch bản phim “Sinh mệnh”,… Sông núi Tam Đảo, con người Tam Đảo quả là nguồn sữa vô tận nuôi dưỡng mọi sự sáng tạo nghệ thuật. Những nghệ thuật đó sẽ còn tiếp tục tồn tại và thăng hoa.

Tam Đảo - trong mắt tôi là “Đà Lạt của phương Bắc”, trong thế giới tâm linh của người Việt là một chốn thiêng, trong văn thơ muôn đời là niềm cảm hứng và trong tâm hồn mỗi con người thời đại hôm nay là một dòng suối mát trong mà ta khao khát tìm về tắm mỗi khi mỏi mệt, bởi trên những nẻo đường ngược xuôi, bao nhiêu điều phải lo toan, suy tính… luôn mong có chút thời gian về với thiên nhiên. Thèm lắm một lần nữa lại được băng qua cánh rừng cỏ ướt, lội suối thăm thác Bạc, trèo non lễ đền Mẫu,… Chờ tôi đến lúc đó và cả sau này nữa, cứ thế mãi nhé, Tam Đảo!

Nguyễn Diệu Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm