Bao giờ V-League được giá?

22/09/2015 11:23 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài gói tài trợ gần như độc quyền từ thương hiệu toàn cầu đến từ Nhật Bản Toyota, việc V-League gần như không có thêm Mạnh Thường Quân đáng kể nào làm nhà tài trợ phụ, thì điều đó rất đáng lưu tâm. Tiền từ các gói bảo trợ của HAGL và ĐTLA cũng đang cạn, khi nhà tổ chức đổi bằng sóng quảng cáo trên truyền hình.

Nếu để ý sẽ thấy, toàn bộ các “shot” quảng cáo trước, trong và sau các trận đấu V-League đều dành cho Toyota, HAGL, ĐTLA và Kienlongbank (nhà tài trợ giải hạng Nhất và Cúp QG)… theo quy đổi – cam kết với nhà tài trợ (hay bảo trợ). Đó là lý do mà tiền bản quyền truyền hình thu lại không đáng kể, để có thể chia cho các CLB như cam kết.

Nói BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia đang sống mòn, bóc ngắn cắn dài, kể cũng không quá lời, khi bộ phận quảng cáo, vận động tài trợ gần như không phát huy được vai trò của mình. CLB, những người làm chủ sân chơi của chính mình với hơn 63% cổ phần, lại không được hưởng quyền lợi chính đáng từ bản quyền truyền hình, cũng là điều phi lý.

Trên thực tế, với ngay cả người láng giềng Thái Lan cũng từng gặp khó khăn trong việc kêu gọi tài trợ cho giải đấu cao nhất Thai Premier League (Thai-League). Đó là giai đoạn 2003-2009, trùng với thời điểm bóng đá Thái Lan các cấp độ ĐTQG đi xuống. Rõ ràng là sức mạnh nội tại giải VĐQG quyết định luôn năng lực chinh phục của đầu ra: ĐTQG.


"Cơn sốt" của HAGL hồi đầu mùa giải 2015 không khiến sức hút của V-League tăng lên bao nhiêu. Ảnh: Phạm Tuân

Tuy nhiên, kể từ khi Thai-League được trực tiếp rộng rãi trên truyền hình cáp vệ tinh True Sport (1 và 2), Hiệp hội bóng đá Thái có điều kiện chăm sóc quyền lợi dành cho các CLB lớn hơn. Khán giả Việt Nam xem được rất nhiều các trận đấu ở Thai-League, trong khi đó, độ lan toả cũng như tính quảng bá (ít nhất trên sóng truyền hình) của V-League là rất thấp.

Sau 3 mùa giải phôi thai, bắt đầu từ giai đoạn 2, V-League 2015, nhà tổ chức VPF ra mắt sóng truyền hình phát trên kênh YouTube. Dù chất lượng hình ảnh khá thấp, lại xem qua Internet, nhưng đấy vẫn được xem là một nỗ lực rất lớn của bộ phận truyền thông trực thuộc VPF. Muốn bán được sản phẩm thì phải đem nó đến với người tiêu dùng.

Một mặt phải thoả hiệp và phụ thuộc vào nhà đài, mặt khác VPF đang phải tìm cách đối phó với những tồn tại vốn vẫn được xem là căn bệnh trầm kha của nền bóng đá, cũng như các giải đấu hàng đầu. Đấy là bạo lực sân cỏ, là những khán đài thiếu chỗ ngồi nhưng lại thừa chỗ nằm, là những trận đấu có mùi, là vấn nạn trọng tài chưa hồi kết…

Một khi chất lượng sản phẩm thấp, lại lỗi mốt, người tiêu dùng (chỉ nói nhà tài trợ) mua một lần rồi bỏ, đấy là điều bình thường. Và để cải thiện được điều này, chỉ nỗ lực của nhà tổ chức thôi là chưa đủ. Các CLB cũng phải chung tay vào để nếu chưa xây dựng được hình ảnh giải đấu đẹp mỹ miều như chúng bạn, cũng có thể được thị trường nội địa chấp nhận.

Những động thái tái cấu trúc ở thượng tầng VPF tới đây có là cuộc cách mạng tân thời hay lại đưa V-League trở lại như thời VFF đứng ra tổ chức, thời gian sẽ cho câu trả lời.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm