24/06/2021 08:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Từ một cậu bé tỉnh lẻ sống trong cuộc chiến khốc liệt nơi dải đất miền Trung, qua con đường tu nghiệp ở trời Tây cho đến người kiến trúc sư tài danh dựng lên nhiều công trình tầm cỡ cho đô thị Việt Nam – tất cả được gói lại trong hồi ký Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề (NXB Phụ nữ Việt Nam) của kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê.
1. Gắn với cuộc đời của vị kiến trúc sư tài năng, cuốn sách trải dài từ những năm tháng thời chống Mỹ cho đến khi đất nước bước ra khỏi cuộc chiến với những thay đổi đáng kể về diện mạo đô thị, sau khi các thế hệ du học sinh trở về nước.
Ở đó, ký ức về chiến tranh được kể qua đôi mắt của một cậu bé, với những chiến sĩ hy sinh bởi rocket, những trận đánh phá của máy bay Mỹ, những đám cháy nhà dân với “ngọn lửa đỏ khé phừng phừng túa ra”. Có lẽ ký ức về những năm tháng chiến tranh ở Khu Bốn (Quảng Bình) là nỗi ám ảnh sâu đậm mãi khôn nguôi với tác giả.
“Tất cả ký ức vẫn khiến tôi trăn trở, và nhớ về chính mình, trong một thời khốn khó nhưng chưa bao giờ suy sụp tinh thần hay than thân trách phận. Tôi không dám coi những trang này như một tài liệu lịch sử, nhưng ít nhất, đó là những chia sẻ gan ruột, dù chỉ ở mức trực giác tuổi thơ, về một thời không thể bị lãng quên” – ông kể.
2. Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề còn là những trang viết giàu tri thức khoa học với những lập luận chặt chẽ, thậm chí với nhiều người là sự khô khan trong câu chữ. Điều này dễ hiểu bởi, tác giả là một kiến trúc sư, một vị tiến sĩ quy hoạch đô thị có tầm cỡ, coi việc viết hồi ký chỉ như “một hoạt động nghiệp dư”.
“Ai đọc hồi ký của tôi cũng sẽ thấy văn phong phi hư cấu (non-fiction) là nhất quán. Thậm chí, tôi còn cố gắng để cách viết gần với ngôn ngữ của nghiên cứu khoa học là công việc chính của tôi. Cái gọi là “phong cách viết học thuật” (academic writing) mà tôi quen dùng thường xuyên trong công việc nghiên cứu” - tác giả Hoàng Hữu Phê cho hay – “Có thể vì cách viết này mà các câu chuyện kể lại sẽ khô khan và tẻ nhạt hơn so với những hồi ký khác. Nhưng đổi lại, tính chân thực sẽ dễ nhận ra hơn, và đối với tôi, tính chân thực là tiêu chí cao nhất cho cuốn hồi ký đời tôi”.
Lật giở từng trang hồi ký, người đọc tìm được những đam mê, hoài bão và cả trăn trở của TS-KTS Hoàng Hữu Phê từ khi du học Liên Xô cho đến khi góp công kiến tạo nên những công trình làm thay đổi diện mạo đô thị Việt Nam. Đó là hành trình của một trong những “người được chọn”, trở thành du học sinh Liên Xô vừa là niềm tự hào, sự hãnh diện vừa là gánh nặng trách nhiệm với đất nước khi đang có chiến tranh. Để rồi sau này, chính cậu bé lớn lên trong thời bom rơi đạn nổ ở khu Bốn xa xôi đã từ chối cơ hội ở lại Liên Xô để trở về Việt Nam khi đất nước vừa mới ra khỏi cuộc chiến.
TS-KTS Hoàng Hữu Phê là một nhà quy hoạch hết sức trăn trở với thực tiễn thiết kế, phát triển đô thị của Việt Nam – đặc biệt là của Hà Nội, trong lăng kính tham khảo các đô thị khác trên thế giới. Có lẽ mà vì vậy từ khi về nước cho đến nay, ông tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều công trình quan trọng như rạp xiếc Trung ương tại Hà Nội, các khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Bắc An Khánh (Splendora), đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà, cùng rất nhiều công trình khác.
Một thời, những câu chuyện được luận bàn rôm rả ở Hà Nội, như ý tưởng phố đi bộ, xây nhà chung cư khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, mở rộng Hà Nội… đều liên quan đến TS-KTS Hoàng Hữu Phê – một kiến trúc sư có nhiều trải nghiệm về thế giới rộng lớn bên ngoài và mong muốn làm nhiều hơn cho các thành phố ở Việt Nam thông qua các đóng góp về lý thuyết cấu trúc đô thị. Tất cả đều xuất hiện trong Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề như một sự minh chứng xác đáng cho sự nghiệp tâm huyết của tác giả.
Vì thế, đọc hơn 500 trang hồi ký của Hoàng Hữu Phê có lẽ bất cứ một người ngoại đạo nào về kiến trúc – quy hoạch đô thị cũng sẽ “có được hình dung cơ bản về kiến trúc đương đại Việt Nam và mối liên hệ giữa kiến trúc – xây dựng với vị thế xã hội”.
3. Là cây bút kiến trúc sư, nhưng tác giả Hoàng Hữu Phê có không ít mối duyên với văn chương. Ông đã từng lần đầu tiên đăng sáng tác của mình trên tờ Văn Nghệ, rồi nhận giải thưởng văn học vào năm 1984 cho bản dịch từ tiếng Nga cuốn Thao thức nguyên bản của Alexander Kron). Vào thời điểm nhận giải thưởng, nhuận bút bản dịch Thao thức đủ nuôi sống gia đình nhỏ của ông gần một năm.
Nhà thơ Đỗ Trung Lai khi nhận xét về tác giả Hoàng Hữu Phê có viết: “Chiến tranh – tình yêu xứ sở, trong đó có tình yêu đôi lứa – quyết tâm sắt đá trước những thử thách tưởng như không thể vượt qua trong đời – năng khiếu được biến thành năng lực do “hướng nội’ mạnh mẽ, cùng với niềm say mê mạnh mẽ đối với văn học và nghệ thuật, đã “tạo ra” một Hoàng Hữu Phê đa diện, sôi nổi và thâm thúy, lãng tử mà tin cậy…”.
Có lẽ chính bởi thế mà sự ra đời của Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề dưới ngòi bút của một kiến trúc sư vẫn mềm mại, lấp lánh như “dòng nước róc rách chảy dưới chân cầu Mụ Kề ven sông Nhật Lệ - Quảng Bình”. Đúng như họa sĩ Nguyễn Quân nhận xét: “Trong cuốn “sách đời tôi” này xen kẽ những trang đầy ắp kiến thức và lập luận khoa học là những áng đoản văn cảm động và những vần thơ lai láng, không tách rời nhau”.
Về tác giả Hoàng Hữu Phê Sinh năm 1954, là kiến trúc sư và nhà quy hoạch. Từng theo học lần lượt tại Đại học xây dựng Kiev, Học viện Công nghệ Châu và Đại học Tổng hợp London (UCL). Ông nhận bằng tiến sỹ Quy hoạch Đô thị năm 1998 tại London và đã công bố quốc tế nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực kiến trúc, vị trí dân cư, cấu trúc đô thị, bất động sản, tôn tạo đô thị và chính sách nhà ở. KTS Hoàng Hữu Phê từng được tặng giải thưởng uy tín The Donald Robertson Memorial Prize 2000 của tạp chí hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu đô thị, Urban Studies. |
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất