Tranh cãi quanh tấm vải liệm Jerusalem và tấm vải thành Turin

20/12/2009 14:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tấm vải liệm đầu tiên ở Jerusalem có niên đại từ thời Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự và phát hiện này làm tăng thêm sự nghi ngờ về tính xác thực của tấm vải liệm thành Turin.

Tấm vải liệm của một người đàn ông được tìm thấy trong căn phòng bịt kín trong một chiếc hang ở thung lũng Hinnom ở Jerusalem


Trước đây, nhiều tấm vải liệm cổ của niên đại nói trên đã được tìm thấy ở Đất Thánh, nhưng chưa bao giờ được tìm thấy ở Jerusalem. Các nhà nghiên cứu nói rằng cách dệt và mẫu mã của tấm vải liệm được tìm thấy trong một hang mai táng gần khu vực thành phố cổ ở Jerusalem khác hẳn với tấm vải liệm thành Turin. Các xét nghiệm bằng carbon đồng vị phóng xạ và nhiều đồ tạo tác tìm thấy trong hang cho thấy tấm vải niệm Jerusalem có niên đại cùng thời Chúa Jesus qua đời. Tấm vải liệm này được dệt hai chiều đơn giản chứ không phải dệt chéo như tấm vải liệm thành Turin và các chuyên gia nói rằng cách dệt đó được áp dụng khoảng 1.000 năm sau thời Chúa Jesus sống.

Thay vì chỉ là một miếng vải như tấm vải liệm nổi tiếng ở Turin, tấm vải liệm Jerusalem được ghép bằng nhiều mảnh, trong đó có một mảnh riêng để che đầu. Giáo sư Shimon Gibson, nhà khảo cổ đã phát hiện ra ngôi mộ, nói rằng các tài liệu cổ và những tấm vải liệm cùng thời ở nhiều khu vực khác cũng có những đặc điểm như tấm vải liệm Jerusalem.

Căn phòng bịt kín – nơi tìm thấy tấm vải liệm Jerusaelm


Tuy nhiên, cuộc tranh cãi về tấm vải liệm thành Turin vẫn chưa chấm dứt. Tháng trước, Barbara Frale - một nhà nghiên cứu của Vatican khẳng định bà đã tìm thấy dòng chữ “Jesus Nazarene” trên tấm vải liệm và cho rằng tấm vải lanh này đã bọc cơ thể Chúa Jesus. Frale nói phân tích bằng máy tính các bức ảnh của tấm vải liệm cho thấy dòng chữ đó được viết rất mờ bằng tiếng Hy Lạp, Aramaic và Latin và qua đó chứng thực về tính xác thực của nó. Thế nhưng, tấm vải liệm bọc thi hài có niên đại từ thời Chúa Jesus được tìm thấy ở Jerusalem lại cho thấy một phương hướng hoàn toàn khác. Tấm vải được các nhà khảo cổ thuộc trường ĐHTH Hebrew và Viện Nghiên cứu Albright (đều ở Jerusalem) tìm thấy quanh di hài của một người đàn ông trong căn phòng được bịt kín trong hang mai táng ở Thung lũng Hinnom hướng về thành phố cổ. Các xét nghiệm AND cho thấy người đàn ông này bị bệnh phong và lao và nhiều khả năng đó là lý do khiến chiếc hang mai táng này bị bịt kín – việc này giúp bảo tồn được tấm vải liệm và thậm chí cả tóc của người đàn ông trong suốt 2.000 năm qua.

Giáo sư Gibson nói rằng, tấm vải liệm thành Turin không ăn khớp với những gì được biết đến về các cách mai táng ở Palestine trong thế kỷ thứ 1, và giờ đây chúng đã được khẳng định qua tấm vải liệm Jerusalem. “Cách dệt vải chéo chỉ xuất hiện ở Palestine từ thời Trung cổ, vì vậy chúng tôi có thể khẳng định rằng tấm vải liệm thành Turin có niên đại từ thời Trung cổ. Nhưng tấm vải liệm Jerusalem lại cho thấy một cách dệt vải khác và qua đó lại càng làm tăng tính nghi ngờ về tấm vải thành Turin. Tấm vải liệm mà chúng tôi tìm thấy có một miếng riêng để bọc thi hài và che đầu – một cách mai táng rất phổ biến và quan trọng trong thời đó vì khi đưa ai đó đi chôn người ta thường bọc đầu nhưng che mặt bằng một miếng vải khác nhằm đề phòng trường hợp người đó còn sống tỉnh lại, sẽ thổi miếng vải che mặt và kêu cứu. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong thời cổ vì họ không có các phương tiện y tế như ngày nay. Nhiều tài liệu Do Thái đề cập đến những trường hợp đã tỉnh lại sau khi chôn và họ đã sống thêm được nhiều năm sau đó”, Gibson cho biết.

Thời đó còn có phong tục gia đình tới thăm mộ người chết ba ngày sau khi chôn để kiểm tra xem người thân của họ đúng là đã khuất hay chưa. Theo giáo sư Gibson thì đây rất có thể là nguồn gốc của câu chuyện trong sách Phúc âm nói về các môn đệ của Chúa đã tới thăm ngôi mộ của ông ba ngày sau khi Chúa bị đóng đinh và họ thấy ngôi mộ rỗng không.

Thung lũng Hinnom, nơi tìm thấy tấm vải liệm Jerusalem, từ lâu đã gắn với sự chết chóc và sách Phúc âm của Thánh Matthew gọi đây là “Akeldama” hay là “cánh đồng máu”. Nơi này có những ngôi mộ từ thời La Mã nằm rải rác trong các hang đá. Trong thời cổ đại, các bộ lạc ngoại giáo đã thiêu sống trẻ em làm vật tế cho thần Moloch. Người Israel cổ gọi thung lũng này là Gehinnom – tiếng Do Thái có nghĩa là “địa ngục”.

Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm