15/03/2023 19:12 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Nghịch lý của sự "có quá nhiều" phải chăng đã biến Hàn Quốc thành một đất nước giàu, nhưng không vui.
Một người phụ nữ 53 tuổi họ Seo điều hành một trường mẫu giáo ở thành phố Gwangju cho biết cảm thấy mơ hồ bởi cảm giác lo lắng mỗi khi nghĩ về tương lai của mình. Seo chia sẻ hầu hết bạn bè của mình đều có lo lắng tương tự, dù mức độ có thể khác nhau.
"Tôi và bạn bè thường nói về chủ đề cuộc sống sau khi nghỉ hưu khi chúng tôi gặp nhau. Thế hệ của tôi không có cơ hội nghĩ đến việc tiết kiệm để về hưu. Chúng tôi quá bận rộn kiếm sống qua thời kỳ kinh tế khó khăn, vì vậy không có gì đảm bảo rằng tôi sẽ có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của mình trong 10 đến 20 năm tới", cô nói.
Kim Hyung-joon, một nhân viên văn phòng 32 tuổi ở Seoul cũng nghi ngờ liệu cuộc sống của mình có khá hơn trong tương lai hay không.
"Tôi nghi ngờ liệu tương lai của chúng ta, cả ở cấp độ cá nhân và quốc gia, có thể tốt hơn quá khứ. Tôi cảm thấy mệt mỏi với tình hình kinh tế hiện tại - giá tài sản biến động, lạm phát,... Tôi thường lo lắng liệu mình có thể chăm sóc gia đình của mình được không", người đàn ông vừa kết hôn 2 năm nói.
Họ là ví dụ điển hình của nhiều người Hàn Quốc không hài lòng với cuộc sống của mình. Bất chấp tăng trưởng kinh tế được ca ngợi là “kỳ tích sông Hàn”, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng hơn 520% lên 35.168 USD vào năm 2021 từ mức chỉ 67 USD vào năm 1953, người Hàn Quốc đánh giá cuộc sống của họ rất tiêu cực.
Việc người Hàn Quốc không hài lòng với cuộc sống của họ được thể hiện trong dữ liệu. Theo báo cáo Chỉ số chất lượng cuộc sống của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc năm 2022, quốc gia này đạt 5,9/10 điểm về tuổi thọ trung bình. Nó đứng ở vị trí thứ 36 trong số 38 quốc gia thành viên OECD, chỉ sau Colombia và Thổ Nhĩ Kỳ. Điểm trung bình của OECD là 6,7.
"Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội. Xã hội đang mất dần sức sống do tỷ lệ sinh thấp, dân số già đi nhanh chóng và tỷ lệ tự tử cao", báo cáo ghi. Bên cạnh đó, bài báo cáo cũng cho biết văn hóa làm thêm giờ khốc liệt, tính cạnh tranh cao trong xã hội cũng như loạt vấn đề xã hội khác đã góp thêm phần kéo tụt chất lượng cuộc sống của người dân xứ sở kim chi.
Những người nhận phỏng vấn của The Korea Times cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề xã hội cần được giải quyết và đây cũng là căn nguyên của việc họ mất niềm tin vào tương lai. Một số người đặt câu hỏi liệu mình sẽ nhận được đủ hỗ trợ chính sách từ chính phủ hay không.
"Người cao tuổi nhận được sự hỗ trợ tốt ở các nước phát triển khác. Tôi nghĩ Hàn Quốc còn một chặng đường dài phía trước. Mạng lưới an sinh xã hội không tương xứng. Các cá nhân chỉ có thể tự nỗ lực, vì vậy cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn", Seo nói.
Điều đặc biệt đáng chú ý trong báo cáo là sự gia tăng số người cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội. Trong số những người được hỏi, 34,1% cảm thấy họ không có nơi nào để nhận sự giúp đỡ khi gặp khủng hoảng về thể chất hoặc tinh thần, trong khi chỉ có 27,7% cảm thấy như vậy vào năm 2019. Tỷ lệ này tăng lên khi một người già đi.
"Tôi luôn lo lắng về khoảng thời gian mà tôi sẽ không thể làm được gì ngoài việc nằm trên giường. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho các con", một cụ ông 75 tuổi giấu tên cho biết.
Những người trẻ tuổi cũng có rất ít hy vọng về tương lai. Một số người trong số họ cảm thấy bối rối về cuộc sống theo lối cũ. Một nhân viên văn phòng họ Kim cho biết anh nghi ngờ liệu có nên làm việc cho một công ty trong 20 hay 30 năm như cha mẹ mình hay không.
Lee Mi-ppeum, 27 tuổi, hiện đang tìm việc trong ngành truyền thông, đặt câu hỏi: "Nếu chúng ta chỉ chờ đợi và kiên nhẫn đạt được từng mục tiêu ở mỗi giai đoạn của cuộc đời theo khuôn mẫu, ví dụ như vào đại học khi còn là thanh niên và kiếm việc làm ở độ tuổi 20,... thì sau tất cả, liệu chúng ta có bao giờ có cơ hội tận hưởng cuộc sống của mình không?".
Là một xã hội có quá nhiều tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn quá cao, người Hàn Quốc thường xuyên so sánh bản thân với người khác. Tất nhiên, điều này khiến họ càng thêm bất hạnh.
"Không giống như trước đây, chúng ta có thể thấy rất nhiều cuộc sống khác nhau trên mạng xã hội. Nhiều người sẽ nghĩ rằng họ thật bất hạnh vì thiếu thốn những gì người khác có, hoặc thể hiện là họ có. Khi tôi nhận ra rằng tâm trí của mình không còn lành mạnh, tôi đã xóa các ứng dụng mạng xã hội một thời gian", Lee Mi-ppeum kể.
"Những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số đã quen với việc đánh giá cuộc sống của chính họ và của những người khác bằng giá trị kinh tế vì họ đã phải sống trong sự cạnh tranh khốc liệt để vượt qua nghèo đói. Tuy nhiên, luôn có người giàu hơn bạn. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải tìm kiếm những loại hạnh phúc khác, chứ không chỉ là trở nên giàu có hơn", Choi, 60 tuổi, một doanh nhân ở Daegu nói. Ông cho rằng điều quan trọng là phải thiết lập một mạng lưới an sinh xã hội đảm bảo mức sống cơ bản cho mọi người.
Nhiều người đồng ý rằng đã đến lúc phải thay đổi định hướng và mục tiêu chính sách của đất nước, vốn chủ yếu nghiêng về tăng trưởng kinh tế. Hầu hết các quốc gia đứng đầu về chỉ số hạnh phúc hàng năm đều có các chương trình phúc lợi xã hội mạnh mẽ giúp củng cố an ninh và hạnh phúc.
"Đó là “nghịch lý của việc có quá nhiều”. Hàn Quốc chỉ theo đuổi tăng trưởng kinh tế và sự giàu có trong vài chục năm qua mà bỏ qua các giá trị khác, chẳng hạn như cân bằng giữa công việc và cuộc sống và chuẩn bị về hưu", Han Joon, giáo sư xã hội học tại Đại học Yonsei cho biết. Nhà kinh tế học Yoon Hee-suk thì nhận định: “Hàn Quốc có nhiều việc phải làm để giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình tăng trưởng nhanh thần tốc. Điều bây giờ chúng ta cần quan tâm là lắng nghe tiếng nói người dân, giảm thiểu sự phân chia tầng lớp xã hội và làm xã hội công bằng hơn", Yoon nói thêm.
Việc giàu có chưa bao giờ đồng nghĩa với hạnh phúc mà chỉ là một khía cạnh mang lại chất lượng cuộc sống cao. Để “vực dậy” tinh thần của cả một đất nước, Hàn Quốc rõ ràng vẫn còn rất nhiều điều cần làm.
Nguồn: The Korea Times
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất