“Tái hợp tác” 2 trường viết văn vì tương lai văn học!

19/11/2009 13:49 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, hôm qua, 18/11, Lễ kỷ niệm 30 năm Trường Viết văn Nguyễn Du (1979-2009) đã được tổ chức long trọng tại Khoa Sáng tác và Lý luận Phê bình Văn học (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội). Tham gia “bữa tiệc đoàn viên” cùng với các thế hệ thầy - trò từng giảng dạy, theo học tại trường có sự xuất hiện của ông Boris Tarasov - Hiệu trưởng Trường Viết văn M.Gorki (Liên bang Nga). Ông sang Việt Nam lần này không chỉ dự lễ kỷ niệm mà còn là một “đối tác” tiềm năng trong việc tái thiết lập quan hệ, hợp tác đào tạo giữa hai trường như trước đây…

Dịch giả Thúy Toàn đã giúp Boris Tarasov trò chuyện với TT&VH:


Ông Boris Tarasov và dịch giả Thúy Toàn trong ngày “tái ngộ”
 tại Trường Viết văn Nguyễn Du


* Trước tiên xin ngài có thể “phác họa” đôi nét về Trường M.Gorki hiện nay?

- Trường Đại học Văn chương M.Gorki ra đời là nhờ công của văn hào M.Gorki. Ông đã trao đổi với các nhà văn cùng thời với ông về ý tưởng xây dựng một cơ sở đào tạo cung cấp kiến thức chuyên môn về văn chương cho con em công nông. Ý tưởng của Gorki được Lenin tán thành và năm 1933, tòa biệt thự nhà Ghertxen được chọn làm địa điểm của Trường Đại học Văn chương M.Gorki. Đầu tiên trường mang tên Đại học Văn chương công nhân buổi tối, đến năm 1936, được đổi tên là Trường Đại học Văn chương M.Gorki. Hiện nay, Trường ĐH M.Gorki vẫn tuyển chọn từ 500 - 700 sinh viên, và là cơ sở đào tạo đại học nghiên cứu các bộ môn khoa học xã hội và ngữ văn kết hợp với các lớp chuyên đề sáng tác (Văn xuôi, Thơ, Kịch, Phê bình Văn học, Dịch Văn chương Nghệ thuật, Văn học trẻ em...)

     Chỉ trong vòng mấy chục năm, đến năm 1973, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, nhà trường tổng kết đã có tới 2.500 người tốt nghiệp, trong số đó 1.300 người trở thành hội viên Hội Nhà văn Liên Xô, 558 người hoàn thành chương trình trên đại học, trở thành các nhà phê bình nghiên cứu văn học có uy tín, các giảng viên, giáo sư lên bục giảng ở các khoa ngữ văn nhiều trường đại học, viện nghiên cứu khác, cũng như bổ sung cho đội ngũ giáo sư của chính nhà trường. Chẳng hạn những Chinghis Aitmatov, Iuri Bondarev, Raxul Gamzatov, Xergay Mikhalkov, Konxtantin Ximonov, M.Aliger, Valentin Raxputin, Vaxili Belov, Evgheni Dolmatovxki, v.v... (Dịch giả Thúy Toàn)

* Học viên Trường Viết văn M.Gorki được học những gì, thưa ngài?

- Học viên của Trường M.Gorki chủ yếu học các môn chính là Lịch sử, Văn học, Triết học, các môn Lý luận về văn học. Đó là những môn cơ bản mà các học viên cần phải học và lĩnh hội thật tốt những kiến thức mà bài giảng mang đến nếu họ muốn theo đuổi một nghề tôi cho là rất vất vả bởi liên tục phải sáng tạo không ngừng này.


* Trường Viết văn M.Gorki, ngoài mục tiêu phát triển tài năng, phát triển khiếu thẩm mỹ, dạy dỗ làm người có vốn tri thức cao và là những công dân thực sự của đất nước, còn đào tạo cho nhiều dân tộc khác trên thế giới?


- Đúng vậy. Trường Viết văn M.Gorki đào tạo không phải chỉ một thế hệ các nhà văn tài năng, các nhà phê bình nghiên cứu văn học có uy tín, các giảng viên, giáo sư lên bục giảng ở các khoa ngữ văn nhiều trường đại học, viện nghiên cứu khác. Nhiều tên tuổi vượt ra khỏi biên giới mỗi nước và tác phẩm trở thành những di sản tinh thần quý báu đối với cả nhân loại. Mục tiêu đào tạo của trường còn là làm sao để các nhà thơ, nhà văn phát huy được khả năng của mình, cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội những sản phẩm hiện đại, mang tính nhân văn cao cả.

* Mục tiêu cụ thể của việc nối lại quan hệ giữa hai trường lần này là vì... văn học, thưa ngài?

- Hai trường sẽ cùng nghiêm túc xem xét từng việc một để xem tính khả thi của nó được đến đâu, rồi mới có thể ấn định thời gian để “chung tay, góp sức, thực hiện những mục tiêu vì văn chương” được. Nhưng mục tiêu lớn nhất của việc nối lại quan hệ giữa hai trường chính là: Hợp tác lâu dài vì sự phát triển chung không chỉ của nền văn học hai nước mà thậm chí là nền văn học thế giới.


Ông Boris Tarasov (người thứ 4 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm
cùng các nhà văn, nhà thơ tại Trường Viết văn Nguyễn Du


     Đã có hai tuyển tập văn - thơ của các cựu học viên Trường Viết văn Nguyễn Du góp mặt vào đời sống văn học. Cả hai tuyển tập này đều lấy tên khóa học để đặt tên sách. Khóa VI lấy tên K6.com, còn khóa II thì “dài dòng” hơn: Văn tuyển - Khóa II - Trường Viết văn Nguyễn Du. Hai tuyển tập ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Viết văn Nguyễn Du, vừa sát Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nên được xem như là một món quà tri ân của các học viên gửi đến những người thầy cũ đã từng giảng dạy ở Trường Viết văn Nguyễn Du.

* Kinh nghiệm hoặc lời khuyên của ngài về nghề viết cho các học viên Trường Viết văn Nguyên Du mà ông đã có dịp tiếp xúc?


- Cái quan trọng nhất trong việc học viết văn và viết văn nói chung, theo tôi, mỗi một người cầm bút phải tự biết, tự đánh giá và nhận ra được khả năng của mình tới đâu để từ đó hiểu được mình, hiểu nghề mà phấn đấu. Bên cạnh đó, người viết văn cũng cần phải đọc có hệ thống những sách, tài liệu, báo chí liên quan và không liên quan đến văn chương. Và, cuối cùng là hãy cố gắng gìn giữ di sản văn hóa - văn học, cố gắng hiện thực một cách trung thực cái lý tưởng vĩ đại của dân tộc, của cuộc sống và trong mỗi thân phận con người...

Sẽ gửi các học viên sang Trường Viết văn Gorki

     Một số mục tiêu của Trường Viết văn Nguyễn Du sau khi nối lại quan hệ với Trường Viết văn M.Gorki như: cùng trao đổi các cán bộ giảng dạy, tìm kiếm nguồn tài trợ để gửi các học viên sang Trường M.Gorki theo học ngành Dịch thuật để dịch Văn học tiếng Nga sang Việt Nam, từ đó tiến tới mục tiêu dịch thuật các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Nga để quảng bá cho Văn học nước nhà. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp cùng với Trường ĐH M.Gorki xúc tiến việc mở lớp tiếng Nga tại Khoa Sáng tác và Lý luận Phê bình Văn học.

     Đây là một bước tiến mới trong quan hệ giữa hai mô hình trường đào tạo viết văn có lẽ là duy nhất trên thới giới, mở ra nhiều cơ hội phấn đấu không ngừng cho các học viên học viết văn tại Việt Nam được hiện thực hóa ước mơ trở thành những nhà văn, nhà thơ nhà lý luận phê bình văn học dưới sự góp công của Trường ĐH M.Gorki. - Phát biểu của PGS - TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Sáng tác và Lý luận Phê bình Văn học (ĐHVH HN).


Huy Thông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm