Tai họa ám ảnh lễ hành hương về Thánh địa Mecca

25/09/2015 05:29 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ít nhất 717 người đã thiệt mạng và hơn 860 người bị thương trong một trận giẫm đạp xảy ra gần Thánh địa Mecca, Arab Saudi, trong buổi sớm ngày 24/9. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên nơi đây xảy ra các tai họa khủng khiếp như vậy.

Vụ giẫm đạp xảy ra ở một xa lộ tại Mina, cách phía Đông thành phố Mecca  10km, ngay trong ngày đầu tiên của Eid al-Adha - một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất trong lịch Hồi giáo - khi hàng triệu người đang hành hương về Mecca (hành trình này còn được gọi là hajj)

Thường xuyên xảy ra thảm kịch

Đây là vụ tai nạn chết chóc nhất trong một cuộc hajj kể từ năm 1990, khi có tới 1.426 người hành hương bị giẫm đạp trong một đường hầm nối Mecca với Mina. Vụ việc xảy ra chỉ chưa đầy 2 tuần sau vụ gãy cần cẩu xây dựng tại Đại thánh đường ở Mecca, làm ít nhất 111 người thiệt mạng, 394 người bị thương.

Cơ quan phòng vệ dân sự Saudi đã báo cáo số người thiệt mạng trên Twitter, cho biết hai trung tâm y tế ở Mina đã được mở để điều trị những người bị thương. Hơn 4.000 thành viên lực lượng cứu hộ cũng được điều tới hiện trường và hàng trăm người đã được đưa tới 4 bệnh viện lớn.


Thi thể những người thiệt mạng được tập trung tại Mina, Arab Saudi. Ảnh: New York Times

Cần biết rằng Mina là nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn chết chóc trong nhiều năm qua. Năm 2006, một vụ giẫm đạp chết chóc đã khiến hơn 360 người thiệt mạng ngay khi lễ hajj sắp diễn ra. Trước đó chỉ một hôm, một tòa nhà 8 tầng gần Đại thánh đường cũng bị sập, làm ít nhất 73 người chết.

Năm 2001, một vụ giẫm đạp khác cũng xảy ra ở Mina làm 35 người thiệt mạng. Còn trong năm 1999, 180 người đã bị giẫm chết tại vụ lộn xộn, hình thành sau khi vài người hành hương bị ngã trong lúc làm nghi thức ném đá quỷ dữ.

Năm 1997, ít nhất 340 người đã chết trong một vụ cháy lớn ở Mina. Trước đó, năm 1994, đã có 270 người chết trong một cuộc giẫm đạp khác ở đây.

Khi ngày càng nhiều người Hồi giáo bước vào tầng lớp trung lưu, họ cũng chăm thực hiện các cuộc hành hương thường niên hơn. Điều này đã gây sức ép khổng lồ lên nhà chức trách Saudi.

Vụ giẫm đạp diễn ra hôm 24/9 nhiều khả năng sẽ làm tăng thêm nỗi sợ, rằng Saudi không có đủ cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải và an toàn công cộng, để phân luồng và bảo vệ cuộc hành hương lớn nhất thế giới.


Lực lượng cứu hộ Saudi đang cố gắng cứu chữa những người sống sót sau vụ giẫm đạp. Ảnh: New York Times

Dấu hỏi trách nhiệm với chính quyền Saudi

Irfan al-Alawi, Giám đốc điều hành Quỹ nghiên cứu di sản Hồi giáo, nói rằng chính quyền Saudi đã không cố gắng kiểm soát đám đông ở khu vực xảy ra thảm họa. Còn Madawi al-Rasheed, một nhà nhân chủng học và là giáo sư thỉnh giảng của Trường kinh tế London, nhận xét: "Chẳng có ai nhận trách nhiệm cả. Thật sốc khi thấy rằng gần như năm nào cũng có một dạng sự kiện gây chết người."

Chính quyền Saudi thực tế đã bắt đầu các dự án xây dựng quanh Mecca từ cách nay khoảng 1 thập kỷ. Hoạt động xây dựng, tân trang, mở rộng Đại thánh đường được thực hiện nhằm tạo thêm nhiều không gian hơn cho người Hồi giáo hành hương.

Tuy nhiên quá trình mở rộng đã xảy ra nhiều sự cố, gần đây nhất là vụ sập cần cẩu chết chóc. Sau tai nạn, chính quyền Saudi đã trừng phạt tập đoàn Saudi Binladin, nơi chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động mở rộng Đại thánh đường, bằng cách cấm không cho công ty này tham gia đấu thầu các hợp đồng trong tương lai.

Nhưng ngay cả trước khi vụ dẫm đạp xảy ra, mùa hành hương năm nay ở Saudi đã đầy sự cố. Thứ Năm tuần trước, khoảng 1.000 người hành hương tới từ châu Á phải chạy khỏi khách sạn của họ do xảy ra một vụ cháy, làm 2 người Indonesia bị thương.

Đầu tuần này, khoảng 1.500 người hành hương cũng phải sơ tán khỏi một khách sạn 15 tầng ở Mecca do xảy ra cháy ở tầng 11 của khách sạn trong đó có 4 người  bị thương.

Đa số người hành hương không tới từ Arab Saudi và họ không thể gây sức ép buộc chính quyền cải thiện hoạt động quản lý đám đông hay an toàn công cộng quanh hajj. Giáo sư Rasheed cho biết trước đây, giới chức Saudi đã né tránh trách nhiệm,bằng cách dẫn các tư tưởng của Hồi giáo nói rằng bất kỳ ai thiệt mạng trong quá trình hành hương sẽ lên thiên đàng.

Trong ngày thứ Năm, Văn phòng giám đốc cơ quan phòng vệ dân sự Saudi đã lặp lại điều này trong thông báo gửi lên Twitter: "Chúng tôi cầu xin Thượng đế hãy rủ lòng thương với những con người đã tử vì đạo".

Tường Linh (Theo NY Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm