Lá cờ Tổ quốc/ Bay giữa trời xanh

09/03/2013 07:10 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Đọc thông tin “cổng trường Việt Nam cắm cờ Trung Quốc” nhiều người không khỏi choáng váng.

Càng phẫn nộ hơn khi đọc lời giải thích của bà Giám đốc NXB Dân Trí rằng: “Đó là trường của Trung Quốc thì treo cờ Trung Quốc”, rằng: “Tôi thấy nội dung và hình ảnh rất bình thường, không có gì nặng nề".

Cơn choáng chưa hết, dư luận lại phát hiện thêm cuốn sách dạy tiếng Việt “Bé làm quen với chữ cái (hành trang cho bé chuẩn bị vào lớp 1)” của NXB ĐH Sư phạm in cờ Trung Quốc và tập 2 bộ sách “10 phút cho bé trước giờ đi ngủ” của NXB Mỹ Thuật.

Sự thật, chúng ta không còn quá “choáng” với những thứ văn hóa ngoại lai xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau. Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều đèn lồng có chữ Tam Sa và Nam Sa (bằng tiếng Trung) được tuồn vào Việt Nam. Một số người dân không biết, mua đèn về treo, và cái gọi là “thành phố Tam Sa” do họ lập nên lại xuất hiện công khai tại Việt Nam. Đó là chưa kể đến chuyện hộ chiếu lưỡi bò, quả địa cầu và bản đồ xuyên tạc…

Nhưng lần này, một sự thật nguy hiểm hơn, khiến chúng ta choáng váng là sự “sai sót chết người” lại nhắm vào những cuốn sách dạy trẻ em. Không biết lí do phía sau là gì, sự cẩu thả, chạy theo lợi nhuận hay lỗi vô tình… nhưng những người làm xuất bản cần nhớ rằng: Trẻ em là trang giấy trắng. Những ấn phẩm dành cho trẻ chính là những nét vẽ đầu tiên tạo nên nhân cách con người sau này. Sách giáo dục trẻ mà có sự sai sót như trên là không thể chấp nhận.

2. Có một gợi ý cho những nhà xuất bản, như TT&VH trước đây đã từng làm loạt bài viết dài kỳ, tìm lại những bài thơ trong SGK.

Tất cả những ai từng ngồi trên ghế nhà trường, đều có thể nao nao nhớ về những bài thơ thủơ nhi đồng. Nhưng hiện nay, hầu như sau những cải cách, thay đổi, những bài thơ một phần là máu thịt của những người từng là thiếu nhi đã lùi rất xa vào dĩ vãng. Thật khó để tìm lại được những bài thơ ấy, nếu  không có thói quen sưu tầm sách.

Phản văn hóa phải chống lại bằng văn hóa. Người Việt tự tin nền văn hiến của mình có thể là “lá chắn” tốt nhất cho mỗi công dân Việt, dù là con trẻ.

Trong hình ảnh “cổng trường cắm cờ Trung Quốc” hẳn nhiều người nhớ lại bài thơ thủơ vỡ lòng “Vẽ quê hương” (tác giả Định Hải, sách Tập đọc lớp 3). Những hình ảnh quen thuộc từ thời thơ ấu sẽ in sâu trong trí nhớ. Từ hình thành ấy đã cho chúng ta những khái niệm, những tình cảm thiêng liêng về Tổ Quốc.

Bút chì xanh đỏ/ Em gọt hai đầu/ Em thử hai màu/ Xanh tươi đỏ thắm/ Em vẽ làng xóm/ Tre xanh lúa xanh/ Sông máng lượn quanh/ Cây gạo đầu xóm/ Hoa nở chói ngời/ A! nắng lên rồi/ Mặt trời đỏ chót/ Lá cờ Tổ quốc/ Bay giữa trời xanh/ Chị ơi bức tranh/ Quê ta đẹp quá…

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm