Tái bản 10 tiểu thuyết của Bà Tùng Long: Một 'kiện tướng lao lực'

06/08/2019 14:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cầm bút chỉ 20 năm (từ 1952 đến 1972), nhà văn Bà Tùng Long (1915 - 2006) đã viết 68 tiểu thuyết, 400 truyện ngắn, chưa kể hàng trăm tạp bút, hàng ngàn bài báo, rồi dạy học, dịch thuật. Về đời tư, bà vui vẻ “nuôi đủ 9 con với 1 chồng”. Rõ ràng, đó là một kiện tướng lao lực trong nghề viết.

Sự kiện tuần này: Sách của Bà Tùng Long và Cuộc thi âm nhạc quốc tế chuyên nghiệp

Sự kiện tuần này: Sách của Bà Tùng Long và Cuộc thi âm nhạc quốc tế chuyên nghiệp

Xem-nghe-thấy-đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý: Cuộc thi Âm nhạc quốc tế Violin và Hòa tấu thính phòng đầu tiên ở Việt Nam, và việc tái bản một số đầu sách của Bà Tùng Long, cái tên từng rất quen thuộc với độc giả miền Nam.

Vài ngày trước, NXB Trẻ đã tái bản 10 tiểu thuyết chọn lọc, như là một món quà ghi nhớ 104 năm ngày sinh của Bà Tùng Long (1/8/1915). 10 tiểu thuyết tái bản lần này là Những ai theo gió, Bên hồ Thanh Thủy, Một vụ án tình, Duyên tình lạc bến, Đời con gái, Đường tơ đứt nối, Con đường một chiều, Bóng người xưa, Một lần lầm lỡ, Người xưa đã về. Trong này có 3 ba quyển chưa từng được in thành sách, mà chỉ in nhiều kỳ (in feuilleton) trên các báo tại Sài Gòn trước 1975, đó là Bên hồ Thanh Thủy, Một vụ án tình, Những ai theo gió.

Viết báo, viết tạp bút, dịch thuật từ năm 1952, viết truyện từ năm 1953, với truyện dài đầu tiên in nhiều kỳ trên báo Sài Gòn mớiĐứa con hoang, sau kết tập in sách, đổi tên thành Ái tình và danh dự. Những truyện dài và tiểu thuyết giai đoạn đầu còn chịu ảnh hưởng từ văn chương Pháp, đôi khi cảm tác, phóng tác, nhưng ngay sau đó vài năm, văn của Bà Tùng Long đã khá thuần Việt, với những câu chuyện thân thuộc, gần gũi với tầng lớp phổ thông, bình dân. Chính vì vậy mà tác phẩm của bà rất ăn khách. Từ năm 1956 đến 1958 bà viết hơn 30 tiểu thuyết nhiều kỳ trên báo, kết tập in hơn 20 quyển; từ năm 1963 đến 1972 in hơn 20 tiểu thuyết. Nhuận bút mỗi tiểu thuyết, như được kể, nếu quy ra vàng từ 10 đến 15 lượng, tương đương khoảng 350 đến 550 triệu đồng ngày nay.

Chú thích ảnh
Bà Tùng Long xuất thân trong một gia đình trí thức tại Hội An, Quảng Nam. Ảnh do gia đình cung cấp

Năm 1961, trả lời báo một tờ báo về lý do cầm bút, Bà Tùng Long nói: “Tôi viết văn để nuôi con. Khi nào các con tôi đứa lớn trưởng thành dìu dắt được đàn em nó, bấy giờ tôi sẽ nghỉ viết”. Xin lưu ý cuộc phỏng vấn này diễn ra giữa thời hoàng kim, của bà, khi mà nhuận bút văn báo của tác giả “nuôi đủ 9 con với 1 chồng” cùng người ăn kẻ ở trong nhà. Như chia sẻ của những bạn văn, gia đình Bà Tùng Long không thuộc diện giàu có, nhưng đã có được đời sống thanh tao của tầng lớp trung lưu trí thức.

Năm 1972, khi các con đã là giáo sư, luật sư, cử nhân khoa học… bà giữ đúng lời hứa gác bút. Nghe tin bà gác bút, đông đảo độc giả thất vọng, đồng nghiệp, các tòa soạn cũng rất buồn, vì mất một ngòi bút “kiện tướng”. Trước đó, có thời điểm bà viết cùng lúc 5 tiểu thuyết in trên 5 nhật báo, ngay lúc đang giữ mục “Gỡ rối tơ lòng” trên báo Sài Gòn mới và “Tâm tình cởi mở” trên báo Tiếng vang, phải đọc hàng ngàn lá thư, viết hàng trăm bài trả lời để in báo.

Ít người biết, di nguyện của bà là các con các cháu đừng ai theo nghề cầm bút bởi nó quá vất vả, lao tâm khổ tứ. Thế nhưng, trong 9 người con đã có nhiều người theo nghiệp văn nghiệp báo – trong được độc giả biết đến nhiều nhất là nhà văn Nguyễn Đông Thức. Chưa kể, cháu nội của bà là nhà báo Quỳnh Nguyễn, đang viết mảng văn hóa - văn nghệ tại báo Tuổi trẻ.

Chú thích ảnh
Ba tiểu thuyết lần đầu được tái bản của Bà Tùng Long

Trong buổi ra mắt những cuốn sách tái bản của Bà Tùng Long vừa qua có nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn Bích Ngân, đạo diễn Hồ Ngọc Xum… Họ đều là những “lao lực viên” hiện nay, nhưng ai cũng kính nể sức làm việc của Bà Tùng Long. “Ngoài quyết tâm và tài năng, Bà Tùng Long đã chuẩn bị rất tốt về nghề, từ ngoại ngữ cho đến nghiệp vụ báo chí, kĩ năng viết văn… nên trong một thời gian rất ngắn mà làm được rất nhiều việc. Tôi tin rằng, nếu có những nghiên cứu đúng mức và khách quan về văn nghiệp, Bà Tùng Long không chỉ là một ngòi bút của thị trường sách bán chạy như nếp nghĩ lâu nay, mà còn có những đóng góp lớn lao vào lịch sử văn chương, báo chí” - nhà văn Bích Ngân nhận xét - “Ví dụ như cuốn Giang san nhà chồng, đó là một tiểu thuyết về đời sống gia đình, vẫn có đầy đủ các gởi gắm, các hình tượng suy tư rất thời sự”.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức thì cho biết, ông đang kết tập thêm những tác phẩm đã in báo, nhưng chưa từng in sách của mẹ mình như Hờn ghen, Thử thách, Tâm nguyện, Ngày mới, Hành trang vào đời, Mây bay về đâu... Được biết NXB Trẻ cũng đang có kế hoạch tái bản những tác phẩm này.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm