02/01/2009 13:04 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Năm qua, hợp xướng Truyện Kiều của nhạc sĩ Vũ Đình Ân đã ra đĩa và được Vietbook công nhận là kỷ lục Hợp xướng Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (8/9/2008) dù nó được hoàn thành vào năm 2001. Đầu năm 2009, tuy tác phẩm Minh họa Truyện Kiều chưa hoàn thành, nhưng nhạc sĩ Phạm Duy sẽ có buổi nói chuyện về tác phẩm này vào lúc 14h30 ngày 2/1/2009 tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (buổi nói chuyện do Tạp chí Xưa & hay và Hiệp hội UNESCO Hà Nội tổ chức). Trước khi lên đường ra Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Duy đã trò chuyện cùng TT&VH.
- Năm ngoái, anh Dương Trung Quốc đi cùng một số người nữa đến thăm nhà tôi tại TP.HCM. Trong cuộc nói chuyện, tôi có mời mọi người nghe một số bản Kiều mà tôi đã viết và thu âm. Các anh ngỏ ý muốn mời tôi nói chuyện tại Hà Nội trong dịp kỷ niệm 244 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du và kỷ niệm 15 năm tạp chí Xưa và nay. Những thủ tục cần thiết, phía anh Dương Trung Quốc lo. Đây không phải là buổi giới thiệu tác phẩm mà chỉ là trò chuyện về những gì tôi viết về tác phẩm âm nhạc Minh họa Truyện Kiều và nó cũng chỉ là một trong những nội dung của buổi lễ kỷ niệm nói trên.
* Tác phẩm này được bắt đầu và kết thúc vào những năm nào? Nguyên nhân, cảm hứng nào mà ông viết nó?
- Tác phẩm này tôi phác thảo từ năm 1996, tôi nghiên cứu và chọn lọc trong hơn 3.000 câu thơ của Truyện Kiều để vẽ nên chân dung nàng Kiều bằng âm nhạc, mỗi năm tôi làm một ít. Đến nay có thể nói công việc đã hoàn thành khoảng 75% với khoảng 30 đoản khúc. Nguyên nhân để viết nó ư? Rất giản dị, tôi đã viết nhiều ca khúc, trường ca và cuối đời tôi muốn phổ nhạc từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể xem đây là tác phẩm cuối đời của tôi, tôi viết nó trong tâm thế thanh thản và đầy hứng khởi, rảnh thì tôi làm, không có một áp lực về mốc thời gian xác định cho sự hoàn thành tác phẩm…
* Ông có thể nói về thể loại và quy mô của nó?
Những “bức tranh” âm nhạc về Truyện Kiều “Những năm tháng cuối của cuộc đời, là người suốt đời xưng tụng dân ca Việt Nam, tôi sẽ tiếp tục sự nghiệp của mình với tác phẩm vô cùng Việt Nam, qua một số bài hát viết từ Truyện Kiều, nhưng xin nói ngay là tôi không đủ tài, đủ sức để phổ nhạc cho hơn 3.000 câu thơ tuyệt vời của đại thi hào Nguyễn Du. Tôi chỉ muốn đưa ra những bức tranh minh họa Truyện Kiều để tăng thêm vẻ đẹp vốn có của thi phẩm.
- Về thể loại, quan điểm của tôi là cương quyết không dùng danh từ thể loại như ngoại quốc. Có thể nói tác phẩm này tương tự như một opera nhưng tôi gọi nó là “nhạc cảnh”, trong đó phần âm nhạc sẽ là những đoản khúc. Tôi không thực hiện nguyên vẹn nội dung Truyện Kiều của Nguyễn Du mà vẽ lại bức tranh đó bằng âm nhạc, chọn những bức tranh minh họa đặc sắc để nói lên thân phận của nàng Kiều. Nếu tác phẩm hoàn thành, nó có độ dài khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ. Khi dàn dựng nó, người ca sĩ sẽ vừa ca, vừa diễn, vừa có cảnh trí và những màn múa minh họa… Tôi không muốn nói nhiều vì tôi cũng chỉ là một trong những người viết nhạc về Truyện Kiều, tác phẩm này vẫn chưa xin phép biểu diễn và nó cũng chưa hoàn thành, đơn giản chỉ là một cuộc trò chuyện…
* Ngôn ngữ âm nhạc trong tác phẩm này được xây dựng như thế nào? Những điều tâm đắc nhất mà ông gởi gắm vào tác phẩm này là gì?
- Tôi là một trong những người chủ trương phải dùng âm điệu ngũ cung Việt Nam trong tân nhạc, không vay mượn những yếu tố của Âu - Mỹ. Và có thể nói, tôi khá am hiểu về nhạc dân gian các vùng miền bởi tôi đã đi khắp đất nước và tiếp xúc, nghiên cứu rất nhiều về dân nhạc Việt Nam. Tuy nhiên cái chất Việt Nam trong âm nhạc của tôi nó sẽ không thể hiện một loại dân ca vùng miền nào cụ thể. Tất cả được ngấm trong tôi và khi tôi viết ra nó sẽ lập tức là Việt Nam, một loại Việt Nam mang phong cách Phạm Duy. Vấn đề tâm đắc nhất trong tác phẩm này là tôi cố gắng thể hiện những giá trị của âm nhạc dân gian, tôi cố gắng hết sức với những gì mình hiểu biết về kho tàng âm nhạc dân gian để thể hiện vẻ đẹp của nó qua giai điệu, tiết điệu, âm sắc…
* Những đoản khúc trong tác phẩm này, đã có đoản khúc nào được biểu diễn? Trong buổi nói chuyện về tác phẩm này tại Hà Nội chắc chắn là sẽ có những minh họa?
- Năm 1996 tôi có đem một số đoản khúc Kiều đầu tiên biểu diễn một số nơi trên thế giới và nhận được phản hồi khá tốt từ khán giả. Lần này trong buổi nói chuyện tại Hà Nội, tôi sẽ cho mọi người nghe đĩa một số bản đã được thu âm chứ không phải ca sĩ và dàn nhạc trình diễn.
* Theo ông tác phẩm này có vị trí như thế nào trong sự nghiệp sáng tác của mình?
- Đây là tác phẩm quan trọng nhất đối với cuộc đời sáng tác của tôi, tác phẩm mà tôi nuông chiều nó nhất, dành cho nó nhiều thời gian nhất, nhiều suy nghĩ nhất. Tôi “nhẩn nhơ” thực hiện với tâm thế vô cùng sảng khoái. Có thể nó là một tác phẩm inacheve (bỏ dở), nhưng nếu như vậy thì tôi cũng rất mãn nguyện…
Minh họa Truyện Kiều gồm 5 phần Phần mở đầu - Giới thiệu không gian và thời gian Phần 1: Kiều gặp Đạm Tiên - Số phận Phần 2: Kiều gặp Kim Trọng - Tình duyên Phần 3: Kiều bán mình chuộc cha Phần 4: Kiều gặp Từ Hải - Người cứu tinh Phần kết: Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường. Trong công việc đưa âm nhạc Việt Nam từ đơn điệu (monophonic) đến đa điệu (polyphonic) mà tôi thử thách trong nhiều năm qua giờ đây khá ổn thỏa. Tôi và Duy Cường (con trai tôi) đã dùng giai điệu và hòa điệu để mô tả những bức tranh đó. Duy Cường đã dùng nhiều âm điệu, âm sắc của nhạc cụ dân tộc VN, một số giọng ngâm cổ... hòa với một số âm sắc nhạc cụ Tây Phương để áp dụng vào nhạc phẩm Minh họa Truyện Kiều… (Phạm Duy). |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất