02/12/2020 07:08 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, tại Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2020 với chủ đề Tái sinh, tác phẩm Eco-đi của Nguyễn Trần Ưu Đàm đã được trao Giải đặc biệt về ý niệm thiết kế (Best Conceptual Design). Tác phẩm này là cách kết hợp 6 yếu tố nghệ thuật với 1 câu nói thâm thúy của Lão Tử: “Thiện hành vô triệt tích” (tạm dịch: Bước chân thiện lành thì không hằn dấu vết), mà Ưu Đàm phái sinh thành “Phượt thủ ngầu đi bằng đầu”.
1. Tác phẩm Eco-đi kết hợp nhiều thuộc tính của nghệ thuật đương đại, như nghệ thuật ý niệm (conceptual art), nghệ thuật ứng dụng, làm sản phẩm (wearable art), nghệ thuật điêu khắc, chạm nổi, đúc khuôn (sculpture, bar-relief), nghệ thuật can thiệp (intervention art), tính trình diễn (performance art), tính quảng cáo (advertising).
Nói về tác phẩm này, Ưu Đàm cho biết: “Bản thân tôi rất lo ngại trước sự hủy diệt thiên nhiên đến từ con người, nên luôn muốn làm tác phẩm có sự kết hợp nhiều thuộc tính. Từ tác phẩm Vũ điệu của các kỵ sĩ máy lấy cảm hứng từ người cưỡi ngựa sắt ("Thánh Gióng ngày nay") cho tới tác phẩm Rồng rắn lên dùng khí thải như là chất liệu và năng lượng để đưa “ngựa sắt” của các "Thánh Gióng" đi. Và tác phẩm 2 Thánh Gióng tại Phúc Tân chiến đấu với khí thải do họ tạo ra dưới hình tượng 2 con mãng xà. Tác phẩm của tôi chuyển đổi và bao hàm yếu tố môi trường lúc nào không hay. Có lẽ là tôi nêu ra vấn đề, rồi trong vô thức tôi tự nhiên trăn trở để tìm cách giải quyết nó một cách tối ưu. Do đó mà nay có Eco-đi”.
Ưu Đàm cho biết thêm: “Năm 2017, trong chuyến đi 1 tháng tại Hòn Sơn, tôi nhận được lời mời của triển lãm nghệ thuật quốc tế đương đại lưỡng niên của Thái Lan (Thailand Biennale) tại Krabi. Ban tổ chức đưa tôi đến Krabi. Krabi rất đẹp, như là Hạ Long, Phan Thiết và Nha Trang cộng lại. Tôi nghĩ mình không nên đặt thêm tác phẩm nghệ thuật gì vào thiên đường này. Tôi suy nghĩ đến một tác phẩm không can thiệp gì vào thiên nhiên Krabi”.
“Lời mời này đến rất đúng lúc. Trong thời gian ở Hòn Sơn, tôi có dịp lang thang từ núi Mai Thiên Lãnh, xuyên qua rừng đi tới biển, nghe được nhiều chuyện về quản lý rác, tôi có cảm giác rác nhựa xả vào thiên nhiên là một vấn đề rất khó giải quyết. Tôi muốn tìm một hướng đi mới, có tính lâu dài.
Nhìn dấu chân và dấu dép trên cát biển, tôi nảy ra ý nghĩ khắc lõm một câu của Lão Tử lên đế dép, với tiếng Việt là “Phượt thủ ngầu đi bằng đầu”, còn tiếng Anh là “Good traveller leave no traces”. Khi đi, các câu này sẽ hiện lên trên cát, nhiều người sẽ thấy, thấy rất nhiều lần sẽ nhớ. Dấu vết ở đây có thể là rác, là một công trình kiến trúc xấu, là khí thải, thậm chí là khắc tên người mình yêu lên cây cối, bức tường, tảng đá tại các thắng cảnh du lịch” - Ưu Đàm trải lòng.
2. Cái hay của tác phẩm Eco-đi này là rất dễ dàng thực hiện, vì chúng ta ai cũng đi, thường mang dép. Mỗi người sở hữu đôi dép/tác phẩm Eco-đi sẽ có dịp truyền tải một thông điệp tốt, có khả năng làm thay đổi các thói quen xấu trong việc khai thác, sử dụng môi trường. “Eco” (ecology) là sinh thái học, và “đi” như lời mời gọi, thúc giục chúng ta hãy đi/hành động/sống một cách thiện lành. Vì tương lai của trái đất, hãy là người đi giỏi không để lại dấu vết.
Và cái hay nhất của Eco-đi là khả năng biến bất kỳ ai thành một nhà sưu tầm nghệ thuật, một nghệ sĩ trình diễn, một sứ giả truyền tin tốt lành về môi trường, mà có thể người đó không hề hay biết. Vì ai cũng sẽ và cũng muốn đi lại hàng ngày.
Sự lặp đi lặp lại hàng tỷ lần thông điệp của Eco-đi sẽ có thể làm được điều phi thường, nhằm góp phần thay đổi nhận thức và thói quen của nhiều người về việc bảo vệ môi trường. Thay đổi thói quen là việc khó nhất trên đời, nhất là các thói quen xấu.
Cho đến thời điểm hiện tại, Ưu Đàm đã đưa Eco-đi thử nghiệm tại các bãi biển và đồi cát ở trong nước, ngoài ra còn mang ra nước ngoài như tại Hong Kong (Trung Quốc), Los Angeles (Mỹ)… Ưu Đàm đang có hy vọng về việc sản xuất hàng loạt tác phẩm này để nhiều người có dịp sử dụng.
Cũng xin nhắc lại, Nguyễn Trần Ưu Đàm gần như là nghệ sĩ đầu tiên trên thế giới thực hành các tác phẩm táo bạo xuyên không gian như vẽ tác phẩm qua app License 2 Draw và bắn laser đốt (vẽ) tranh ở cách xa người vẽ hàng chục ngàn cây số. Anh còn là tác giả của tác phẩm khí thổi sắp đặt hoành tráng (62 tầng) và Serpents’ Tails với hàng trăm xe gắn máy và điêu khắc thổi khí cao như nhà lầu 4 tầng để nói về sự phát triển không ngưng nghỉ của con người và ảnh hưởng đến môi trường.
Anh cũng đồng thiết kế với KTS Tân Nguyễn (D1 Architect) và Dương Đỗ (nhà sáng lập Toong) làm tác phẩm Buddha Building cao 7 tầng tại TP.HCM, lấy cảm hứng từ tượng Phật ý niệm do anh sáng tác từ lâu. Mới đây, tác phẩm Time Boomerang, anh phát triển nghệ thuật điêu khắc trình diễn và ý niệm, khi đem 5 ngón tay bằng đồng đi phóng vào lòng 5 biển ở 5 châu lục để đo thế giới.
Nguyễn Trần Ưu Đàm là một nghệ sĩ thị giác lớn lên trong nhiều bối cảnh khác nhau tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Ưu Đàm học ngành điêu khắc tại trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM đến năm 1994. Anh tốt nghiệp 2 đại học danh tiếng về nghệ thuật với bằng cử nhân và thạc sĩ tại University of California Los Angeles (UCLA) và School of Visual Art in New York, Hoa Kỳ.
Hiền Hòa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất