Tác giả Stéphanie Do: Hơn 30 năm vẫn nói tiếng Việt trên đất Pháp

25/08/2024 06:54 GMT+7 | Văn hoá

Đọc Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên (NXB Khoa học xã hội và Omega Plus ấn hành), độc giả sẽ thấy hành trình dấn thân vào con đường chính trị của tác giả Stéphanie Do. Và hơn thế, con đường chính trị của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên này còn truyền cảm hứng rằng: "Không gì là không thể, khi có đam mê và quyết tâm".

Mới đây, nhân dịp về Việt Nam, tác giả Stéphanie Do đã có buổi gặp gỡ và giao lưu thân mật với báo chí, độc giả do công ty Omega Plus tổ chức tại Hà Nội. Dịp này, bà có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

Dấn thân để cống hiến

* Điều gì đã thôi thúc kể lại hành trình của mình trong "Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên"?

- Khi đang trong nhiệm kỳ nghị sĩ của mình (2017 - 2022), có rất nhiều người thân và bạn bè đã từng nói với tôi: "Đừng quên bạn là nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên!"… Họ khuyên tôi nên viết một cuốn sách để chỉ đường cho những thế hệ sau khi muốn đi theo con đường chính trị. Cuốn sách sẽ giúp cho những người trẻ quan tâm đến chính trị có động lực để đi trên con đường của riêng mình và dám làm điều mình muốn.

Mỗi người làm chính trị có một cách nhìn khác nhau. Muốn cống hiến cho nước Pháp, muốn cảm ơn nước Pháp đã cho tôi có ngày hôm nay, đó là "tâm hồn" làm việc, làm chính trị của tôi. Nó rất khác biệt! Tôi đâu làm việc để lên làm Bộ trưởng hay những vị trí cao hơn trong chính giới (cười). Tôi làm việc vì thấy con đường của mình đi là đúng và phù hợp với kinh nghiệm đã có. Tôi muốn đến chính trường để đề xuất những điều luật thiết thực với mong muốn giúp đỡ người dân nhiều hơn…

Hành trình của tôi có thể là nguồn cảm hứng cho một số người. Và, tôi quyết định viết cuốn sách này sau khi kết thúc nhiệm kỳ nghị sĩ của mình.

Tác giả Stéphanie Do: Hơn 30 năm vẫn nói tiếng Việt trên đất Pháp - Ảnh 1.

Tác giả Stéphanie Do (phải) giao lưu với độc giả tại Hà Nội

* Nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên - rõ ràng đây thành quả rất đáng để tự hào. Nhưng để có được thành công như thế hẳn mọi thứ với bà không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên?

- Trước khi trở thành một nghị sĩ, tôi làm ở Bộ Kinh tế và Tài chính, vào thời điểm này, ông Emmanuel Macron (Tổng thống Pháp hiện nay) làm bộ trưởng. Sau đó, ông từ chức và thành lập phong trào En Marche (Tiến bước). Tôi bị thuyết phục bởi kế hoạch mà Emmanuel Macron dự định đem tới cho đất nước và đăng ký làm tình nguyện viên cho phong trào này vào tháng 11/2016.

 Sau khi gửi hồ sơ, tôi được chọn cho vị trí tư vấn giám sát tỉnh Seine-et-Marne. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau quên mình hằng ngày, hàng tuần, hàng tháng suốt một năm để đưa Emmanuel Macron trở thành ứng cử viên chính thức của cuộc bầu cử tổng thống, rồi trở thành người chiến thắng.

Sau những giây phút hân hoan vì một chiến thắng khá bất ngờ, cuộc bầu cử Quốc hội đến gần. Bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 6/2017 và phải mau chóng tiến hành đề cử. Khi ấy, lời kêu gọi ứng cử viên nữ được đưa ra, vì bình đẳng giới là một trong những giá trị cốt lõi trong chương trình của Emmanuel Macron. Thế rồi, tôi đã được các nhà hoạt động khích lệ ra tranh cử.

Ra tranh cử, tôi đã nghĩ mình chẳng có nhiều cơ hội vì 2 đối thủ của tôi đều là những người làm chính trị rất lâu năm. Một người là cựu Bộ trưởng, một người là luật sư, trong khi tôi mới chỉ đang trong quá trình học hỏi.

Tôi tranh cử trong trạng thái rất vui vẻ, vừa tranh cử, vừa hát ca. Cho đến khi có kết quả chiến thắng, tôi đã "cứng đơ" trong 24 tiếng sau đó (cười). Bởi, tôi đã quá mệt khi tham gia vận động cả năm trời, tiếp đến là vận động cho cuộc tranh cử của tôi nữa. Tôi đã nằm ngủ một ngày liền, không ai có thể gọi điện.

Tác giả Stéphanie Do: Hơn 30 năm vẫn nói tiếng Việt trên đất Pháp - Ảnh 2.

Sách "Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên" của tác giả Stéphanie Do

* Bà có thể kể thêm về việc một người phụ nữ làm chính trị...?

- Đã đi theo chính trị, lựa chọn cống hiến như một người của dân chúng, thì rõ ràng phải đánh đổi nhiều thứ. Làm việc với cường độ cao suốt sáng, tối khiến sức khỏe tôi cũng bị ảnh hưởng.

Rồi gia đình nữa! Tôi rất có phước. Tôi có một người mẹ ở chung, lo cho gia đình của tôi. Còn chồng của tôi nữa, anh chăm sóc, lo lắng cho con gái của chúng tôi. Đi làm về, anh chỉ ở cạnh con, dạy con học, cho con ngủ, đọc sách cùng con,… Rồi, có khi tôi cũng phải giải thích cho con: "Tại sao mẹ không có nhà? Vì là mẹ đang đi làm". Con hiểu nên khi gặp con sau giờ làm việc, con luôn vui vẻ với tôi.

Nhìn chung, tôi không có thời gian nhiều với gia đình của mình. Nhưng phải vậy thôi, vì mình đã chọn con đường này (cười). Tôi may mắn khi có gia đình luôn thấu hiểu và ủng hộ.

"Không có chuyện gì là ngẫu nhiên. Tôi cũng phải tích cực, phải đam mê và có lòng cống hiến để có thành tựu hôm nay. Và, không gì là không thể, khi có đam mê và quyết tâm" - Stéphanie Do.

"Tôi luôn luôn tự hào là một người gốc Việt"

* nhắc nhiều tới tình yêu của mình với nước Pháp. Còn tình cảm với quê hương Việt Nam thì sao?

- Nhiều lắm chứ! Và, bí quyết làm cho tôi có được ngày hôm nay, đó là tôi luôn luôn tự hào là một người gốc Việt. Tôi đi học từ nhỏ ở Pháp, tôi luôn luôn tự hào là người gốc Việt, là người phụ nữ Việt Nam. Vì nước Pháp có nhiều cộng đồng người ngoại quốc, khi đi học, tôi rất ngại việc mình thua kém người khác, còn ngại nhiều hơn khi bản thân mang dòng máu Việt  Nam mà lại thua kém họ. Do vậy, ngay từ khi đi học tôi đã luôn cố gắng, luôn ý thức về nguồn gốc Việt Nam của mình.

Sống ở Pháp, nhưng tôi luôn nhận thức được việc mình đến từ đâu. Tôi biết từ đâu tôi được sinh ra và đó luôn luôn là niềm tự hào, làm cho tôi cố gắng mỗi ngày. Khi đi học, đi làm đều vậy và khi đi ra làm chính trị cũng vậy, tôi rất tự hào là người Việt Nam.

Còn nữa, ngay từ nhỏ, tôi vừa học tiếng Pháp vừa học tiếng Việt. Cho nên đến giờ tôi còn nói được tiếng Việt. Sang Pháp lúc 11 tuổi, đến nay tôi đã 44 tuổi, như vậy là hơn 30 năm nay tôi vẫn nói tiếng Việt. Với tôi, đó là sự tự hào.

Tác giả Stéphanie Do: Hơn 30 năm vẫn nói tiếng Việt trên đất Pháp - Ảnh 4.

Stéphanie Do - nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên

* Vẫn nói tiếng mẹ đẻ và còn dạy tiếng Việt cho con gái của mình, vậy bằng cách nào tiếng Việt vẫn hiện hữu trong cuộc sống của sau nhiều năm ở Pháp?

- Khi tôi còn nhỏ cho tới lúc qua Pháp, tôi thường tới thăm ông bà nội (ở quận 3, TP.HCM). Bà nội rất thích xem phim chưởng. Lúc nhỏ tôi thường xem phim chưởng cùng với bà nội, qua nội dung phim (Cô gái đồ long, Thần điêu đại hiệp…) và thông qua các đoạn lồng tiếng, bà dạy cho tôi tiếng Việt và những bài học quý giá khác về đối nhân xử thế, về văn hóa, giáo dục, về lẽ sống ở đời,… Có những đoạn tôi chưa hiểu, bà nội bắt xem lại và giải thích cho đến khi tôi hiểu mới thôi.

Thói quen xem phim chưởng cùng nhau được duy trì ngay cả khi chúng tôi qua Pháp. Bà nội vẫn giữ thói quen gọi tôi vào xem phim chung, dù không thường xuyên và không còn hào hứng như lúc ở Việt Nam. Giờ đây, tôi cũng dạy và thực hành tiếng Việt cùng con cái mình như cái cách ngày xưa bà nội đã làm. Tôi cũng coi phim Hàn Quốc, qua phiên bản được lồng tiếng hoặc thuyết minh bằng tiếng Việt.

Và cũng nhờ duy trì thói quen trong gia đình như thế mà tôi vẫn nói được tiếng Việt như ngày hôm nay. Hơn thế, trong gia đình tôi cũng vậy, chúng tôi nói chuyện giữa bố mẹ, anh chị em luôn luôn bằng tiếng Việt.

* Được biết vẫn thường xuyên trở về Việt Nam trong những chuyến công tác. Mỗi lần trở về Việt Nam, cảm xúc của ra sao?

- Thú thực tôi thấy choáng (cười)! Tôi thấy rất vui, rất hãnh diện, vì mỗi năm trở lại Việt Nam, đều thấy đất nước của chúng ta phát triển thêm. Và đặc biệt, tôi thấy thế hệ trẻ Việt Nam rất giỏi. Trong nhiều sự kiện giao lưu, tôi thấy nhiều bạn ở độ tuổi còn rất trẻ đã trở thành lãnh đạo của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp... Nói như vậy để thấy, thế hệ trẻ ở Việt Nam rất năng động, rất cố gắng và rất cấp tiến. Việt Nam phát triển cũng nhờ những thế hệ trẻ như thế.

* Cảm ơn về cuộc trò chuyện!

Vài nét về Stéphanie Do

Stéphanie Do sinh năm 1979 tại TP.HCM. Ông cố nội của bà là nhà trí thức Đỗ Quang Đẩu (1863 - 1937). Vì những đóng góp to lớn trong văn chương và giáo dục, ông được đặt tên cho một con đường tại Quận 1, TP.HCM.

Gia đình bà sang Pháp năm 1991. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý Công, chương trình đào tạo kết hợp giữa Trường Hành chính Quốc gia (ENA) và Đại học Paris Dauphine (2014), bà làm việc tại Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp (2014 - 2017). Vào tháng 6/2017, bà đắc cử đại biểu quốc hội vùng Seine-et-Marne và là nữ đại biểu quốc hội gốc Á đầu tiên đắc cử vào Quốc hội Pháp.

Từ khi được bầu vào Quốc hội, bà đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Đoàn Hữu nghị Pháp - Việt trong Quốc hội Pháp, Thư ký phụ trách Kinh tế Đoàn Pháp ngữ. Bà từng tháp tùng Thủ tướng Édouard Philippe nhân dịp ông đến thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2018.

Cuốn sách "Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên" kể lại hành trình của Stéphanie Do, được xuất bản đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2023, sau đó được xuất bản tại Pháp.

Công Bắc (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm