15/07/2023 08:58 GMT+7 | Văn hoá
Tiếp nối chuyến hành trình của 39 câu hỏi cho người trẻ và 39 cuộc đối thoại cho người trẻ, tác giả Phan Đăng tái ngộ độc giả với cuốn sách mới mang tên 39 đoản thiền để thấy (NXB Kim Đồng). Ở dấu mốc này, ta sẽ thấy một Phan Đăng khác mà không khác, không mới mà mới. Vẫn là anh, trong một tư duy sắc sảo, minh bạch nhưng trầm tĩnh, thận trọng và chậm rãi hơn như một người giàu trải nghiệm.
Buổi ra mắt sách cuối tuần qua tại Hà Nội của Phan Đăng cũng thật khác biệt và mới lạ. Trong bầu không khí của trầm và sen tỏa hương, Phan Đăng bắt đầu cuộc ra mắt bằng 3 phút dẫn thiền trong căn phòng chật kín người. Bằng tinh thần đưa tâm trở về thân để sống trọn vẹn với thực tại, Phan Đăng đưa độc giả vào cõi thiền, như cách anh dẫn người đọc vào cõi trong anh trong 39 đoản thiền để thấy.
"Thấy" bằng con mắt thiền
Chia sẻ trải nghiệm bằng ngôn ngữ thiền, 39 đoản thiền để thấy tập hợp những suy tư tưởng chừng vụn vặt, nhưng đầy sâu lắng về cuộc đời và con người của tác giả Phan Đăng. Ngay phần Nhập, Phan Đăng lý giải: "đoản thiền là những đoạn văn ngắn được viết bằng con mắt thiền".
Anh dùng con mắt thiền ấy soi vào hơn 100 trang sách để suy tư quanh một cái tứ là "thấy".
Để "thấy" và chia sẻ "cái thấy" của mình, dĩ nhiên Phan Đăng là một người giàu trải nghiệm. Trải nghiệm cả ngoài thực tại và trong tâm tưởng. Trong Đi để thấy, anh kể lại hành trình đến Ấn Độ, đi lại đúng cung đường mà hơn 2.600 năm trước Đức Phật đã đi qua, để thấy. Rồi, Soi để thấy, anh nhấn mạnh ta phải soi vào tận cùng một sự vật, hiện tượng để thấy được cái bản chất.
Nhưng đôi khi còn phải Cắt để thấy. "Bởi, theo thời gian, cái thấy của ta không ngừng được bồi đắp nhưng cùng lúc đó, cái tôi, cái ngã của ta cũng không ngừng được lớn lên. Hãy coi chừng cái tôi, cái ngã. Đôi khi chính cái tôi, cái ngã đó được bồi đắp theo thời gian lại khiến chúng ta tưởng là thấy nhưng rồi chẳng thấy gì. Vì cái tôi, cái ngã đó làm nên sự hiếu thắng, sự hơn thua, những định kiến và rất nhiều thứ nguy hại khác cho não trạng, tâm hồn cũng như tâm trí của ta, tức con người bên trong ta. Cho nên phải: Cắt để thấy. Cắt đi cái tôi, cái ngã, cái tham ở bên trong, để thấy" - Phan Đăng nói.
Nhưng rồi "cái thấy" của Phan Đăng sau khi đi xuyên suốt qua Cắt để thấy, Đi để thấy, Nhìn để thấy, Soi để thấy, được dừng lại ở chương cuối có tên Thấy để không thấy. Anh lý giải: "Sau khi ta đã thấy mà ta lại kẹt vào cái thấy. Ta mang cái thấy của mình ra để phô diễn. Ta mang cái thấy của mình ra để ăn-thua. Liệu cái thấy đó có thật sự là cái thấy đáng hay không? Cho nên cuối cùng lại phải thấy để không thấy, để ta đừng kẹt mắc vào cái thấy của chính mình".
Bởi thế, mà ở đoản thiển thứ 39 mở ra một màu trắng hư không và vô minh. Đó là đoản thiền mà nếu như chìm vào trong đó một cách thực sự, độc giả sẽ thấy để không thấy.
Hành trình đi tìm chính mình
Như một đối sánh, ở 39 đoản thiền để thấy đánh dấu một bước chuyển trong tư tưởng của Phan Đăng, giống như một hành trình đi tìm chính mình. Ở 2 cuốn sách trước, 39 câu hỏi cho người trẻ (NXB Kim Đồng, 2021) và 39 cuộc đối thoại cho người trẻ (NXB Kim Đồng, 2022), là một Phan Đăng hướng ra bên ngoài.
Cụ thể, ở 39 câu hỏi cho người trẻ tràn ngập những sự trích dẫn tri thức Đông Tây kim cổ, triết học, khoa học, nghệ thuật học, v.v... Đến 39 cuộc đối thoại cho người trẻ, ít trích dẫn hơn nhưng đặt dưới góc nhìn của các chuyên gia để xoáy vào những vấn đề ở bên ngoài mình về những vấn đề của nền chính trị, văn minh, văn hóa... Với tinh thần hướng ra bên ngoài để hiểu cái bên ngoài, ở 2 cuốn sách trước Phan Đăng đã tạo ra một phông nền giúp người trẻ hiểu được cơ bản các vận động bên ngoài với một kỹ thuật diễn đạt dễ hiểu nhất.
Chỉ khi bước vào 39 đoản thiền để thấy, Phan Đăng mới thực sự không nghĩ đến chuyện hướng ra bên ngoài, để được là mình. "Ở đoản thiền này, đối tượng mà tôi quan sát là tâm tôi. Tôi tự vấn tâm tôi có tham không? Nếu tôi tham, tôi thừa nhận, và tôi viết rõ. Tâm tôi có si không? Nếu tôi thấy si, tôi thừa nhận, và tôi cũng viết rõ" - Phan Đăng bày tỏ - "Hành trình từ 39 câu hỏi, 39 cuộc đối thoại đến 39 đoản thiền là một hành trình đi từ ngoài vào trong, đi từ đầu người khác vào đầu mình. Và với cuộc đi thứ hai này, tôi thật sự được là tôi".
Tác giả 39 đoản thiền để thấy nhấn mạnh thêm: "Cuộc đời của một con người có hai lần sinh nở. Lần sinh nở đầu tiên là bố mẹ ta sinh ta. Nhưng đó chỉ là lần sinh nở về mặt sinh học".
"Chúng ta còn một cuộc sinh nở thứ hai. Đó là, ta sinh ra được con người bên trong của ta. Ta nhận ra có một con người bên trong của ta. Khi nào ta sinh được ra con người bên trong đó, ta sẽ nhìn rõ tất cả những tham-không tham, sân-không sân, si-không si. Với tôi, đó là lúc ta chạm vào một cột mốc mới để ta có thể làm chủ tâm ta trong mọi biến động của cuộc đời".
Để kiếm tìm hạnh phúc
Nhận xét về 39 đoản thiền để thấy của Phan Đăng, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: "Đây không phải là một cuốn sách thông thường. Đây là con đường của một người đi tìm chính mình để xác thực mình và xác lập mình trong cái thế giới của chính cá nhân mình. Đấy là con đường khó nhất và cũng chính là con đường duy nhất để tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời sống".
Dẫu là thế, song đọc 39 đoản thiền để thấy không chỉ thấy con đường của Phan Đăng đi tìm chính mình mà hơn thế, 39 đoản thiền như 39 cánh cửa, mà mỗi cánh cửa lại dẫn dắt người đọc bước vào một chuyến hành trình diệu kỳ với nhiều ngã rẽ khác nhau. Khi thì ta hóa thân thành một chiếc lá bé nhỏ, lúc lại là một đóa hoa khiêm nhường, hay đơn giản như dung nhập một cơn gió vô hình để ngắm nhìn đời sống.
Nhưng tựu trung, mọi con đường Phan Đăng mở ra trong tất thảy 39 đoản thiền đều dẫn ta hướng về bản ngã, cùng ta tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi lớn của đời người: Kiếm tìm hạnh phúc ở nơi đâu? Hạnh phúc chẳng phải điều gì rất đỗi xa hoa, mà chính bản thân chúng ta đã biến nó thành một thứ xa xỉ. Hạnh phúc cũng không hề khó tìm như ta nghĩ. Đọc Phan Đăng sẽ thấy, đó là hành trình kiếm tìm hướng đến "hạnh phúc bên trong".
Phan Đăng chia sẻ: "Đầu tiên, tôi nghĩ hạnh phúc là sự thỏa mãn. Sau đó, 8 năm trước, tôi nghĩ khác, tôi nghĩ hạnh phúc là sự cống hiến. Rồi, 6 năm trước, tôi lại nghĩa khác, tôi nghĩ là hạnh phúc là được sống là mình. Nhưng trong 4 năm trở lại đây, tôi lại nghĩ khác nữa. Nếu hạnh phúc là được sống là mình, vậy những lúc không được là mình thì không hạnh phúc sao? Thế hạnh phúc là cái gì? Sau khi đã đi qua 3 trải nghiệm về hạnh phúc: sự thỏa mãn, sự cống hiến, được sống là mình, bây giờ tôi nghĩ rằng: Hạnh phúc là năng lực làm chủ con người bên trong của ta".
"Tức là làm chủ những sự "bất như ý". "Bất như ý" có ập đến thì bên trong ta vẫn tĩnh lặng. "Bất toại nguyện" có ập đến thì ta có thể buồn, nhưng ta không sụp đổ. Một cuộc bão giông khủng khiếp bất kỳ có thể đến, nhưng nếu con người bên trong của ta được chăm sóc, nuôi nấng để trưởng thành, thì lúc đó ta không vì cái đại đau khổ mà đi tự tử" - anh dẫn giải.
"Chúng ta thường bỏ rơi con người bên trong của chúng ta. Chúng ta thường chỉ quan sát và đi tìm một sự thỏa mãn ở bên ngoài. Giống như một khu vườn bị bỏ hoang lâu năm, khi bão đến đương nhiên sẽ tan hoang. Nhưng khi chúng ta có thiền, chúng ta quay vào bên trong, chúng ta chăm sóc "em bé" bên trong mình, chúng ta sẽ hạnh phúc" - Phan Đăng nói tiếp - "Bởi, các nhà tâm lý học nói rằng trong mỗi chúng ta luôn có một em bé và phần lớn trong hàng chục năm đằng đẵng của đời sống, ta bỏ rơi em bé đó. Nếu ai có tuổi thơ bị tổn thương thì em bé đó là một em bé bị tổn thương. Ta quay vào chăm sóc em chưa? Ta quay vào nuôi nấng em chưa? Nếu câu trả lời là chưa thì một bất ý bên ngoài xảy ra, ta sụp đổ ngay lập tức".
Cơ duyên đi sâu vào thiền
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách 39 đoản thiền để thấy, tác giả Phan Đăng tiết lộ, có thời điểm anh thuộc lòng một vài bộ kinh nhưng không hiểu gì.
Chỉ khi có 2 cơ duyên xảy đến mới khiến Phan Đăng thay đổi và đi sâu vào thiền. Anh kể: "Chuyện thứ nhất, cách đây khoảng gần 8-9 năm, tôi bị một tổn thương sâu sắc ở bên trong. Tổn thương đó khiến cho dạ dày của tôi nguy cơ chảy máu liên tục. Tôi nằm triền miên trong các bệnh viện. Lúc đó, thuốc tây chỉ chữa được nhất thời. Khoảng thời gian nằm viện, tôi lại nhớ lại những tác phẩm kinh điển mà tôi đã "tầm chương trích cú", và thấy mình cần phải thực hành. Khi ấy, tôi bắt đầu thực hành thiền định và thiền tuệ. Quá trình thực hành tôi thấy quả thật nó màu nhiệm, theo nghĩa tinh tấn để chữa lành thực sự cho con người tổn thương bên trong mình".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất