Tác giả nhạc và lời Hận Ô Giang là Nguyễn Quý Đôn

25/01/2009 22:59 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Khoảng năm 1950, bài hát Hận Ô giang được khá nhiều người biết ở vùng tự do (tức vùng kháng chiến) và ở hai thành phố tạm chiếm Hà Nội, Sài Gòn. Nhiều người cho rằng đây là bài hát của Văn Cao. Nhưng không phải, đó là tác phẩm của Nguyễn Quý Đôn.

Cũng vào khoảng năm đó, tại Hà Nội, tôi nhiều lần được nghe trình diễn ca khúc này qua làn sóng đài phát thanh. Tôi bị lôi cuốn vào lời ca bi tráng, xót xa và âm điệu vừa độc đáo vừa cổ kính vừa lãng mạn của nhạc phẩm.

Khoảng cuối năm 1951 đầu 1952, tôi được nhìn thoáng bài hát đó trong một tập nhạc chép tay mà tôi mượn của một người bạn hơn tuổi. Người bạn ấy đang học đàn ghi-ta, cho nên đòi lại ngay tập nhạc. Vì vậy, tôi không chép lại được. Song cả lời lẫn nhạc Hận Ô giang vẫn đọng lại trong trái tim tôi từ hồi đó cho đến hôm nay. Sau này, trên những nẻo đường công tác, tôi vẫn có ý đi tìm.

Là người chú tâm tìm hiểu di sản văn hóa dân tộc, tôi hay đến nhiều địa phương để sưu tầm các tư liệu cần thiết.

Một buổi sáng, ở TP Hồ Chí Minh, đầu năm 1987, trong một gia đình người Sài Gòn gốc, khi giở mấy chồng bài hát in thành từng bản riêng của các nhà xuất bản vùng tạm chiếm, tôi chợt thấy có một bản in ca khúc Hận Ô giang. Dưới dòng chữ Hận Ô giang là tên tác giả: Văn Cao. Còn tên và địa chỉ nhà xuất bản được ghi là: Cửu Long, phố Pavie, Hải Dương. Tôi sửng sốt và sung sướng!

Tuy nhiên, khi hỏi mua, người chủ nhà nói: Đây là bản nhạc tương đối đặc sắc, chỉ còn lại rất ít vì được in từ khoảng đầu những năm 50 (thế kỷ 20). Tôi có hai bản. Một bản đã bán tháng trước cho một nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam người Canada. Bản này, nếu ông mua, tôi tính giá 500 ngàn đồng (giá trị đồng tiền năm 1987).

Nhận thấy đây là một tài liệu hiếm, tôi đồng ý mua nhưng đề nghị người chủ bớt cho một ít. Cuối cùng, ngã giá đồng 480 ngàn (bớt hai chục ngàn). Vì thiếu tiền, tôi phải đặt cọc 50 ngàn. Tối hôm đó, đưa đủ tiền, tôi mua được bản in bài hát Hận Ô giang (tác giả: Văn Cao – Nhà xuất bản Cửu Long – phố Pavie – Hải Dương).
Bản in bài hát “Hận Ô giang” của NXB Cửu Long – phố Pavie
– Hải Dương

Cũng năm 1987, nhạc sĩ Văn Cao vào thăm TP Hồ Chí Minh. Trong dịp này, ông đã đến dự một tối biểu diễn lần đầu tiên các ca khúc của ông kể từ sau ngày giải phóng Sài Gòn. Tối đó, Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Diệp Minh Tuyền,... đều có mặt. Sắp tới giờ biểu diễn, Diệp Minh Tuyền ra cửa (sát hè) đón Văn Cao và trân trọng đưa Văn Cao vào ghế ngồi. Lúc đó, khán giả đã đến rất đông.

Trong khi chờ khai mạc, tôi len qua các dãy ghế khán giả, tranh thủ nói với Văn Cao, đại ý : Mới tìm thấy bài hát Hận Ô giang của Văn Cao, vậy tôi xin gặp ông vào một lúc nào đó trong thời gian ông ở thành phố Hồ Chí Minh để hỏi về nhạc phẩm này.

Văn Cao nắm tay tôi, trả lời vắn tắt: Tôi (tức Văn Cao) không phải là tác giả nhạc hoặc lời Hận Ô giang mặc dầu tôi đã từng biết bài hát ấy từ năm 1946. Mấy hôm nay, ở thăm Sài Gòn, tôi không thể tiếp anh được vì vô cùng bận rộn theo kế hoạch đã định.

Một buổi chiều, khoảng tháng 7-1994, nhân dịp từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, tôi (tức Nhật Hoa Khanh) đến nhà Văn Cao. Chị Nghiêm Thúy Băng (tức chị Văn Cao) chỉ tiếp tôi mấy phút.

Tôi nói với chị cho gặp nhạc sĩ Văn Cao để hỏi kỹ về vấn đề ca khúc Hận Ô giang có phải của Văn Cao hay không. Chị Thuý Băng trả lời luôn, đại ý: Nhà tôi không thể tiếp anh được vì đang chuẩn bị đi dự một cuộc gặp mặt chiều nay với khách nước ngoài. Vả lại, Văn Cao rất yếu, tôi phải mặc quần áo cho ông ấy. Còn về Hận Ô giang, tôi khẳng định ngay: không phải do nhà tôi sáng tác. Trong các nhạc phẩm của Văn Cao, không hề có Hận Ô giang. Nhà tôi chưa bao giờ sáng tác nhạc về đề tài lịch sử Trung Hoa cổ đại. Thôi nhé, anh vui lòng đến đây vào dịp khác; tôi phải vào chuẩn bị cho ông Văn Cao.

Nói xong, chị Thuý Băng lịch sự tiễn tôi ra tận cửa phòng khách.
***
 
Chín năm sau, vào ngày mồng 8 tháng 10-2003, 8h sáng, theo hẹn, tôi có mặt tại nhà riêng GS nhạc sĩ Tô Vũ (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Trong buổi gặp, tôi hỏi nhạc sĩ Tô Vũ một số vấn đề âm nhạc Việt Nam trong đó có vấn đề tác giả Hận Ô giang lời và nhạc.

Tác giả Nguyễn Quý Đôn
Giáo sư cho biết: Hận Ô giang còn gọi là Tiếng địch sông Ô. Ca khúc này do Nguyễn Quý Đôn viết cả nhạc lẫn lời. Nguyễn Quý Đôn là anh ruột Nguyễn Quý Lệ. Nguyễn Quý Lệ vốn là sinh viên trường Đại học Nhân dân Hà Nội (khóa 1954 – 1955) và sau này, công tác tại Tạp chí Cộng Sản (tạp chí lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam). Quen cả hai anh em, tôi (tức Tô Vũ) chưa gặp anh Nguyễn Quý Lệ từ khoảng năm 1960 đến nay (2003) và không rõ Lệ hiện ở đâu.

Tôi hỏi nhạc sĩ Tô Vũ: Thưa anh, có người nói rằng hình như tác giả lời và nhạc Hận Ô giang là Hàn Thái Lang. Ngoài ra, một nhà nghiên cứu kiêm một nhạc sĩ, gần đây, đã khẳng định: Chính Văn Cao là tác giả Hận Ô giang cả nhạc lẫn lời. Thực hư thế nào, xin GS cho biết.

Vị GS nhạc sĩ sinh năm 1923 Tô Vũ sôi nổi kể cặn kẽ như sau:

Hàn Thái Lang không sáng tác nhạc mà cũng không đặt lời bài Hận Ô giang. Hàn Thái Lang chỉ đặt lời cho một số bài hát của người khác và nếu sáng tác thì ông chỉ sáng tác vài ba bài không nổi tiếng mà thôi.

Tô Vũ nhấn mạnh: Văn Cao cũng không hề sáng tác lời hoặc nhạc Hận Ô giang. Vậy bài hát Hận Ô giang (tức Tiếng địch sông Ô), Tô Vũ nói tiếp, do ai viết lời và nhạc? GS khẳng định: Hận Ô giang, nhạc và lời đều của Nguyễn Quý Đôn. Nguyễn Quý Đôn là liệt sĩ quân đội thời chống Pháp.

Vì sao tôi lại nói như vậy? Cần phải trở về thời điểm tháng 12-1946. Tô Vũ tiếp tục sôi nổi kể:

Khoảng đầu tháng 12-1946, đoàn nghệ thuật Sao Vàng đến biểu diễn tuyên truyền tại một trong những xã Tứ Nghi, Câu Thượng, Câu Trung và Câu Hạ (thuộc huyện An Lão, tỉnh Kiến An).

Bí thư Việt Minh (tức bí thư Đảng) xã An Lão hồi ấy là Tô Duy (sau này, Tô Duy là Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Chính phủ). Người phụ trách chúng tôi trong công tác tuyên truyền hồi ấy là Nguyễn Văn Hán (tức Phan Hiền, sau này là Thứ trưởng Bộ Văn hóa). Phan Hiền giao cho tôi việc tổ chức các buổi biểu diễn trong dịp đó của đoàn Sao Vàng.

Tôi (tức Tô Vũ) bắt đầu tham gia kháng chiến chống Pháp tại quê hương Hải Phòng từ 19-11-1946, ngày đầu tiên nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp của Hải Phòng (trước cuộc kháng chiến toàn quốc đúng một tháng). Chính Phan Hiền đã lôi cuốn tôi vào con đường cách mạng (vì anh là bạn của Hoàng Quý, anh ruột tôi.

Đoàn trưởng đoàn Sao Vàng là Đỗ Nhuận. Bốn đoàn viên chính: Đỗ Minh (lúc đó, Đỗ Minh chỉ hát đồng ca, sau này là tác giả lời và nhạc bài hát Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam) ; Đỗ Lạc (sau này lấy bút danh Cẩm Phong, sáng tác Người lái đò trên sông Pô Cô, lúc đó chưa đi vào sáng tác, chỉ chuyên chơi accordion) ; Đỗ Hải (hiện sống ở California, hồi ấy là ca sĩ nổi tiếng, thường hát Văn Cao với Trương Chi là bài tủ) và Đỗ Nhuận (chuyên sáo và violin).

Đoàn Sao Vàng đến An Lão dịp ấy còn hai đoàn viên nữa: Nguyễn Quý Đôn (chuyên guitar) và Nguyễn Đức Toàn (lúc đó chuyên guitar và sau này, là tác giả ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu). Trong buổi biểu diễn nói trên, Nguyễn Quý Đôn và Đỗ Hải là hai người hát chính.

Như vậy, đoàn Sao Vàng trong chuyến đi biểu diễn tuyên truyền có sáu người gồm năm là đoàn viên và một là trưởng đoàn.

Đỗ Nhuận giới thiệu Đỗ Hải hát Trương Chi (lời và nhạc: Văn Cao) và một số bài nữa. Đỗ Hải hát rất hay tất cả mấy bài đó.

Sau đó, Đỗ Nhuận giới thiệu Nguyễn Đức Toàn hát Thằng thực dân (sáng tác của Nguyễn Đức Toàn, cả lời dẫn nhạc). Thằng thực dân viết về đề tài thiếu nhi chống giặc Pháp.

Nguyễn Đức Toàn hát xong, Đỗ Nhuận nói rất rõ: Tôi xin giới thiệu anh Nguyễn Quý Đôn tự trình bày một bản nhạc mang tên Tiếng địch sông Ô (tức Hận Ô giang) do chính Nguyễn Quý Đôn sáng tác cả nhạc lẫn lời. Lời dựa theo bài thơ nổi tiếng Tiếng địch sông Ô của Phạm Huy Thông.

Đỗ Nhuận vừa giới thiệu xong, Nguyễn Quý Đôn lên hát luôn bài đó. Trước khi hát, Nguyễn Quý Đôn không cải chính gì.

Đến đây, tôi (tức Tô Vũ) muốn nhấn mạnh: Tiếng địch sông Ô (tức Hận Ô giang) hồi đầu kháng chiến chống Pháp khá nổi tiếng ở cả vùng kháng chiến (tức vùng tự do) lẫn vùng tạm chiếm (nhất là Hà Nội). Nguyễn Quý Đôn sáng tác phần nhạc; còn phần lời, anh dựa vào trường ca Tiếng địch sông Ô của Phạm Huy Thông.

GS Tô Vũ nói tiếp: trong buổi biểu diễn nói trên, Đỗ Nhuận tự hát một loạt bài do anh sáng tác cả nhạc lẫn lời: Chiều tù, Hận Sơn La, Côn Đảo, Nhớ chiến khu và Tiếng súng Nam Bộ. (Tiếng súng Nam Bộ, Đỗ Nhuận viết ngay sau khi cuộc kháng chiến Nam Bộ nổ ra cuối tháng 9-1945). Đỗ Lạc đệm accordion cho Đỗ Nhuận hát cả 5 bài ấy.

Nhạc sĩ Tô Vũ nói thêm: Anh nên đến gặp các nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Đỗ Lạc tức Cẩm Phong (hiện nay, 2001, đều ở Hà Nội) , Đỗ Minh (hiện ở Thái Nguyên) và nếu có thể, nên tìm cách liên lạc với anh Đỗ Hải (hiện ở California) để hỏi thêm về vấn đề này.
 
* * *
Đến đây, GS nhạc sĩ Tô Vũ đi vào phần kết luận.

Nguyên văn lời kết luận như sau:

“ Rõ ràng, Tiếng địch sông Ô (tức Hận Ô giang) là ca khúc do Nguyễn Quý Đôn sáng tác phần nhạc, còn phần lời lấy từ ý thơ trong bài Tiếng địch sông Ô của Phạm Huy Thông, chứ Văn Cao không hề sáng tác nhạc hoặc lời ca khúc này. Nét nhạc và lời ca khúc này xa lạ với nét nhạc và lời trong tất cả các ca khúc khác của Văn Cao. Chị Nghiêm Thuý Băng (tức chị Văn Cao) cũng xác nhận như vậy”.

Quá 12 gi trưa (ngày mồng 8 tháng 10-2003), GS nhạc sĩ Tô Vũ đọc rất kỹ bản ghi của tôi (tức Nhật Hoa Khanh) về cuộc trò chuyện suốt từ sáng đến lúc đó; rồi ông trực tiếp viết bổ sung một vài câu vào bản ghi. Sau đó, GS cẩn thận yêu cầu tôi chép lại đoạn kết luận của ông về tác giả lời và nhạc Tiếng địch sông Ô (tức Hận Ô giang) thành một trang riêng.

Cuối cùng, GS Tô Vũ ký và ghi rõ họ tên vào từng trang (kể cả trang chép lại kết luận của ông về tác giả Hận Ô giang lời và nhạc).

Vị GS nhạc sĩ sinh năm 1923 tiễn tôi ra cửa. Giữa trưa thu Sài Gòn, mái tóc trắng xóa của ông bay bay trước gió. Siết chặt tay tôi, ông hẹn ngày tháng gặp nhau lần sau để tiếp tục cuộc trò chuyện kéo dài về nhiều vấn đề âm nhạc trước đây của đất nước.
 
Nhật Hoa Khanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm