21/11/2013 14:22 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Giá trị văn chương, đã đành! Nhưng còn là ý nghĩa thời sự của câu chuyện từng được nhà văn, nhà báo Lại Văn Long kể cách đây 23 năm, từng mang về cho anh giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ những năm đầu “đổi mới” đã thúc tôi tìm gặp lại anh. Và cây bút từng được vinh danh, cũng như từng lặng lẽ biến mất khỏi văn đàn như chưa từng gây nổi sóng ấy đã nhiệt thành tiếp chuyện, mà không phải để nói về mình…
Phải, thời gian đã phủ lên một lớp bụi mờ, nhưng cũng đã “bù đắp” cho chủ nhân giải thưởng văn chương năm xưa (vào thời mà văn chương còn “có giá”) hơn 20 giải báo chí, vì những quyết liệt của Lại Văn Long - nhà báo (báo Công an TP.HCM) trên những nẻo đường tìm đến sự thật. Tác giả Kẻ sát nhân lương thiện (KSNLT), sau 23 năm, vì thế, đã có với chúng tôi một câu chuyện chứa đựng bao trăn trở về thế sự…
Lại Văn Long ở thời điểm viết KSNLT
* KSNLT, ngay thời điểm ra đời, đã được đánh giá ở giá trị cảnh báo. Kể từ bấy đến nay, không ít chuyện xảy ra đã cho thấy lời cảnh báo ấy cần được lắng nghe hơn bao giờ hết. Xét trên góc độ văn chương, chắc hẳn anh vui?
- Như chị cũng biết, KSNLT, sau khi được giải, từng gây ra những dư luận trái chiều. Và tận đến sau này, truyện ngắn ấy của tôi thỉnh thoảng lại được nhắc lại, hay được dùng cho tiêu đề của một bài báo, vì một câu chuyện gợi liên tưởng nào đó…
Trước những chuyện đời thực tế như vậy, thật lòng tôi không hề vui. Ngược lại càng buồn, nỗi buồn sâu xa. Nhân vật trong truyện của tôi “nổ súng vào sự đè nén truyền kiếp”, thực hiện đấu tranh giai cấp lần cuối cùng bằng bạo lực. Đây là vấn đề mà hầu hết sinh viên thế hệ chúng tôi và trước đó đều được giáo dục qua các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng. Còn những hung thủ trong các vụ án gợi liên tưởng ở đây tuy cũng nêu lý do uất ức là vì bị đối xử không công bằng mà manh động, nhưng không thể coi đó là “đấu tranh giai cấp” như nhân vật của tôi. Tôi không ủng hộ những hành động như vậy.
* Oscar từng vinh danh bộ phim Không có đất dành cho người già. Có thể gọi truyện ngắn của anh bằng một cái tên khác: “Không có đất dành cho người…. nghèo”?
- Tôi chưa coi bộ phim đó, nhưng lúc viết KSNLT, hình như tôi đã nghĩ na ná như vậy. Nhưng đó là chuyện của 23 năm trước. Từ đó đến nay, đất nước ta đã thay đổi rất nhiều. Hồi xưa đói khổ nên ai cũng mong… mập. Còn bây giờ ăn uống thoải mái thì người ta lại sợ mập. Chỉ tâm lý phổ biến đó thôi đủ thấy giá trị của cuộc sống hôm nay. Hàng triệu người đã thoát nghèo trong quá trình đất nước đổi mới, hội nhập. Tôi cũng đi hơn chục nước và thấy cuộc sống của phần lớn dân mình hiện tại không có gì phải mặc cảm với các nước hàng xóm. So với thời bao cấp và ngày đầu đổi mới, chúng ta đã rất thành công trong cơ chế mới. Đó là thành tựu lớn lao không thể phủ nhận. Tất nhiên ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn còn những ngôi làng nghèo, còn những gia đình nghèo. Nhưng cái đáng quý là cả xã hội luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ. “Không có đất dành cho người nghèo” nếu có cũng chỉ là hiện tượng đang thu hẹp dần trong quá trình phát triển kinh tế và lương tâm của cộng đồng.
“Cái được và cái mất vốn luôn đi kèm sát con người trong mọi hoàn cảnh. Cần phải ứng xử cho bình tĩnh và thông minh, chúng ta mới tránh được nguy cơ mất tất cả…” (Nhận định của báo Quân đội Nhân dân, số ra ngày 2.5.1992 về truyện ngắn KSNLT)
* Không ít vụ việc oan sai hay bị cho là manh động gần đây là xảy ra ở nông thôn và rơi vào những đối tượng bị cho là “ít học” và ít am hiểu pháp luật. Theo anh, đó có phải là một phần nguyên nhân dẫn đến những hành động bột phát, thiếu chín chắn?
- Nếu nói người “ít học” thường manh động là oan cho những người không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Nói như thế cũng là xúc phạm người nghèo. Theo tôi, cơ chế gây ra những phản kháng dẫn đến tội ác không phải vì học nhiều hay học ít. Nó xuất phát từ bản chất ở mỗi người, bản chất đó được hình thành từ điều kiện sống, điều kiện thụ hưởng giáo dục để hình thành nên sinh lý và tâm lý. Một người với bản tính nhút nhát thì dù “không có chữ” vẫn rất khó cầm dao đâm người khác. Ngược lại như vụ “ném xác” ở thẩm mỹ viện Cát Tường, hung thủ học đến bác sĩ, thạc sĩ nhưng vẫn ra tay rất tàn nhẫn đó thôi! Hơn 10 năm trước ở TP.HCM cũng từng có một kiến trúc sư sát hại rồi phanh thây người tình… Cả hai trường hợp này đều là người trí thức, hiểu biết pháp luật, nhưng trong vô thức đã có mầm mống ác.
* Thế nhưng, vụ án oan 10 năm tại Bắc Giang vừa qua, chẳng hạn, lại cho thấy: Nhà báo - người sở hữu trong tay “quyền lực thứ tư”, từng đưa vụ việc này ra công luận cách đây 7 năm, lại thua… một bà nông dân không biết chữ, không am tường pháp luật (vợ ông Chấn) trên hành trình đưa sự thật ra ánh sáng. Với cương vị một nhà báo thuộc ngành công an, anh thấy buồn hay… xấu hổ?
- Nói thế tôi e là chưa đầy đủ. Theo tôi, việc kêu oan của vợ ông Chấn đã may mắn gặp được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên mới có kết quả thành công như vậy. Tôi nhớ khoảng 10 năm trước ở Bình Thuận cũng từng có “vụ án vườn điều”, với một gia đình gồm nhiều người đã bị đi tù suốt 12 năm trước khi sự việc được làm sáng tỏ. Ở Đồng Nai năm 1998 cũng có vụ Bùi Minh Hải bị khép tội giết người, kết án chung thân, sau đó hung thủ thật sự ra đầu thú… Nhưng cả hai vụ án này đều không “tạo được tiếng vang” như vụ ông Chấn. Tại sao? Theo tôi vì hai vụ trên được phát hiện trong thời kỳ chưa hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như vụ ông Chấn (đúng lúc đang diễn ra kỳ họp Quốc hội và được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra tại nghị trường). Từ đó vấn đề nhanh chóng được quan tâm ở “cấp độ quốc gia” và tạo dư luận mạnh mẽ trong xã hội.
* Hơn 20 năm làm báo đã cho anh không ít cơ hội tiếp xúc với nông thôn và người nghèo. Điều gì đang diễn ra ở nông thôn lúc này, theo anh?
- Nông thôn của ta đang phát triển từng ngày, có nơi nhanh, nơi chậm, nhưng đều đang cố gắng bứt phá khỏi đói nghèo. Ở nông thôn có nhiều cái mới tồn tại cùng những biểu hiện lạc hậu, trì trệ. Nhưng đó là quy luật phát triển, không thể nóng vội được. Đã có quốc gia từng muốn đưa nông thôn “đại nhảy vọt” và phải trả giá đau đớn suốt hàng chục năm sau đó.
* Xã hội càng phức tạp, càng cần đến những “ca đại phẫu” của tiểu thuyết hay ít ra, là những loạt phóng sự điều tra, hơn là một “ca tiểu phẫu”: một bài thơ hay một truyện ngắn. Thế nhưng với trường hợp của anh thì hình như ngược lại: Truyện ngắn KSNLT lại có sức “công phá” hơn nhiều so với cuốn tiểu thuyết mà anh cho ra đời cách đây chưa lâu?
- Như đã nói, trăm sự cũng là bởi “thiên thời, địa lợi…” - điều mà những tác phẩm sau này của tôi đã không có được, dù được đầu tư kỹ hơn, được bạn bè đánh giá khá hơn. Nhưng điều đó không làm tôi buồn hay nao núng vì nếu như chúng thực sự có giá trị, thì sớm muộn gì cũng được biết đến. Nếu tôi bất tài nhưng cố lợi dụng những vấn đề ngoài văn chương để lăng-xê tác phẩm của mình, không trước thì sau, người đọc cũng sẽ nhận ra và quay lưng.
* 23 năm sau KSNLT, vẫn còn đó không ít những KSNLT - phần nào đó là cơ hội để… kéo dài tuổi thọ tác phẩm văn chương của anh. Có mâu thuẫn không giữa những điều anh mong mỏi, cho mình và cho cuộc sống?
- Tuổi thọ của tác phẩm không phụ thuộc vào mong muốn của tác giả. Nếu sau khi tác phẩm ra đời, những cảnh báo trong tác phẩm được hiện thực cuộc sống chứng minh thì đó là thành công của tác giả. Nhưng chưa chắc tác giả đã vui mừng vì điều đó. Nếu như không muốn nói, tác giả KSNLT đã có lúc cảm thấy lạnh người rồi bàng hoàng khi bắt gặp một câu chuyện quá giống câu chuyện tôi từng kể. Chẳng hạn như câu chuyện về Đặng Ngọc Viết. Hình ảnh đó và hoàn cảnh của thủ phạm khá giống với nhân vật trong truyện của tôi. Tôi đã cho nhân vật hành động như vậy khi mới 25, 26 tuổi - cái tuổi thiếu kiềm chế và thường buông thả theo cảm xúc. Còn bây giờ, tôi được cộng thêm 23 năm nếm trải vui, buồn cuộc đời, suy nghĩ chắc chắn không giống như lúc còn tuổi thanh niên. Tôi không háo hức hay vui mừng khi thấy ai đó hành động như nhân vật văn học của mình. Tôi thầm cầu trời Đặng Ngọc Viết chưa đọc tác phẩm của tôi. Tôi mong điều ác không xảy ra với bất cứ ai, tôi mong cuộc sống thanh bình…
Vài nét về Kẻ sát nhân lương thiện Lấy bối cảnh xã hội VN những năm sau giải phóng với bề bộn những đóng - mở, được - mất…, truyện ngắn KSNLT được bắt đầu từ cái tứ “Con vua thì lại làm vua - Con sãi ở chùa lại quét lá đa”, để lý giải nguồn cơn một phát súng vang lên cuối truyện. Một phát súng bất ngờ nhưng thực ra là được báo trước khi nhân danh một người bị đè nén bắn vào một “nỗi nhục truyền kiếp”. “Tài năng của Lại Văn Long chính là ở chỗ anh đã tạo ra được một liều thuốc mạnh và dám thẳng tay dốc vào miệng chúng ta…” - đánh giá của báo Văn Nghệ dành cho giải Nhất văn chương năm ấy. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất