01/12/2012 14:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tác giả Nhật Bản Abe Masayuki tới Việt Nam làm việc từ cách đây 25 năm. Nhưng xa hơn thế, mảnh đất này còn là một cơ duyên thú vị với ông – khi hơn 40 năm trước, những cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam là lý do khiến Abe bị giam giữ suốt một năm trời.
Tác giả Abe |
1. “Những trường hợp như của tôi không phải là cá biệt. Bởi, cuối thập niên 1960, Nhật Bản dấy lên cả một làn sóng phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại VN” - Abe nói và cười. “3 năm đầu của thời sinh viên, tôi cũng liên tục trốn học để theo chân họ. Tùy túi tiền, cũng có lúc chúng tôi rời Tokyo, tìm tới các thành phố Kyoto, Osaka... để vận động các thanh niên khác hưởng ứng mình”.
Việc học hành của Abe chấm dứt, khi ông đang là sinh viên năm cuối khoa Luật, Đại học Waseda. Như ông kể, đó là năm 1969. Thu hút hơn 100.000 người, một cuộc biểu tình lớn diễn ra trước cửa Đại sứ quán Mỹ, Cục phòng vệ, trụ sở Đảng tự do dân chủ Nhật Bản... rồi lan rộng trong nhiều ngày. Là một trong những thành viên tích cực nhất, Abe bị bắt giữ và giam trong gần 12 tháng.
“Ở cuộc biểu tình, tôi bị cảnh sát đánh rất đau” - Abe chỉ vào một vết sẹo ở đầu. “Rồi những tháng trong nhà giam sau đó là quãng thời gian để tôi suy nghĩ về việc mình vừa làm. Không, tôi không hối hận chút nào. Khi đó, tôi chưa hiểu nhiều về Việt Nam. Qua báo chí, tôi chỉ biết rằng đó là một vùng đất nhỏ và thường xuyên hứng chịu những đợt bom khủng khiếp của quân đội Mỹ. Với câu chuyện đó, hẳn ai cũng hiểu: hầu hết những công dân Nhật Bản đều cảm thấy đau đớn và đồng cảm khi nhớ lại những gì từng xảy ra trên đất nước mình”.
Abe ra tù, bỏ dở việc học ĐH và bắt đầu làm việc trong lĩnh vực điện ảnh. Ông nói, dù chiến tranh chấm dứt, khái niệm Việt Nam vẫn nằm lại trong ông như biểu trưng về một đất nước chịu nhiều bất công và cần được bảo vệ - nếu bạn là người có lương tri.
Rồi thời gian trôi đi, Abe theo học về một ngành nghề mới và trở thành giảng viên ĐH về công nghệ Nano.
Ý tưởng thăm Việt Nam, vùng đất gắn với câu chuyện thời sinh viên của mình, được Abe nhen nhóm và trở thành hiện thực vào năm 1993 – khi ông sang đây để tham gia xây dựng hai tòa cao ốc.
“Nói thêm nhé, tôi cũng không tiếc vì việc phải bỏ dở ngành Luật sau khi bị bắt giam”- Abe lại cười - “Thông thường, những ngã rẽ như vậy sẽ buộc người ta chọn cho mình những con đường mới. Mà tôi thì hoàn toàn hài lòng với công việc hiện tại ở VN”.
2. Từ 1993 tới nay, Abe liên tục qua lại giữa VN và Nhật Bản. Như ông nói, đó là một quãng thời gian đủ để chứng kiến rất nhiều đổi thay - kể từ khi đường phố Hà Nội còn vắng vẻ và có nhiều xe đạp cho tới lúc “quá tải” như hiện giờ.
“Tôi làm việc trong lĩnh vực tuyển chọn lưu học sinh VN, theo một đề án được Chính phủ Nhật Bản đưa ra. Mà tri thức của các bạn trẻ thì luôn gắn với văn hóa đọc, điều khiến tôi tới dự cuộc hội thảo này” – ông tâm sự.
Abe kí tặng sách của ông cho độc giả tại Hội thảo
Làm việc trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục, Abe tỏ ra khá ngạc nhiên trước việc một số sinh viên VN từng hỏi ông nên đọc sách gì và đọc theo cách nào: Tôi cứ tưởng, với người làm việc bằng chất xám, đọc sách là một nhu cầu tự nhiên, giống như hít thở bằng khí trời chứ?
“Tôi nghĩ, Việt Nam có một nền văn hóa đọc không mạnh. Đó là một điều đáng lo trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển như hiện nay”. Đánh giá cao sự thông minh của thanh niên Việt Nam, Abe vẫn chia sẻ thẳng thắn với TT&VH: “Thực tế cho thấy, các nước có văn hóa đọc lâu đời sẽ biết tận dụng công nghệ để phục vụ tốt hơn cho việc đọc sách của mình. Ngược lại, nếu đã sẵn thiếu quan tâm tới sách, người ta rất dễ chạy theo những tiện ích khác của công nghệ thông tin, từ đó tiếp tục xa dần văn hóa đọc”.
Theo nhận xét của Abe, sự bùng nổ của công nghệ giải trí cũng dẫn tới cơn khủng hoảng văn hóa đọc ở rất nhiều nước. “Tại Nhật Bản, trên những chuyến tàu điện ngầm, bạn sẽ thấy một cảnh tượng phổ biến: những người ở độ tuổi trên 40 thì giết thời gian bằng cuốn sách trên tay, còn lớp trẻ chỉ giải trí với những thiết bị trò chơi điện tử. Để thay đổi, chúng tôi chỉ có thể ra sức động viên các ông bố, bà mẹ trẻ hãy giúp con mình tiếp cận với thói quen đọc sách từ khi còn ít tuổi. Có nghĩa, để cải thiện văn hóa đọc, phải có sự kiên nhẫn tuyệt đối để chờ một lớp công dân mới lớn dần. Các bạn đã nghĩ đến và chuẩn bị cho một công việc đòi hỏi quãng thời gian dài như vậy chưa?”
Chiêu Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất