Thổ Nhĩ Kỳ đưa chiến đấu cơ tới biên giới Syria

02/07/2012 08:31 GMT+7 | Trong nước


Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1-7 thông báo đã triển khai sáu máy bay chiến đấu F-16 tới khu vực biên giới với Syria, sau khi phát hiện trực thăng Syria bay gần biên giới.

Thông báo cho biết các máy bay chiến đấu được phái đến biên giới để phản ứng hành động trực thăng Syria ba lần bay gần biên giới, mặc dù không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Press TV

Theo thông báo, bốn máy bay chiến đấu xuất kích từ căn cứ không quân ở tỉnh Incirlik miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi phát hiện trực thăng Syria hai lần bay gần tỉnh Hatay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, thêm hai chiếc F-16 rời căn cứ ở tỉnh Batman (đông nam Thổ Nhĩ Kỳ) để bay đến tỉnh Mardin sau khi phát hiện các trực thăng Syria lảng vảng ở đây.

Tỉnh Hatay, Mardin và Batman là ba tỉnh ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các máy bay chiến đấu bay cách biên giới 6,5km.

Giữa tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai bệ phóng tên lửa và súng bắn hạ máy bay dọc khu vực biên giới, sau khi thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối phó với bất kỳ sự tiếp cận quân sự nào của Syria tới gần khu biên giới như mối đe dọa.

Hội nghị quốc tế Geveva thất bại

Cả phe đối lập và truyền thông nhà nước Syria ngày 1-7 đều gọi kế hoạch quốc tế cho giai đoạn chuyển tiếp ở Syria đã thất bại, sau khi hội nghị khẩn cấp về Syria đạt được sự đồng thuận thành phần chính phủ chuyển tiếp nhưng vẫn bất đồng về vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad.

Đây là dịp hiếm hoi mà cả hai phe thân chính phủ và đối lập ở Syria đồng thuận cùng một vấn đề.

Khung cảnh đổ nát sau vụ pháo kích tại quận Juret al-Shayah, một trong những điểm nóng của giao tranh ở thành phố Homs, Syria ngày 1-7-2012 - Ảnh: Reuters

Tờ báo Al-Baath của đảng cầm quyền gọi hội nghị ở Geneva “giống như cuộc họp mở rộng của Hội đồng bảo an, khi mà quan điểm của các nước tham dự chẳng có gì thay đổi”.

Còn nhóm đối lập Hội đồng dân tộc Syria (SNC) thì bày tỏ thất vọng vì đã trông đợi “nhiều hành động hiệu quả và nghiêm túc” từ hội nghị. Tổ chức này cho rằng thỏa thuận đạt được ở hội nghị Geneva “thiếu một cơ chế hành động rõ ràng cũng như một khung thời gian thực hiện”.

Nữ phát ngôn viên của SNC thừa nhận kế hoạch chuyển tiếp có một số “yếu tố tích cực” nhưng “những điều khoản quan trọng thì quá mơ hồ”.

Sau cuộc họp ngày 1-7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius khẳng định thỏa thuận đạt được về quá trình chuyển giao chính trị ở Syria có nghĩa là Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực.

Cả hai ngoại trưởng đều tuyên bố sẽ thúc đẩy việc yêu cầu Hội đồng bảo an giám sát việc thực hiện kế hoạch này theo Chương 7 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhằm dọn đường cho những lệnh trừng phạt hoặc can thiệp quân sự nếu thỏa thuận không được thi hành.

Theo Tuổi Trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm