16/11/2012 15:17 GMT+7 | Trong nước
Sinh năm 1971 ở Dallas, Lance Armstrong có niềm đam mê thể thao như đa số người Mỹ khác. Anh bắt đầu sự nghiệp thể thao nhà nghề ở môn bơi lội và đoạt giải 4 thể loại bơi tự do 1.500m ở Texas khi mới 12 tuổi.
Một năm sau, anh đoạt giải 3 cuộc thi tài năng ba môn phối hợp dành cho thiếu niên có tên Iron Kids Triathlon. Năm 1987-1988, Lance Armstrong xếp vị trí số 1 trong cuộc thi dành cho vận động viên U-19.
Bệnh nhân ung thư 25 tuổi
Các giải thưởng liên tục đến với anh sau đó. Năm 1996 anh ký hợp đồng hai năm trị giá 2 triệu USD với đội đua xe Cofidis Pháp.
Nhưng hai tháng sau đó, tháng 10-1996, anh bị chẩn đoán ung thư tinh hoàn giai đoạn 3, khi mới 25 tuổi, tuổi rực rỡ nhất. Tế bào ung thư khi đó đã ra phổi, bụng và não của Lance Armstrong. Khi lần đầu tiên đi gặp bác sĩ để điều trị, anh bị ho ra máu, các khối u đã lớn và rất đau đớn. Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn khẩn cấp, và nhiều đợt hóa trị sau đó đã cứu mạng anh dù bác sĩ từng nói anh chỉ có chưa tới 40% cơ hội sống sót.
Đợt điều trị đầu tiên anh thực hiện ở Trung tâm dược thuộc ĐH Indiana, nơi GS dược Lawrence Einhorn là người tiên phong dùng cisplatinum trong điều trị ung thư tinh hoàn. Scott A. Shapiro thuộc khoa phẫu thuật thần kinh ĐH Indiana phát hiện những khối u trên não của anh có hiện tượng chết hoại lan rộng. Shapiro phải thuyết phục Lance Armstrong để ông trở thành người phẫu thuật cho anh. “Vì tôi cũng giỏi phẫu thuật não tương tự như anh giỏi đua xe vậy” - ông nói.
Chiếc vòng tay bằng nhựa, với dòng chữ “Hãy sống mạnh mẽ”, đã gắn liền với tên tuổi Armstrong - Ảnh: Deviantart |
Ngày 13-12-1996, Lance Armstrong hóa trị đợt cuối cùng. Tháng 1-1997, anh tuyên bố hết ung thư, nhưng ít lâu sau đó hợp đồng của anh với đội Cofidis bị dừng lại. Sếp cũ của anh tại Subaru Montgomery đã ra tay cứu anh bằng một hợp đồng với đội Bưu điện Mỹ, mức lương 200.000 USD/năm. Tháng 1-1998, anh chú tâm tập luyện để tham gia đua, chuyển tới châu Âu với toàn đội. Một năm sau, anh bắt đầu đứng lên ngôi vị cao nhất của cuộc đua Vòng quanh nước Pháp (Tour de France), và hằng năm từ đó tới năm 2005, anh mang về chiếc áo vàng dành cho tay đua có tổng số thời gian ngắn nhất, một kỷ lục đến nay chưa từng bị phá vỡ.
Lance Armstrong là người đã cách mạng hóa tài trợ trong lĩnh vực đua xe đạp, khi yêu cầu những nhà tài trợ đóng góp và hành động như một phần của đội tuyển, thay vì tách rời như trước đây. Tới năm 2012, tài sản của Lance Armstrong là 125 triệu USD, hầu hết nhờ là đại diện gương mặt của các hãng lớn như Nike và Anheuser - Busch.
Chiếc vòng Livestrong và tấm gương Armstrong
Cùng với tài năng, Lance Armstrong còn nổi tiếng bởi những nỗ lực anh làm vì những bệnh nhân ung thư. Anh đã sử dụng thương hiệu cá nhân của mình quyên góp hàng nửa tỉ USD cho công trình nghiên cứu điều trị ung thư - căn bệnh mà loài người vẫn đang vật lộn để chống đỡ. Năm 1997, Armstrong thành lập Quỹ Lance Armstrong, giúp nâng cao nhận thức của thế giới về bệnh ung thư.
Anh chinh phục nước Pháp với bảy chiếc áo vàng, và chiếc vòng nhựa ghi dòng chữ “Livestrong - Sống mạnh mẽ” của anh chinh phục phần còn lại của thế giới. Riêng chiếc vòng đã giúp anh quyên được hơn 325 triệu USD để cho vào quỹ nghiên cứu. 10 năm sau đó, anh cùng với các vận động viên hàng đầu khác của thế giới lập ra Quỹ Athletes for Hope (Vận động viên cho hi vọng) giúp đưa các vận động viên nhà nghề khác cùng tham gia các công việc thiện nguyện, và cũng gợi cảm hứng cho những người không phải vận động viên làm công việc tình nguyện và hỗ trợ cộng đồng.
Lance Armstrong còn là đồng chủ tịch Ủy ban chiến dịch California để vận động thông qua Luật nghiên cứu ung thư California. Dù chưa được thông qua vào giữa năm 2012 như kế hoạch, luật này nhằm đạt được hơn 500 triệu USD hằng năm để nghiên cứu ung thư, các chương trình cai thuốc lá, thắt chặt luật chống thuốc lá.
Những ảnh hưởng mà Lance Armstrong tạo ra rất lớn lao, anh trở thành hình mẫu, đem lại niềm hi vọng cho biết bao người bệnh. Lấy ví dụ: Rick Powers - giảng viên cao cấp tại ĐH Quản lý Rotman ở Toronto (Canada) - phải trải qua phẫu thuật cách nay năm năm. Dù không nguy đến tính mạng, cũng không phải ung thư, nhưng Powers nghĩ tới thời gian dài phục hồi trước mắt mà kinh hãi. Anh cần một tấm gương gây cảm hứng để anh vượt qua những khó khăn đó. Chiếc vòng Livestrong đã trở thành vật bất ly thân.
“Chiếc vòng tay là biểu tượng cho thấy tôi có thể khỏe mạnh trở lại. Nó là động cơ lớn”. Thế giới có biết bao bệnh nhân ung thư là có bấy nhiêu niềm kỳ vọng vào hình mẫu của Lance Armstrong và những nghiên cứu thuộc Quỹ Lance Armstrong.
Lance Armstrong, một người đàn ông chứ không phải thế lực bí ẩn, đã tạo ra thay đổi cho thế giới. Có bao nhiêu siêu sao thể thao có thể được vinh danh như vậy? Lance Armstrong gắn liền với câu chuyện của lòng dũng cảm, thành tích vượt trội trong đua xe, đam mê, tài năng, chăm chỉ tập luyện và cả những cáo buộc dùng doping.
“Tôi rất tiếc là các bạn không tin vào những điều kỳ diệu...Chẳng có gì là bí mật cả. (Tour de France) là sự kiện thể thao, và chỉ có lao động miệt mài mới đem về chiến thắng” - Lance Armstrong từng nói như vậy.
Nhưng thực tế Lance Armstrong của những điều kỳ diệu trong sự nghiệp chưa từng tồn tại. Hình ảnh tuyệt mỹ mà anh tạo ra chỉ là ảo ảnh. Bởi những bằng chứng rõ ràng đã được đưa ra để cáo buộc anh.
Bây giờ, tiểu sử trên Twitter của Lance Armstrong không còn dòng chữ “Vô địch bảy lần Tour de France” mà chỉ còn “Đang nuôi năm đứa con. Chống lại bệnh ung thư. Bơi, đi xe đạp, chạy bộ và đánh golf bất kỳ khi nào có thể”.
Ngày 12-11, Lance Armstrong, 41 tuổi, tiếp tục từ bỏ những liên quan còn lại của anh với Quỹ Livestrong. Anh chính thức từ nhiệm vai trò thành viên ban giám đốc của Quỹ Livestrong mà anh thành lập năm 1997 “để tránh cho quỹ những ảnh hưởng tiêu cực do những tranh cãi xung quanh sự nghiệp đua xe đạp của mình”. |
Theo Tuổi Trẻ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất