Sự sống trên Trái đất có thể được bắt nguồn từ sao Hỏa

29/08/2013 14:34 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng những vật chất cấu tạo nên sự sống ở Trái đất có thể đã bắt đầu từ thiên thạch xuất phát từ sao Hỏa đâm vào Trái đất.

Giáo sư Benner đến từ Viện Khoa học và Công nghệ Westheimer, Mỹ cho biết: "Những nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng những nguyên tố cần thiết cho sự sống ở Trái Đất có sẵn tại sao Hỏa. Những "hạt giống" đó đến Trái đất thông qua một vụ va đập thiên thạch cách đây hàng tỷ năm trước".

Hình ảnh trên sao Hỏa do xe thám hiểm Curiosity gửi về Trái đất

Một trong những thành phần hóa học hình thành nên sự sống được tìm thấy ở sao Hỏa mang tên molybdenum. Chất xúc tác giúp các phân tử hữu cơ hình thành những sinh vật đầu tiên. "Molybdenum trước đây không hề có trên Trái đất. Ba tỷ năm trước bề mặt Trái đất có rất ít khí oxy nhưng sao Hỏa thì có đủ các điều kiện hình thành".

Giáo sư Benner tự hào rằng đây là một phát hiện đột phá không chỉ góp phần giải mã sự sống trên Trái đất mà còn mở ra cho con người những cơ hội có thể sinh sống trên sao Hỏa trong tương lai. "Phân tích các mẫu đá trên sao hỏa gần đây cho thấy chất xúc tác molybdenum bị oxy hóa đã hiện diện ở sao Hỏa từ rất lâu".

Phát biểu tại hội nghị Goldsehmidt ở Italia diễn ra từ ngày 25 đến ngày 30 tháng tám, Giáo sư Benner nói: "Thật may mắn là con người đã hình thành nên ở Trái đất, hành tinh có điều kiện phù hợp hơn để duy trì sự sống. Nếu tổ tiên của con người vẫn hiện diện ở sao Hỏa, mọi chuyện có thể đã rất khác". Sự sống trên Trái đất đã phải rất lâu mới có những sinh vật hữu cơ đầu tiên có thể do bề mặt Trái đất lúc đó bị bao phủ bởi nước.

Nguyễn Hồng Đăng
Theo Sky News

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm