23/03/2015 06:26 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sự nghiệp của đội trưởng huyền thoại CLB Liverpool đã xen lẫn hàng trăm nghìn cảm xúc, nhưng chỉ gợi về hình tượng của những người hùng bi kịch.
Steven Gerrard nhấc chân lên và hạ xuống một cách giận dữ. Ống đồng của Ander Herrera là điểm đáp. Một câu chửi tục văng ra từ người thủ quân đang mặc áo đỏ.
Đó là giây thứ 38 của hiệp thi đấu thứ hai, trận “Derby Tây Bắc” của nước Anh, và cùng là giây thứ 38 Gerrard có mặt trên sân. 2 giây sau, trọng tài chính Martin Atkinson rút ra chiếc thẻ đỏ và yêu cầu anh rời sân.
Bất chấp việc Ander Herrera đã vào bóng quyết liệt ra sao (cầu thủ Tây Ban Nha sau đó bị phạt thẻ vàng), đó cũng là một pha bốc hỏa ngu ngốc của Steven Gerrard. Không có gì để bào chữa.
Trọng tài Atkinson rút thẻ đỏ không do dự
Một thẻ đỏ không thể bào chữa
Điều đáng nói rằng đây không phải lần đầu tiên Gerrard nóng nẩy và làm điều ngu ngốc. Đó là chiếc thẻ đỏ thứ hai Gerrard phải nhận khi đối đầu với Man United. Tính tình của một cái đầu nóng như động cơ hơi nước một lần nữa được thể hiện.
Hãy lắng nghe cách anh tự nhận mình là một cầu thủ “sinh ra để xì hơi trong những pha tắc bóng”. Hãy lắng nghe anh khẳng định rằng anh là một con người “luôn luôn lao vào những cuộc tranh chấp” trên sân và “tắc bóng là cách thể hiện bản lĩnh”.
Liverpool, dưới sự dẫn dắt của Gerard Houllier và Rafael Benitez, đã sử dụng động cơ hơi nước ấy thành công bằng cách biến anh thành một đầu tàu, một thủ lĩnh kéo cả đội về phía trước bằng sức nóng hừng hực của mình.
Trong cơn mưa bụi tại Anfield ngày 14/4/2014, sau khi Liverpool đánh bại Manchester City để nắm trong tay quyền tự quyết trên đường đua vô địch Premier League, Gerrard đã triệu tập các đồng đội thành một vòng tròn giữa sân. “Chúng ta không để tuột cơ hội này. Chúng ta tiến tiếp!”, anh chỉ huy Liverpool. Mái tóc ướt nóng đến bốc hơi ấy trở thành một hình tượng kinh điển.
Kinh điển, bởi bất chấp những vẻ đẹp, những thành tích, những chiến quả, Steven Gerrard vẫn sẽ chỉ mãi mãi đi vào lịch sử như một biểu tượng của bi kịch. Điều đó không chỉ được thể hiện ở chiếc thẻ đỏ trong trận đấu vừa qua, khi anh là niềm hi vọng về một hiệp hai khởi sắc.
Nếu bóng đá là loại hình nghệ thuật bi kịch của Hy Lạp thì Steven Gerrard sẽ phù hợp với từng tiêu chí cho những người hùng trong vở kịch.
Gerrard có “hubris” – sự kiêu hãnh và tự tin thậm chí có phần ngạo mạn trong cách anh hành động. Trong những vở kịch, tính cách này thường đưa người hùng đến đỉnh cao vinh quang, nhưng cũng có thể bị trừng phạt nặng nề bởi Chúa trời.
"Hubris" của một người hùng đã đưa Gerrard tới vinh quang
Tính cách tiếp theo của một người hùng trong bi kịch Hy Lạp là “arête” – sự thúc đẩy cả trong thâm tâm lẫn từ bên ngoài tác động, hướng về một con người phải phát triển đến hết mọi tiềm năng có được. Steven Gerrard cũng từng bị đẩy vào hoàn cảnh ấy. Anh lên đội trẻ với tư cách một tiền vệ phòng ngự. Lần đầu ra mắt, anh được vào chơi hậu vệ phải. Chung kết Champions League 2004-05, anh lại xuống hậu vệ phải khi HLV Benitez yêu cầu. Khi Liverpool không có một chân sút thực thụ, anh tự mình ghi bàn. Khi Liverpool có chân sút nhưng thiếu nhà tổ chức, anh lại nhận lệnh lùi sâu phân phối. Anh được yêu cầu làm tất cả. Anh cũng tự mình muốn làm tất cả.
Và cũng như mọi người hùng trong bi kịch Hy Lạp, Gerrard đã dẫm lên những vũng bùn mang tên “até” – khoảnh khắc “xì hơi” từ “hubris”, dẫn đến những bờ vực thẳm sâu. Gerrard từng vội vàng chuyền vào chân Thierry Henry, Didier Drogba và khiến đội bại trận. Anh từng hoảng hốt trượt chân hụt và không thể đuổi theo Demba Ba ở cuối mùa giải trước. Và mùa này, anh lại nóng giận khi trả đũa với Herrera.
Và cuối cùng, “nemesis” – cũng là tên của vị nữ thần báo thù trong thần thoại Hy Lạp. Sự nghiệp của Steven Gerrard đã có những đỉnh cao vinh quang, nhưng cũng đã rơi xuống những vực sâu thất bại. Con người không ai có thể hoàn hảo, nhưng những người hùng thì được kỳ vọng là toàn năng.
Sẽ phải chịu chỉ trích, dù có là người hùng
Bóng đá giờ là một trong những chủ đề ăn tiền của báo chí. Ở tầm cỡ của một người hùng, Gerrard phải đối mặt với mọi chỉ trích nặng nề nhất. Anh đã từng bị cổ động viên đốt áo số 8 trước cổng sân tập Melwood trước tin đồn chuyển sang Chelsea năm 2005. Anh sẽ phải chường mặt trên bìa báo với dòng tít “Thủ lĩnh của một thế hệ thất bại”. Anh sẽ phải nghe phân tích về sai lầm của mình từ người bạn thân Jamie Carragher. Vân vân.
Trong thế giới cầu thủ, đến một CLB rồi ra đi là chuyện bình thường. Có những người giành được mọi thứ, có những người về nhà với cabin danh hiệu phủ bụi trắng trơn. Steven Gerrard là một người hùng, một nhà vô địch, nhưng đồng thời cũng là một kẻ nóng đầu tai hại, một cầu thủ chỉ đến gần chứ chưa bao giờ vô địch Premier League.
Gerrard rời sân trong sự im lặng
Khi Gerrard rời sân, Anfield kín chỗ như chết lặng. Rồi sẽ đến một ngày thủ quân của Liverpool giã từ sự nghiệp, rảo bước một vòng trên sân Anfield không bóng người im ắng. Chiếc động cơ hơi nước cần được thay thế bằng những động cơ mới hơn, hiện đại hơn, bởi đoàn tàu vẫn cần phải tiến tiếp.
Dũng Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất