Stylist (Bài 2): Stylist Việt - phiên bản quá nhiều "lỗi"

23/09/2009 07:34 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Bên cạnh một số ít những stylist ít nhiều có nghề, có đam mê, đa phần những người mang danh stylist ở ta hiện nay là a dua là chính, làm dáng là chủ đạo.

Stylist ta - nhà không cửa…

Cách đây khoảng 5 năm, danh xưng stylist bắt đầu xuất hiện trên những trang thời trang của các tờ tạp chí: Đẹp, Tiếp thị Gia đình, Mốt..., chủ yếu là Việt kiều hay người nước ngoài tới hành nghề tại Việt Nam như Henri Hubert, J. Sarah, Anh Phạm... Nhưng giờ đây con số ấy đã tăng đột biến, trở thành một con số khủng và khó đoán.

Cũng như thế giới, Việt Nam hiện chưa có trường nào đào tạo về nghề này nên các stylist tạm xem là “có nghề” buộc phải dựa trên tiêu chí đã học qua các ngành mỹ thuật hay thiết kế thời trang - nơi đào tạo những môn học khá gần với nghề stylist. Đã có những stylist thành danh hay trở thành giám đốc mỹ thuật (art director) cho một số tạp chí xuất thân từ dân mỹ thuật như Hương Color, Từ Phương Thảo (tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội), Tuấn Huy, Đỗ Mạnh Cường (nhà thiết kế), Thảo Nguyên (ĐH Mỹ thuật TP.HCM), Trần Thị Hương (sinh viên ĐH Kiến trúc)... Xa hơn tí, với kinh nghiệm làm mẫu, không ít người mẫu chuyển sang làm stylist như Thanh Trúc, Quang Tuyến, Tuyết Ngọc, Duy Băng, Ngọc Diệp, Uyên Lan... Và những cái tên xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau (phóng viên, nhiếp ảnh, người quản lý...) như Bảo Nhân, Anh Khoa, Minh Ngọc, Nguyễn Thiện Khiêm, Trương Quang Diệu, Mộc, Hà Thanh Phúc...


Một buổi chụp với stylist là người mẫu Tuyết Ngọc
(đứng sau nhiếp ảnh gia). Ảnh: Đức Quyết

Là một nghề quá gần với hào quang, lại có một số “đặc quyền đặc lợi” do nghề đem lại nên stylist đang là điểm “nhắm” của nhiều người. Nhất là khi nghề stylist ở ta như một căn nhà không cửa, ai cũng có thể vào mà không nhất thiết phải có “vốn liếng” gì về nghề, ngay cả những hiểu biết sơ đẳng nhất. Có ý kiến cho rằng để trở thành một stylist ở ta cực dễ. Chẳng cần óc thẩm mỹ, cũng chẳng cần phải am hiểu nghệ thuật gì, thậm chí chẳng biết gì, nếu muốn là có thể vô tư “hành nghề” stylist!

Ngoại trừ một số tạp chí có “tiếng” lẫn có “tiền” và ít nhiều quan tâm đến phong cách riêng của tạp chí như Đẹp, TTVH & Đàn Ông, Sài Gòn Tiếp thị, Tiếp thị Gia đình, Thời trang trẻ... mới “kén” stylist. Còn lại phần lớn các tạp chí hiện nay chỉ dừng lại ở mức độ làm màu nên rất “thoáng” và “vô tư” trong cách dùng stylist.

“Thoáng” nhất trong số này là những trang giải trí online. Với thói quen xài “chùa”, những nơi này gần như chẳng từ bất kỳ bộ ảnh nào được gửi đến, có là “up” lên ngay. Trong một cuộc trò chuyện gần đây, ca sĩ Mỹ Lệ chia sẻ: “Trời ơi! Để “update” hình ảnh của mình lên các trang báo mạng dễ lắm! Chụp xong vài tấm gửi là họ đăng liền chứ gì! Nhưng tôi không quen!”. Từ đó, có thể thấy nơi đây trở thành miền đất hứa cho những giấc mộng mang tên “stylist”.

Giới stylist không xa lạ lắm với “stylist” H.N, “tiền thân” là PR cho một số hãng phim. Một ngày kia H.N mở shop thời trang và cái danh xưng “stylist” cũng gắn liền với tên anh từ đó. Có ý kiến bảo rằng sở dĩ anh phải “với” đến cái nghề “stylist” là để vừa có danh thơm lại quảng bá cho cửa hàng mà không tốn phí (“ké” tên shop của mình lên báo). Hay như N.V, từ một nhân viên thu tiền điện kiêm phụ trách mảng “chat với sao” trên một số tạp chí dành cho tuổi teen giờ đây đã hóa thân thành stylist. Lại cũng có những trường hợp “lãng mạn” hơn, như L.K, sau khi làm stylist một thời gian thì tự nâng cấp mình thành “art director”, gọi nôm na là giám đốc nghệ thuật!

“Sờ-tai-lít” hay cóp mỗi nơi một ít?

Vừa rầm rộ cách đây vài năm nên các stylist Việt mới chỉ “tấn công” chủ yếu ở hai “khu”: thời trang và nhiếp ảnh. Ở “lưu vực” tạo dựng phong cách cho cá nhân, stylist ở ta vẫn đang bỏ lửng, họa hoằn chỉ làm một vài bộ ảnh tung lên tạp chí rồi thôi chứ chưa có sự kết hợp nào lâu dài. Dài hơi nhất có Anh Khoa làm stylist cho các ca sĩ Thu Minh, Mỹ Lệ, Trà My... nhưng có lẽ cũng chỉ mới dừng lại ở tinh thần của một người quản lý “lo” cho ca sĩ (Anh Khoa hiện là quản lý của các ca sĩ này). Cũng có những stylist “đánh” vào các show diễn lớn, hay các chương trình truyền hình như Việt Nam Idol, Ngôi Sao Tiếng hát Truyền hình, Tiếng ca học đường... nhưng không nhiều và dường như chỉ mới dừng lại ở việc làm cho có tên để chạy chữ trên vô tuyến.


Stylist Quang Tuyến đang chỉnh dáng của các người mẫu.
Ảnh : Phạm Hoài Nam


Song dù chỉ mới hoạt động rầm rộ ở hai khu nhưng cũng đủ “nảy” ra lắm điều để nói. Một phóng viên chia sẻ với người viết rằng, có lần anh “dự” buổi chụp ảnh của nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam cho diễn viên Mộng Vân. Dù có stylist nhưng suốt buổi anh chỉ thấy nhà nhiếp ảnh và nữ diễn viên xinh đẹp kia “tự xoay” với nhau là chính. Bên cạnh đó, không ít lần anh từng chứng kiến cảnh các stylist “vơ” đâu đó những cuốn tạp chí từ nước ngoài dúi vào tay các nhiếp ảnh gia và đặt hàng những mẫu ảnh y chang. Chuyện này có cả ở các stylist “đẳng cấp”. Hay như chuyện H.N từng bị người trong giới “ngờ” là đã biến Hồ Ngọc Hà thành một võ sĩ đấm bốc trên một trang báo mạng trông chả khác mấy với một tờ tạp chí nước ngoài. Hoặc ầm ĩ hơn như trên một số diễn đàn từng xôn xao về bộ ảnh trong The First Single của Hồ Ngọc Hà do Long Kan làm stylist trông giông giống với hình ảnh trong album Lollipop của nhóm Big Bang và 2NE1 (Hàn Quốc)!

Một stylist được xem là có nghề phân trần đây là chuyện thường ngày ở huyện... “Để lên ý tưởng, kịch bản cho một bộ ảnh không dễ và khi làm ra bộ ảnh phải có ý nghĩa, có nội dung hẳn hoi chứ không phải chụp khơi khơi, sao chép bừa bãi rồi nhận mình làm stylist. Đáng buồn là chuyện này đang rất phổ biến, nhất là các “stylist” của các trang mạng”, anh xác nhận.

Và những stylist không chỉ làm stylist…

Đi sâu hơn vào thế giới của các stylist, chúng tôi mới hay rằng nạn copy chỉ là chuyện vặt trong nghề. Trong khi nhiều “sao” cũng như không ít “hot boy, hot girl” ở ta đang trong tư thế sẵn sàng “update” và khao khát lên bìa một số tạp chí, thì cũng có những stylist luôn tự nhận mình là người có quyền “quyết” được chuyện đó. Thực tế là, có không ít stylist dùng cái gọi là “quyền lực lên bìa” để phục vụ cho những nhu cầu khác. Nhu cầu đó có thể hiểu là những “ước mơ” về vật chất, hoặc cũng thể đó là ham muốn về... tinh thần. Trong một lần trò chuyện với bầu H., anh cho biết có lần stylist Ng.V (trước làm cộng tác viên cho các tạp chí và hiện đang làm stylist cho tờ Mỹ thuật) đề nghị anh đưa đi Diamond chọn mua quần lót cho ca sĩ của ông bầu này mặc để chụp lên báo. Tin lời stylist này, bầu H. sẵn lòng ngay. Tốn hết một khoản tiền cho mấy chiếc quần hàng hiệu nhưng ảnh chẳng thấy đâu còn quần thì... mất!

Tệ hơn nữa, nếu như dư luận từng nghe chuyện giám khảo gạ “đổi tình lấy giải”, đạo diễn “gạ tình lên phim”, nhạc sĩ có chuyện “yêu nhau trước lên sóng (truyền hình) sau”... thì giới stylist cũng có chuyện “gạ tình lên báo”! Làng stylist từng có vài cơn “rúng động” bởi những tin đồn về một số stylist sử dụng cái gọi là “quyền lực” của mình để rủ rê các “hot boy”, “hot girl” đến nhà hoặc đi khách sạn! Một trong những “giai thoại” vui vẻ được giới stylist rỉ tai nhau là chuyện một số “hot boy” tố stylist N.T.K có những lời đề nghị rất “đáng ngờ” vào lúc nửa đêm. “Chuyện các stylist lợi dụng “hot boy”, “hot girl” muốn được lên báo là chuyện có thật” - một stylist khẳng định.

Dù biết ở đâu cũng thế, có “cầu” thì mới có “cung” nên nghề stylist xuất hiện tại Việt Nam cũng chẳng có gì để ầm ĩ bởi cái mới bao giờ chẳng chệch choạc và cần có thời gian để định dáng, định hình. Thế nhưng, so với “phiên bản gốc”, stylist ở ta có nguy cơ “biến tướng”. Cánh cửa của “ngôi nhà stylist” ở đâu nếu không phải là thái độ quan tâm đúng mức, sự hiểu biết về nghề của chính các biên tập thời trang của các tạp chí, các kênh truyền hình về thời trang và phong cách sống? Rất tiếc, trong lúc “ra khỏi nhà đụng stylist” thì tìm mỏi mắt không ra những biên tập thời trang đúng nghĩa - một thực tế ngược với thế giới.

Cao Hải Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm