Chàng cao bồi Lucky Luke tái xuất giang hồ

18/03/2011 10:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chàng cao bồi nghèo, đơn độc rong ruổi trên đường dài quê hương. Chàng nổi tiếng với tài “bắn súng nhanh hơn cái bóng của mình” đã rất quen thuộc với người yêu truyện tranh Việt Nam. Hôm qua 17/3, chàng cao bồi ấy chính thức “tái xuất giang hồ” với độc giả Việt sau hơn “một con giáp” vắng bóng.

Có thể nói, chàng cao bồi Lucky Luke là một trong những nhân vật truyện tranh nổi tiếng nhất thế giới với 270 triệu bản được phát hành bằng 32 ngôn ngữ. Chàng Luky Luke còn lên hơn 100 tập phim hoạt hình ngắn chiếu trên truyền hình, 4 phim hoạt hình dài chiếu ở rạp và 3 phim do người đóng (phim mới nhất ra rạp tháng 10/2010).

Cát-xê “khủng” của chàng cao bồi

Tập 1 Gã săn tiền thưởng trong bộ truyện tranh Lucky Luke phát hành hôm qua 17/3

Được biết, đây là lần thứ hai, chàng cao bồi Luky Luke xuất hiện chính thức trở lại trong làng “giang hồ” truyện tranh Việt. Lần xuất hiện chính thức thứ nhất, Lucky Luke thông qua “cửa khẩu” NXB Trẻ vào năm 1998. Thời điểm này, đại sứ quán Pháp cùng cha đẻ Lucky Luke - Morris đã tặng tác quyền cho NXB Trẻ ấn hành (cho các nước cộng đồng Pháp ngữ) Lucky Luke bản tiếng Việt trong vòng 10 năm. Nhưng chàng cao bồi Lucky Luke chỉ tồn tại ở NXB Trẻ trong hai năm 1998 - 1999 rồi lặng mất.

Theo tìm hiểu của TT&VH, ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ cho biết: “Truyện tranh châu Âu hay của Mỹ như Lucky Luke ở Việt Nam không kinh doanh tốt bằng truyện tranh Nhật, Trung Quốc nên chúng tôi đã sơ sót trong việc thương lượng tiếp tác quyền để NXB Trẻ tiếp tục ấn hành Lucky Luke. Chúng tôi rất vui khi First News đã mua được bản quyền của danh tác này”.

Chàng cao bồi Lucky Luke “tái xuất” lần này không chỉ với “sức mạnh” của một mình First News mà còn có sự “trợ lực” của mạng điện thoại Vinaphone và Công ty Cổ phần Giáo dục và Công nghệ Thành phố thông minh Easy-talk. Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc First News, lý giải: “Tiền mua tác quyền nhiều quá, một mình First News không thể “mời ngài” Lucky Luke đến với bạn đọc Việt”.

Lucky Luke chống thuốc lá

Cha đẻ của Lucky Luke là họa sĩ Morris tên thật Maurice de Bévère, người Bỉ. Họa sĩ Morris (mất năm 2001 tại Bỉ, thọ 78 tuổi) “đẻ ra” chàng cao bồi Lucky Luke vào năm 1946.

Mặc dù Lucky Luke đến Việt Nam chính thức trong hai năm 1998 - 1999, nhưng chàng cao bồi này đã xuất hiện ở ta từ lâu. Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, - Chủ nhiệm CLB người hâm mộ Lucky Luke khi tác phẩm này xuất hiện tại Việt Nam vào những năm 1960 và được dịch sang tiếng Việt đầy ngẫu hứng. Trong lời thoại còn được dịch bằng thơ lục bát.

Sở dĩ Lucky Luke tồn tại và được độc giả Việt Nam chờ đón lâu đến vậy vì tính nhân văn của câu chuyện. Nhà thơ, nhà báo Hà Đình Nguyên hỏi ông Nguyễn Hữu Thiện: “Khoảng 40 năm trước, đọc Lucky Luke tôi thấy chàng cao bồi thường ngậm điếu thuốc trên môi. Sau này chỉ thấy Lucky Luke ngậm cọng cỏ là vì sao vậy?”. Ông Thiện trả lời: “Là do tác giả Morris muốn nhân vật của mình bỏ thuốc lá. Morris trong các tập trước đó đã chê thuốc lá hút rất hôi, ảnh hưởng sức khỏe thông qua con ngựa của Lucky Luke - Jolly Jumper rằng: Hút thuốc hôi quá. Sau đó vài năm, tổ chức Y tế thế giới đã trao bằng khen cho Morris vì ông đã góp phần phòng chống thuốc lá”.

Ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết thêm: “Những tập đầu, Lucky Luke có nhiều chi tiết phân biệt chủng tộc. Tác giả Morris sáng tác cho cộng đồng Pháp ngữ nhưng lấy bối cảnh và lịch sử miền Viễn Tây Hoa Kỳ. Những tập đầu, người Mễ (Mexico), người da đen, da đỏ trong truyện bị cười cợt một cách rất thái quá. Nhưng sau đó, vị trí của người Mễ, người da đen, da đỏ trong truyện Lucky Luke dần được cải thiện ở những vị trí quan trọng.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm