Hình tượng GS Ngô Bảo Châu mùa khai trường

17/09/2012 15:15 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Mùa khai trường vài năm trở lại đây, những bậc cha mẹ học sinh hay các thầy cô giáo có thêm một hình tượng mới để răn dạy các em học sinh về lòng hiếu học: Giáo sư Ngô Bảo Châu.

Ngoài những đóng góp về chuyên môn (thứ mà ít người hiểu đúng và đủ) thì GS Ngô Bảo Châu còn mang trên mình vai trò: làm một biểu tượng. Biểu tượng của công chúng và truyền thông. Biểu tượng của sự học giỏi, người học trò mơ ước của mọi ngôi trường. Người con mơ ước của mọi bậc cha mẹ (ít nhất là những người muốn xin cho con học trường Thực nghiệm).

Nhà toán học không có thời gian thở

Ngày khai trường 5/9, trên mặt báo, bên cạnh hình ảnh những học sinh áo trắng là hình ảnh GS Ngô Bảo Châu ký tặng cho các em nhỏ khi về thăm trường cũ. Các phát biểu của GS dày đặc trên mặt báo, thay vì của các quan chức ngành giáo dục. Lướt qua vài chục tờ báo, ta hiểu rằng, từ lâu xã hội không còn nhìn nhận anh như một nhà khoa học thông thường nữa rồi.

Chẳng thế mà, mỗi lần GS có cuộc giao lưu gặp gỡ công chúng, đầu tiên là mọi người kéo đến rất đông, thứ hai là hỏi anh đủ chuyện trên trời dưới biển. Ban đầu xoay quanh toán học, giáo dục, càng lúc càng lan ra rộng khắp. Cái gì cũng hỏi. GS cố gắng trả lời nhiều nhất có thể. Nhưng tôi thấy anh đang trên đà quá tải. Như GS Lê Tuấn Hoa, Giám đốc điều hành Viện Toán cao cấp, từng ví von với tôi: “Nhà toán học không có thời gian thở”.

Rất thường xuyên GS gặp câu hỏi “Làm sao để học giỏi toán?” hoặc “Làm sao để học giỏi?”. Chỉ cần mở các báo ra xem thì có thể thấy là từ năm 2010 đến nay, mỗi năm GS được (hoặc bị) hỏi mấy câu này không biết bao nhiêu lần. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy anh kiên nhẫn đến thế. Vẫn mỉm cười, vẫn điềm đạm, vẫn trả lời. Ngạc nhiên hơn nữa, mỗi lần lại là một câu trả lời mới, hoặc ít nhất cũng mới một phần nào đó.

Câu trả lời gần đây nhất là: “Việc học cũng như đi bộ. Chân phải rồi chân trái, chân trái rồi chân phải. Đi bộ mà vội thì sẽ rất chóng mệt. Học cũng vậy, không nên biến việc học thành cuộc chạy đua” (tháng 9/2012).



GS Ngô Bảo Châu giao lưu với các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học, Học viện trên địa bàn Hà Nội năm 2011

Nguồn cảm hứng của nhiều người

GS Ngô Bảo Châu đang là một nguồn cảm hứng… của rất nhiều người. Hi vọng nguồn cảm hứng ấy là lâu dài (Đừng nói bất tận vì từ “bất tận” thực ra sáo rỗng).

Nhà văn Dạ Ngân từng có một nhận định đáng nhớ, khi Uyên Linh của Vietnam Idol 2011 trở thành một hiện tượng khiến người người “phát cuồng”: “Điều này cho thấy sự đồng lòng của một xã hội đang rất thiếu cảm hứng trong cuộc sống”. Nguồn cảm hứng từ Uyên Linh lâu dài hay ngắn ngủi thì chúng ta đều đã rõ. Nhưng phải cái, ngày càng có thêm nhiều trường hợp tương tự, được “sản xuất” hàng ngày từ các chương trình truyền hình thực tế nặng tính giải trí và thương mại.

Giới trẻ “đói” thần tượng, họ cần ít nhất một hình mẫu. Không nên tước đi của họ, dù bản thân GS Ngô Bảo Châu có nói: “Có rất nhiều người đáng kính trọng, nhưng việc thần tượng ai đó có lẽ là không cần thiết”.

Thành công của GS khiến nhiều người như “bừng nắng hạ”, nhận ra một điều: người học toán có thể có tương lai rực rỡ, gồm sự công nhận của giới chuyên môn và xã hội. Có lẽ còn hơn thế nữa. Sau khi GS Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields vào năm 2010, báo chí ta nhận định, có một làn sóng khao khát phấn đấu để dạy, học, làm việc, nghiên cứu... dâng trào trong giới trẻ và trí thức Việt Nam. Đặc biệt là về lĩnh vực toán học.

Không chỉ các học sinh, sinh viên mà những người giáo viên, có người còn lớn tuổi hơn GS Châu nhiều, cũng lấy anh làm thần tượng, làm nguồn cảm hứng. Nguồn cảm hứng đó có vẻ không nguội đi khi giải thưởng Fields đã bớt tính thời sự.

“Nhà cung cấp” các trích dẫn

Thường thì trên mạng, có những trang web thống kê các câu trích dẫn (quote) đáng nhớ của các nhà khoa học nổi tiếng, toàn những câu rất hay. Mỗi lần GS Ngô Bảo Châu nói chuyện, người nghe thu nhận được một loạt trích dẫn xứng đáng ghi vào sổ tay (nếu họ có thói quen đó), và có nhiều câu cũng đạt yêu cầu để được đưa lên các trang web nói trên.

Tôi vẫn tin rằng nhiều khi đó là những câu “trời cho”, như vài câu văn thỉnh thoảng ta gặp trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng tôi cũng tin rằng vài tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp bị phần vô thức chi phối mạnh, còn với Ngô Bảo Châu thì lời nói vẫn nghiêng về lý trí.

Chẳng hạn: “Để có hạnh phúc, có lẽ không có cách nào khác là yêu cuộc sống như chính nó. Để bất hạnh, có lẽ không có cách nào tốt hơn là đi đuổi theo những ảo ảnh” (GS trả lời phỏng vấn báo Đạo Phật Ngày nay năm 2011).

Hoặc:“Toán học là công trình kỳ diệu nhất mà đầu óc con người từng nghĩ ra. Nếu ghét môn toán thì nhân tính trong con người sẽ giảm đi” (nói trong buổi tọa đàm về cuốn Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình tại Hà Nội đầu tháng 8/2012).

Một câu khác đặc sắc về cuốn Ai và Ky… mà người ta có thể bỏ rơi đâu đó trong bộn bề cuộc sống: “Tôi không mong cuốn sách này được đưa vào chương trình dạy học bắt buộc trong nhà trường, vì sách dành cho những bạn yêu môn toán, mà tình yêu thì không nên cưỡng bức”.

Hay với câu hỏi về sống có ý nghĩa của báo Đạo Phật Ngày nay (2011), GS trả lời đơn sơ: “Để sống một cuộc sống có ý nghĩa, ta nên tránh làm những việc vô nghĩa”.

GS Châu thông minh, điều này không cần phải nói nữa. Nhưng anh cũng linh hoạt và mềm mại với ngôn từ, điều này chỉ người yêu văn chương và hay đọc sách mới có được. Nói hay là một chuyện, nhưng nói để người ta nghe và nhớ lại là một chuyện khác. Phương châm của anh là: “Hãy nói những gì mình nghĩ chứ đừng nhắc lại những gì người khác nói” (trả lời phỏng vấn báo Sinh viên Việt Nam số Tết 2012).



GS Ngô Bảo Châu giao lưu với sinh viên ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh

“Lo lắng nhỏ” không còn nhỏ nữa

GS Ngô Bảo Châu từng chia sẻ trên blog riêng sau khi được giải Fields: “Từ khi được thông báo về giải thưởng Fields, tức là cách đây vài tháng cho đến ngày hôm qua, là một khoảng thời gian đầy lo âu đối với tôi. Lo lắng lớn về cái trách nhiệm hiển nhiên của người nhận giải đối với đất nước. Lo lắng nhỏ về cái không gian riêng tư của mình sẽ bị người khác xâm phạm”.

Nhìn nụ cười mệt mỏi của GS mỗi lần quay cuồng với lịch làm việc, đi lại khi về Việt Nam thì sẽ hiểu nỗi lo “nhỏ” đó bây giờ còn nhỏ hay đã lớn. Anh bắt đầu mất đi những kỳ nghỉ hè và sẽ còn nhiều hơn thế.

Lẩn khuất trong những thông tin ầm ĩ sau ngày GS trở nên nổi tiếng, có lẽ nhiều người còn nhớ, PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền - mẹ GS Ngô Bảo Châu, từng tâm sự với TT&VH: “Không phải tất cả những chuyện riêng tư cứ “phơi” hết lên báo. Châu bảo “phơi” như thế nó khô hết”.

“Châu chỉ muốn được tĩnh lặng để làm toán. Có lần Châu bảo với mẹ: Biết bao giờ cho cái năm “rắc rối” này nó qua nhanh đi để con lại ngồi làm toán”, bà Hiền nói.

Năm rắc rối này qua đi thì năm ồn ào khác lại đến. May mắn là GS vẫn ngồi làm toán, bên cạnh những việc ồn ào khác.

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm