Sống gọn

06/02/2011 22:23 GMT+7 | Đời sống

(TT&VH) - Khi tự “thất nghiệp hóa” chính mình, vài người bạn hỏi tôi: “Bỏ sống bận chọn sống nhàn đấy à? Đã đến tuổi hưu đâu!” tôi cười hoang mang, nhưng trong lòng lại vững: Không sống Bận, không sống Nhàn, tôi sống Gọn.

1. Bắt đầu từ câu nói của một người thầy (đến chừng này tuổi còn có thầy, không biết là diễm phúc hay bất hạnh), nguyên văn: “Khi em viết văn, viết một câu em cũng phải đọc đi đọc lại, lọc bỏ đi những từ thừa, thêm từ thiếu, thay thế những từ dễ dãi, cho kỳ câu văn chắc lại, ngân lên thì mới thôi. Với một câu văn em còn phải biên tập kỹ như thế, vậy thì hà cớ gì cái cuộc đời em, em lại không biên tập?”

Người thầy này nói như vậy, khi thấy trong một cuộc cà phê hai tiếng đồng hồ, mà tôi có chục cuộc điện thoại gọi đến. Trong chục cuộc đó, không có cuộc nào thực sự cần thiết cho cả người gọi lẫn người nghe. Chỉ là rủ đi ăn quà, đi cà phê, đi săn hàng giảm giá hoặc tám dây chuyền về những chuyện mới nghe được, mới đọc được, mới ngửi ra theo sự thôi thúc của trí tò mò vụn vặt.


Tôi suy nghĩ nghiêm túc về ý tưởng “biên tập cuộc đời”, đâu như hết ba đêm.

Và hiểu sống là một hành động không khi nào cạn nghĩa, với điều kiện người ta không ngừng dừng lại, nhìn lại và biên tập cuộc đời mình, chứ không phải là sống như một cái xe đặt trong rãnh trượt, chỉ khởi động một lần và cứ thế mà trượt theo rãnh, với gia tốc ngày càng tăng.

Tôi muốn phần đời còn lại của mình không miên man như văn xuôi, mà gọn ghẽ như toán học. Với toán, cách giải hay trước hết phải là đúng. Và không có chuyện “đúng nhưng thừa”. Thừa là sai. Thiếu cũng sai. Đủ là đúng. Chặt chẽ đi liền với gọn ghẽ. Cách giải hay nhất là cách giải ngắn gọn nhất. Bài toán sẽ trở nên tuyệt đẹp, đẹp như một ngôi sao nhấp nháy trên trời đêm nếu không thừa một phép tính nào, một dấu chấm, phẩy nào. Với bọn chuyên toán, điểm 10 kèm chữ “giỏi” sẽ được ăn vào lúc này!

Bước nghĩ đã xong, bắt tay vào bước thực thi (tôi từng có hàng tỉ những kế hoạch bước nghĩ đã xong là coi như... xong, không bao giờ được thực thi!) Tôi triển khai công cuộc “thu dọn”. Thu cho chặt, dọn cho gọn, để vứt đi những thứ thừa thãi, vô giá trị - vì những thứ này sẽ gây vướng víu, vướng víu làm chậm hành động sống.

2. Công việc là thứ phải ghé mắt đến trước tiên. Với hầu hết mọi người, công việc chiếm cạn thời gian và tinh lực của họ, tôi cũng vậy. Cái công việc hiện tại mà tôi đã làm mười mấy năm nay có cần thiết cho tôi nữa không? Có cần thiết cho ai nữa không? Không. Thế thì trả lại cho người ta, để người ta chuyển qua cho người khác đang cần đến nó.

Dừng làm báo, một ngày dư ra được ối thời gian. 8 tiếng là ít, 10 tiếng là nhiều. Tất cả các deadline cùng lúc biến sạch. Tôi như phát cuồng vì sung sướng với khoảng thời gian này, cả ngày có khi chả thèm ghé mắt nhìn cái đồng hồ lấy một lần. Ta đã thoát khỏi gánh nặng thời gian! Đời ta đã hết lệ thuộc vào chiếc đồng hồ và tập lịch! Ta hãy sống như con người bất tử! Ba câu ấy cứ lặp đi lặp lại, ngân nga vang vọng trong đầu tôi như một khúc nhạc mê ly.

Mang theo khúc nhạc mê ly đó, tôi đi chơi khắp nơi, từ Bắc chí Nam, từ nguồn xuống bể, còn thích còn ở, hết thích rời đi, nhòm vào ví thấy còn tiền là còn rong ruổi. Trúng số thời gian mà!

Chơi miệt mài như thế hết ba tháng (cũng là ba tháng Hè của hai đứa con, chúng phải quay lại trường đi học nên mẹ chúng cũng phải về theo). Về Sài Gòn rồi, sáng tiễn hai con đi học, tiễn chồng đi làm xong, lại quay ra chơi tiếp. Thích gì đọc nấy. Thích gặp ai gọi cho người ấy, ai thích gặp mình cũng gật. Chạy tận đẩu tận đâu hết cả tiếng đồng hồ chỉ để ăn mấy con ốc cũng nhảy lên xe lao đi... Hệt như một con mụ nhàn rỗi và ngu ngốc.

Không được lâu. Sống cuộc đời nhàn rỗi và ngu ngốc sướng thật nhưng lại mau hết sướng. Hết sướng là dừng (tôi coi quãng thời gian sống khác thường đó là phần thưởng cho nhiều năm chăm chỉ học tập và lao động của mình!). Bây giờ mới thực sự “biên tập cuộc đời”.

3. Thu gọn quan hệ lại. Nhiều quan hệ quá. Phần nhiều trong đó lại tầm phào. Những ý thích nhất thời, những cơn vui bất chợt, những than vãn triền miên của họ, nếu ta đủ tử tế để tham dự, để lắng nghe, để góp phần giải quyết thì chẳng mấy chốc mà họ hút cạn máu và tủy của ta, biến ta thành một thân thể mệt nhoài không có ước muốn nào khác hơn là... mong cho họ chết hết đi (!).

Lọc lại theo nhu cầu tình cảm và giao tiếp của mình, trừ những người trong gia đình và họ tộc thân cận ra, tôi còn lại năm mối quan hệ: bốn người bạn và một người thầy. Cuộc sống tình cảm của tôi sẽ rơi vỡ từng mảng lớn nếu thiếu họ. Ngoài ra, chỉ coi là “khách vãng lai”. Trường hợp nào cần mất thời gian thì mất thời gian, không thì từ chối thẳng. Với những lời giới thiệu rủ rê “cô kia hay lắm anh này rất thú vị”, thì cứ cười mà trả lời: “Tôi chả muốn biết thêm ai nữa. Chị ấy hay thế anh ấy thú vị thế thì cứ giữ lấy mà dùng”. Ban đầu có giận hờn, sau họ quen nết mình thì thôi.

“Tinh giản quan hệ” xong, nhìn vào đời mình thấy quang đãng ra một tí, dưỡng khí tăng lên đáng kể.

4. Sau quan hệ với người đến quan hệ với sách vở. Chấm dứt thời kỳ đọc lan man, vớ được cuốn nào đọc cuốn nấy, ai cho, ai khen cuốn nào đọc cuốn ấy (chỉ chịu vứt khi thấy dở quá hoặc khó nhằn quá). Nhìn vào óc mình, thấy nó thiếu cái gì, nó trống ở đâu, khoảng nào mờ mịt, khoảng nào tối sáng đan xen, thì tìm sách mà đọc, tìm thầy mà hỏi. Sau khi lên được một danh sách những tác giả và tác phẩm cần đọc (để bổ túc, không phải để giải trí) thì cứ lầm lũi đi theo đấy mà đọc, ai khen ngợi, ai tung hô cái gì mặc kệ, không cần khi nào mình cũng cứ phải chồm lên đứng trên đầu ngọn sóng trào lưu, trừ những người mình tin tưởng vào bộ lọc của họ bảo: em/chị đừng bỏ qua cuốn ấy, khi nào đọc cũng được nhưng đừng bỏ qua.

5. Tiếp tục cuộc “thu hẹp phạm vi hoạt động” là hạn chế thời gian cho internet. Web là một sát thủ thời gian. Lướt web là hành vi có thể gây nghiện. Thời gian ngồi trước màn hình máy tính ăn vào thời gian sống. Những khẩu hiệu ấy ai cũng biết, cũng thuộc và cũng... khó lòng chống đỡ. Ban đầu chỉ là định vào để kiểm tra mail. Sau ghé qua Facebook xem thiên hạ nói gì với nhau, nói gì với mình, rồi thì thả ra vài câu bình luận hóm hỉnh, viết vài nhận xét sắc sảo, trình diễn khả năng ngôn ngữ và óc tư duy (mình tự nghĩ là) sắc bén bằng vài đoạn văn ngắn... Xong chốc chốc quay lại xem thiên hạ hưởng ứng thế nào với mấy cái bong bóng sặc sỡ mình vừa thả ra. Trong khi chờ thì chat với bạn thật bạn ảo trong friend list. Rồi lại lang thang... lang thang... hết web này đến web khác, hết topic nọ đến topic kia, như người lữ khách đi trong sa mạc không biết đâu là bến bờ. Mà đi cũng chả để làm gì, chẳng dẫn tới đâu, nhưng cứ còn đường là còn đi thôi!

Có những thói quen là tốt của thời làm báo, thì lại trở thành thói quen nhảm nhí, vô bổ trong hoàn cảnh mới. Và biết bao nhiêu thời gian đã chết trong những thói quen vô bổ hàng ngày như thế.

Tôi tự hạn chế mình. Mail ba ngày check một lần. Báo mạng chỉ vào những trang đã chọn lọc. Còn Facebook? Cái “người tình mới” này khiến tôi lưu luyến nhất đây. Chần chừ mãi, hôm qua tôi vào facebook của mình, tìm lệnh cho ngừng hoạt động. Nhấp chuột vào lệnh ngừng, nó hiện ra một loạt câu hỏi (tiếng Anh, tạm dịch): “Mày có chắc là mày muốn xóa bỏ không? Do Huong sẽ nhớ mày/ An Meg sẽ nhớ mày/ Do Duy sẽ nhớ mày/ Tram Anh sẽ nhớ mày/ Huy Truong sẽ nhớ mày... 265 người bạn ở đây của mày thì sao?” Rồi nó hỏi tiếp: “Sao mày lại muốn bỏ tao?” (nó liệt kê đủ một chục lý do để cho mình nhấp chuột vào). Đối diện với màn hình vô tri, mà thấy nó nói, nó hỏi những câu gan ruột như vậy, làm mình cũng ngậm ngùi. Ngậm ngùi lui tới xem qua, ngậm ngùi xóa bỏ, sau khi đã nhấp vào lý do “Vì tao xài nhiều thời gian cho mày quá”.

6. Như vậy là đã có thể bước đầu sống gọn, gọn trên bề mặt. Trong sâu xa, sống gọn còn ở cách nghĩ. Là người nghiện nghĩ, có lúc tôi thấy mình có thể phát điên vì ý nghĩ, chỉ ước nhấc được cái đầu ra khỏi cổ, dốc nó xuống, trút sạch bao nhiêu ý nghĩ vào bồn cầu, giật nước cho tuôn hết ra cống rãnh sông ngòi. Chúng sản sinh như nấm mùa mưa và trơn tuột như lươn trong thùng. Rầm rộ và hỗn loạn, thoắt đến thoắt đi, càng đuổi bắt càng mất hút, trong khi những nhánh khác không ngừng đâm ngang, rẽ ngoặt. Làm mình mệt và mất thời gian. Lại phải học, phải tập cách suy nghĩ tuyến tính, đóng yên cương hàm thiếc cho con ngựa hoang trên đồng trống ấy.

7. Đến phần thu dọn tâm hồn mới khó. Tâm hồn con người, đặc biệt là tâm hồn đàn bà, đặc biệt của đặc biệt là tâm hồn đàn bà viết văn, là một trường hỗn loạn và náo loạn. Cái tâm hồn đó lay giật mình như gió lay giật cây trong bão lốc. Đến lượt mình, lại quay sang lay giật những người thân yêu sống xung quanh, không cho ai được yên thân, được ngơi nghỉ, lúc nào cũng chực chờ nguy cơ tróc gốc, ngã cây. Phải vứt vào đó một chiếc neo, để neo đậu con truyền chao đảo dập dồn ấy. Phải thả vào đó một niềm tin, để lắng đọng, kết tủa cái mớ hỗn loạn tản mát ấy, để không rơi hút vào cái vũng xoáy hư vô...

Kết. Thu dọn, và thu dọn tiếp, vẫn đang thu dọn. Có khi trong quá trình thu dọn lại bày ra, lại thấy ngổn ngang, bớt được một thứ lại phải thêm vào hai thứ. Nhưng không thể “nửa chừng xuân” được nữa. Sống cho gọn để sống không hời hợt. Để làm việc gì cũng được đến nơi đến chốn. Thương con cũng thương được đến nơi đến chốn. Yêu chồng cũng yêu được đến nơi đến chốn. Quý bạn cũng quý được đến nơi đến chốn. Sướng mình cũng sướng được đến nơi đến chốn. Viết văn, không coi như một công việc, mà chỉ như một sở thích riêng, thì cũng phải chơi được trò chơi ấy cho đến nơi đến chốn.

Thời gian đời người rượt đuổi sau lưng, sống gọn chẳng qua cũng chỉ vì nỗi hữu hạn ấy mà thôi.

SG, 12/2010

Hải Miên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm