Bóng đá Việt Nam thiếu tham vọng nên dễ bán độ

09/03/2015 12:25 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Khi chưa thể đạt tới đẳng cấp của tầm châu lục mà lại phải thi đấu ở các giải đấu đó thì những thất bại đáng hổ thẹn là đương nhiên, thậm chí cả những tiêu cực như đã xảy ra ở Ninh Bình. Dưới đây là phân tích của nhà báo Phạm Tấn từ ý kiến của một số độc giả.  

Ngọc An: Tôi ủng hộ ý kiến của bạn Phạm Tấn nhưng xin bổ sung thêm: Bóng đá của ta chưa chuyên nghiệp (nửa vời) nếu chuyên nghiệp 100% thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều.

Khi là chuyên nghiệp các ông bầu thực sự sẽ là người trực tiếp lo cho đội bóng bằng tiền của chính ông ấy. Đội bóng tốt hơn ông bầu sẽ thu tiền nhiều hơn và ngược lại. Thực tế bây giờ thì sao : Huấn luyện viên phải nghe ông chủ tịch CLB, ông chủ tịch CLB phải nghe ý kiến của Bí thư chi bộ ... và .... Nói một cách khác : Khi đội bóng thắng (thu nhiều tiền) thì thành tích tỉnh hoặc thành phố hưởng, khi thua thì Nhà nước chịu ...



HAGL là CLB có mô hình tổ chức chuyên nghiệp nhất, nhì V.League hiện nay

Nhà báo Phạm Tấn: Tôi cho rằng bạn đang hiểu không đúng về thực trạng bóng đá Việt Nam hiện tại. Các CLB hiện tại họ đã chuyên nghiệp về mặt hình thức tổ chức khi hầu hết đều đã doanh nghiệp hóa. Thậm chí, họ đã thực hiện được điều đó hơn chục năm nay, như Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An, Becamex Bình Dương...

Những đội bóng tiêu tiền của chính ông bầu có hai trong số ba đội nói trên (trừ Bình Dương), và có thêm HN T&T, nhiều CLB hoạt động bằng tiền tài trợ, quảng cáo kết hợp với ngân sách nhà nước (chỉ một phần nhỏ) như SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng, Than Quảng Ninh.

Việc chỉ đạo từ lãnh đạo tỉnh, thành phố với bóng đá hiện đã không còn là vấn đề nữa bởi khả năng tự quyết của các CLB, của chính ông chủ là rất cao. Vấn đề khiến cho bóng đá Việt Nam không được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp nằm ở chỗ là bóng đá chưa tạo ra lợi nhuận.

Ngay cả Hoàng Anh Gia Lai cũng chưa đạt được điều đó. Thế nên cho rằng việc "tỉnh hoặc thành phố hưởng, khi thua nhà nước chịu" không chuẩn xác.

Thứ hai là ở ý thức của cầu thủ đã cải thiện khá nhiều trong những năm qua, đã ý thức về nghề nghiệp hơn nhưng vẫn chưa đủ. Sinh hoạt là một khía cạnh bí ẩn, nhưng trên sân cỏ thì nó thể hiện ở nỗ lực, thái độ và ứng xử thi đấu.

Thứ ba là ở cơ sở vật chất: Nếu cho rằng các CLB chuyên nghiệp cần phải có sân bóng của riêng họ thì chưa có CLB nào ở V-League đạt được điều đó. Bóng đá thế giới có những đội bóng lớn cũng phải thuê sân, nhưng rất ít, và họ đều hướng tới việc xây sân của riêng mình (như AC Milan).

Nhưng theo dõi bóng đá trong nước hơn chục năm nay, tôi thấy chuyên nghiệp hóa có những tiến bộ. CĐV trên khán đài văn minh hơn, quan hệ truyền thông bài bản hơn, hệ thống tổ chức giải chuyên nghiệp hơn.

Dũng Phương: Các đội bóng Việt Nam muốn ra châu lục thì phải mua những cầu thủ tài năng, giỏi từ khắp thế giới. Huấn luyện cũng phải có người giỏi chứ toàn trình độ làng nhàng thì làm sao mà đá được với Nhật hay Hàn.



Becamex Bình Dương (áo đỏ) tập hợp nhiều cầu thủ giỏi của BĐVN nhưng so với những đội bóng hàng đầu châu lục như Kashima Reysol vẫn còn khoảng cách

Nhà báo Phạm Tấn: Không sai. Bình Dương là đội bóng tập hợp nhiều cầu thủ tốt nhất của BĐVN nhưng rõ ràng chất lượng cầu thủ có khoảng cách với CLB Kashiwa Reysol.

Công Vinh, Trọng Hoàng là hai trong số hiếm hoi những vị trí gây được khó khăn cho đối thủ. Ngay cả các cầu thủ ngoại của Bình Dương cũng không đạt tới trình độ của các cầu thủ châu Á bên phía đối phương.

Hai HLV dẫn dắt hai đội bóng đá ở AFC Champions League thì một là Lê Thụy Hải – người giàu thành tích nhất, còn Phan Thanh Hùng từng cầm quân đội tuyển. Nhưng hệ thống HLV có thể thay đổi về chất phải là đội ngũ những HLV trẻ, đào tạo trẻ và những HLV có trình độ với những kiến thức bóng đá hiện đại.

Tôi còn nhớ câu mà tiền vệ Robert Nita (từng đá Champions League ở châu Âu) sau khi đầu quân cho Thể Công mùa 2009 từng nói với tôi rằng, các bài tập ở đội bóng này còn thua xa những gì diễn ra ở Rumania những năm 80.

Chúng ta có thể kỳ vọng ở thế hệ những HLV trẻ hơn, những người có kỹ năng, có thể trau dồi ngoại ngữ để tiếp cận với tinh hoa của bóng đá thế giới. Một thế hệ đông đảo hơn sẽ sàng lọc ra những HLV giỏi thay vì lứa trung niên chỉ có vài ba người và người nhiều bằng cấp nhất là HLV Hoàng Anh Tuấn (Khánh Hòa) lại là chuyên gia chống xuống hạng.

Dương Vũ: Tôi xin góp thêm 1 lý do: Các đội V-League tự ti về bản thân, lúc nào cũng nhập cuộc sân chơi khu vực với tâm thế, trước sau gì cũng bị loại nên loại sớm đỡ tốn tiền. Chưa đá mà trong tư tưởng đã thua như thế thì thất bại bạc nhược là điều đương nhiên.

Nhà báo Phạm Tấn: Đó chính là vấn đề thái độ. HN ACB khi đá AFC Cup đã coi đó như là cơ hội đi du lịch cho các cầu thủ. Phần nào đó, Ninh Bình, Hòa Phát, Nam Định trước kia cũng thế.

Thành phần thi đấu thường là những người ít ra sân ở V-League, những cầu thủ trẻ. Nếu tôi nhớ không nhầm, Nam Định từng có lần đề HLV trưởng của họ là ông Ngọc Hảo ở nhà còn trợ lý Thế Cường cầm quân đi đá giải châu lục. CLB tham dự giải châu lục tạm được coi là nghiêm túc nhất trong giai đoạn 2005 – 2008 là Đồng Tâm Long An dưới thời ông Calisto.



Vụ bán độ của V.Ninh Bình tại AFC Cup là 'vết đen' của BĐVN

Chúng ta phải đặt câu hỏi, liệu việc các cầu thủ Ninh Bình tranh thủ bán độ năm ngoái có phải là do đội bóng thiếu tham vọng? Và những trận thua khó hiểu và mất mặt của HN ACB trước kia thì sao, có chung kịch bản?

Việc thái độ thi đấu của cầu thủ hay công tác chuẩn bị của HLV bắt nguồn từ tham vọng của CLB. Các CLB V-League sẽ phát triển hơn nếu như họ có tham vọng vươn ra khỏi biên giới Việt Nam, nhưng họ lại chưa có điều đó, chưa đầu tư và điều quan trọng nhất, là việc thi đấu ở AFC Champions League chưa mang lại cho họ lợi nhuận.

Nếu tham dự Champions League ở châu Âu mà không sinh lời, chắc chắn các ông lớn như Barca, Real, Man United, Munich... cũng sẽ không đặt mục tiêu phải góp mặt hàng năm và vô địch giải đấu đó.

Còn Việt Nam, nếu ai chưa vội quên, chúng ta nhớ có giai đoạn các CLB ngại vô địch. Vì họ sợ bị "đánh hội đồng" ở mùa sau, sợ tài chính sẽ thêm gánh nặng chi phí thi đấu giải châu lục, trong khi mục tiêu của họ chỉ là để tồn tại.

Khi nền tảng của đội tuyển là giải VĐQG với các CLB chỉ như thế thì đội tuyển cũng chỉ quanh quẩn với những mục tiêu khu vực là điều đương nhiên.

Nhưng, tôi có thể thấy ở V-League mùa này có những đội bóng có tham vọng là Than Quảng Ninh, Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai, trong khi có nhiều đội bóng muốn có thứ hạng cao như Thanh Hóa, Đồng Tâm Long An, Sông Lam Nghệ An.  

Chúng ta cũng thấy một số đội bóng, như Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng sau khi đoạt đủ các thành tích thì họ bắt đầu chững lại, không còn nhiều khát vọng nữa.

Hai đội bóng này được cho là cùng một ông chủ (bầu Hiển) và việc Hà Nội T&T ít sa sút hơn (đứng thứ 8) so với SHB Đà Nẵng (thứ 12) là do đội bóng Thủ đô ít gắn với bao cấp hơn (thậm chí không).

Nó cho thấy doanh nghiệp hóa, chuyên nghiệp hóa thực sự là điều tất yếu.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm