18/04/2025 15:21 GMT+7 | Giải trí
Âm nhạc không chỉ là nghệ thuật mà còn là tài sản trí tuệ của người sáng tác nhưng không ít trường hợp tác phẩm bị sao chép, sử dụng trái phép mà tác giả không biết hoặc khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.
Vì vậy, trong hệ thống sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan là công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ tác phẩm âm nhạc không bị sử dụng trái phép. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế toàn diện. Sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới và âm nhạc, nghệ thuật cũng được xem là một ngành công nghiệp văn hóa trọng yếu. Sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số đã tạo cơ hội mới cho nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc đưa tác phẩm đến công chúng nhanh hơn, hiệu quả hơn và mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn.
Tuy nhiên, cùng với đó là những thách thức về xâm phạm bản quyền, sao chép trái phép, thu lợi bất hợp pháp từ nền tảng số. Năm 2025, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã đưa ra thông điệp của Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 là: "Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ" trên toàn cầu để bảo vệ tác phẩm âm nhạc không bị sử dụng trái phép; đảm bảo thu nhập công bằng cho nghệ sĩ, nhà sản xuất, đơn vị phát hành; đồng thời, khuyến khích đầu tư vào sáng tạo, sản xuất và phân phối nội dung có bản quyền.
Sở hữu trí tuệ - Pháp lý bảo vệ người sáng tạo âm nhạc
Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thời gian qua, Việt Nam chú trọng đến quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng. Đến nay, Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan như: Công ước Berne - về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Hiệp ước WCT - về quyền tác giả của WIPO, Hiệp ước WPPT - Biểu diễn và Bản ghi âm của WIPO; Hiệp ước Marrakesh - về quyền tác giả đối với người mù, Hiệp định TRIPS - các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ… và Cục Sở hữu trí tuệ đang tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện pháp luật để bắt kịp xu thế mới.
Chủ đề “Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ” nhấn mạnh vai trò của âm nhạc - một ngành công nghiệp văn hóa cốt lõi trong phát triển kinh tế sáng tạo. Nguồn: www.bvhttdl.gov.vn
Đặc biệt, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật. Quyền tác giả được quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 4 của Luật: "Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu". Ngoài ra, tại Điều 18 của Luật Sở hữu trí tuệ cũng nêu rõ, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Như vậy, quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm âm nhạc do mình sáng tạo hoặc sở hữu, được bảo hộ theo quy định của pháp luật. Quyền sở hữu trí tuệ giúp bảo vệ lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm trước các hành vi sử dụng trái phép.
Cũng theo ông Lê Huy Anh, hiện nay, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, cùng với việc tham gia các điều ước quốc tế cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn trong xử lý vi phạm và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến tác phẩm trong lĩnh vực âm nhạc.
Liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc, ông Bùi Nguyên Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam cho biết, trong kỷ nguyên kỹ thuật số và mạng internet cho phép con người có nhiều cơ hội tiếp cận với tác phẩm, cuộc biểu diễn, ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vượt không gian nên đã đặt ra cho nhạc sĩ, nghệ sĩ, tác giả, nhà sản xuất... yêu cầu phải chú trọng tới sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan về sở hữu trí tuệ trong môi trường số, internet.
Nâng cao nhận thức về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc
Nhân Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 với thông điệp "Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ", nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực âm nhạc được lan tỏa và diễn ra rộng khắp cả nước. Điển hình, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Chương trình giới thiệu, giao lưu về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc với chủ đề "Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ" nhằm tôn vinh sáng tạo âm nhạc cũng như lan toả thông điệp Thành phố Hồ Chí Minh là Thành phố sáng tạo nghệ thuật; Tọa đàm "Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc" nhằm đối thoại, nắm bắt thực trạng tổ chức các sự kiện âm nhạc tại Việt Nam và nước ngoài, phương hướng phát triển, những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc cũng như định hướng phát triển trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài nhằm lan tỏa ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí Việt Nam ra thế giới.
Hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp tổ chức Lễ phát động tại Trường Đại học Thủy lợi, Hà Nội. Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức "Diễn đàn doanh nghiệp về Kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc". Các hoạt động hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 nhằm chia sẻ những khó khăn, thách thức mà nghệ sĩ, tác giả gặp phải nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ, cũng như tạo ra những góc nhìn sâu sắc về trách nhiệm, nhận thức và hành động của cộng đồng đối với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất