'Số hóa' để nâng tầm di sản

27/10/2022 19:30 GMT+7 | Văn hoá

“Chúng ta có kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 8.000 lễ hội truyền thống. Tất cả các dữ liệu này sẽ dần được số hóa và trở thành tài sản để phát huy, đồng thời dựa vào đó để bảo tồn, duy trì" - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết.

Bắc Ninh số hóa các di tích, danh thắng du lịch

Bắc Ninh số hóa các di tích, danh thắng du lịch

Trong thời đại số, các ứng dụng công nghệ như hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System), mã quét QR, hoặc xây dựng các video clip, ảnh 360 độ, thuyết minh tự động... giúp đưa di sản đến gần hơn với công chúng.

Khẳng định này được đưa ra tại hội thảo Chuyển đổi số của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, diễn ra tại Hà Nội sáng 27/10. Hội thảo do Trung tâm Công nghệ Thông tin (cơ quan thường trực về chuyển đổi số của Bộ VH,TT&DL) tổ chức với sự tham gia của hơn 120 đại biểu từ 63 tỉnh, thành phố.

Sẽ có hệ thống bản đồ số cho di sản

Như các chia sẻ tại hội thảo, gắn với chương trình Chuyển đổi số của Bộ VH,TT&DL cũng như nhu cầu phải đổi mới trong bối cảnh hiện tại, xu thế áp dụng công nghệ số đang được đẩy mạnh tại nhiều bảo tàng hoặc các điểm du lịch gắn với di sản trong vài năm qua.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo

Đơn cử, vào tháng 4/2021, việc ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có thể coi là một cột mốc trong lĩnh vực này. Vượt trội hơn những phần mềm thuyết minh tự động thông thường, ứng dụng cung cấp hàng loạt tính năng mới như cho phép xem hình ảnh chất lượng cao; đọc nội dung bài giới thiệu; xác định vị trí hiện vật; xem sơ đồ hệ thống trưng bày; phân biệt các phòng đã, đang và chưa tham quan bằng màu sắc… Chỉ cần trả phí tải ứng dụng, với điện thoại thông minh có kết nối mạng, du khách có thể tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng này bất cứ khi nào và ở đâu trên toàn thế giới, với 8 ngôn ngữ thuyết minh.

Tương tự, vào tháng 9/2021, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng cho ra mắt trưng bày ảo 3D Bảo vật Quốc gia. Tại đó, với giao diện được thiết kế khoa học, 20 bảo vật được “trưng bày” với các mục giới thiệu (gồm ba cấp thông tin từ cơ bản đến chuyên sâu); hình ảnh (ảnh chụp bảo vật, họa tiết trang trí, bản dập,di tích liên quan...); video (clip, trích đoạn phim giới thiệu về bảo vật); tương tác 3D (ảnh 3D, có thể tương tác); nghiên cứu (các nghiên cứu, chuyên khảo, nhận định)... Với cách tổ chức công phu này, người xem có thể tự tìm hiểu, tra cứu, khám phá bảo vật Quốc gia ở nhiều góc độ tùy theo nhu cầu.

Chú thích ảnh
Ứng dụng iMuseum VFA của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tại miền Trung, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng là đơn vị nổi bật trong việc thực hiện các giải pháp chuyển đổi số như triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế” ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D cho phép xem hiện vật bằng tương tác và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng Thành tại Huế bằng công nghệ số, số hóa 3D lăng Tự Đức trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage... Gần nhất, Tuần lễ Festival Thừa Thiên Huế năm 2022 cũng đã ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping hiện đại để tổ chức lễ khai mạc.

Những bước đi - và thành quả - cơ bản này có thể coi là nền tảng cho chiến lược của Bộ VH,TT&DL trong thời gian tới. Như lời Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, tất cả các di sản văn hóa sẽ được số hóa trên bình diện tổng quát để hình thành hệ thống về các các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Trưng bày 3D “Bảo vật Quốc gia” tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam

Hoàn thiện để nắm bắt cơ hội

"Ngành văn hóa, thể thao và du lịch sở hữu lợi thế vô cùng đặc biệt so với các ngành khác ở Việt Nam về quy mô thị trường, vì ngành này không chỉ phục vụ cho gần 100 triệu người Việt Nam mà còn có cơ hội phục vụ cho 8 tỷ khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới”- ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ tại hội thảo - “Chuyển đổi số là hết sức cần thiết để Việt Nam nắm bắt cơ hội đó”.

Để có thể thực hiện viễn đích ấy, nhiều bài học kinh nghiệm đã được đại diện các đơn vị chia sẻ tại hội thảo. Trong đó, điểm nổi bật là hành lang pháp lý và cơ chế phù hợp.

Chú thích ảnh
Hội thảo “Chuyển đổi số của ngành văn hóa, thể thao và du lịch” diễn ra tại Hà Nội sáng 27/10

Như lời TS Nguyễn Anh Minh (Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), chia sẻ lợi ích là nguyên tắc cốt lõi trong hợp tác công - tư, cho dù là ít hay nhiều. Thực tế, đã có những đề xuất hợp tác với đơn vị này theo hướng... không tưởng, chẳng hạn: Nếu áp dụng công nghệ, phải tới thời điểm lượng khách tham quan đạt tới ngưỡng 300 ngàn khách/năm (gấp 4 lần hiện tại), phía bảo tàng mới được “san sẻ” về lợi ích.

“Chúng tôi không chấp nhận những đề xuất như vậy. Bảo tàng đã tìm được đối tác đồng ý chia sẻ lợi nhuận ngay từ năm đầu tiên khi sản phẩm đưa vào sử dụng và tăng dần đều theo từng năm cho đến khi đạt mức cân bằng. Đây chính là nguyên tắc đôi bên cùng có lợi trong một dự án xã hội hóa” - TS Minh chia sẻ.

Cũng theo lời ông, trong khi chưa có chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư công nghệ vào các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực di sản (chẳng hạn giảm thuế), thời hạn ký kết hợp đồng 5 năm/lần đối với một dự án xã hội hóa như dự án của Bảo tàng là quá ngắn. Do đó, rất cần có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa để thu hút các nguồn vốn xã hội hóa, đặc biệt trong lĩnh vực phát huy giá trị hiện vật bảo tàng trên nền tảng số.

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng ngành văn hóa nên có thêm chiến lược đào tạo nhân lực, cũng như xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản văn hóa số và ứng dụng công nghệ trong việc số hóa thông tin, để từ đó các đơn vị có thể cùng kết nối, chia sẻ thông tin một cách hiệu quả.

Chuyển đổi số trong ngành văn hóa

Vào cuối năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo, ký ban hành chương trình Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ và nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế và xã hội số.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm