"Slumdog Millionaire" với 8 giải Oscar, 5 giải Critics' Choice, 4 giải Quả Cầu Vàng và 7 giải BAFTA đã trở thành một hiện tượng của năm nay. Vừa qua, trang web Pyroradio đã có một cuộc phỏng vấn với đạo diễn của phim, ông Danny Boyle về quá trình làm phim cũng như những khó khăn mà ông gặp phải khi thực hiện bộ phim này.
* Ông bắt đầu với Slumdog Millionaire như thế nào?
Ban đầu họ gửi cho tôi kịch bản, trợ lý của tôi nói đó là kịch bản về Ai là triệu phú. Tôi nghĩ, thật sự mà nói, tôi không muốn làm phim về đề tài đó. Sau đó tôi xem ai đã viết nó vì họ chưa nói với tôi. Và đó là Simon Beaufoy, ông ấy đã viết kịch bản cho The Full Monty.
Mặc dù chưa bao giờ được gặp ông ấy, tôi vẫn nghĩ mình nên đọc nó một cách trân trọng thật sự. Và tôi bị thuyết phục chỉ sau 10 hay 15 trang kịch bản. Tôi đã hoàn toàn quyết định được. Lúc đó tôi có cảm giác như tôi biết mình nên làm gì, tôi hoàn toàn quên đi những lý thuyết hiện thực về việc làm phim.
Đó là một cảm giác như có mối liên hệ giữa mẹ và con, cảm giác khi mà người mẹ quên hết những nỗi đau đớn khi sinh con và quyết định có thêm một đứa con nữa. Tôi không biết sự thực như thế nào, nhưng điều đó có xảy ra với các bộ phim. Bạn sẽ quên ngay thực tại, và tất cả những gì bạn biết là bạn phải làm phim đó, vì nó sẽ thật tuyệt.
Lúc đó tôi thậm chí còn không tưởng tượng được bộ phim sẽ ra sao, nhưng tôi vẫn quyết định sẽ làm. Tôi gọi cho nhà sản xuất, Christian Colson và Simon, sau đó đến Ấn Độ để tham khảo địa điểm. Tôi cũng làm một cuộc kiểm tra bằng đường biển, chỉ để chắc chắn rằng nó không giống như trong nhật ký của Hitle, nơi mà mọi thứ đều là giả.
Bạn sẽ biết ngay là mọi thứ có phải thực hay không, và nó tuyệt đẹp. Tôi đã phải lòng Ấn Độ, dù không được đi nhiều nơi, hầu hết tôi chỉ ở Mumbai nhưng tôi đã yêu thích thành phố và con người nơi đây. Khoảng thời gian chúng tôi làm phim thật là tuyệt vời, mong là các bạn sẽ được chứng kiến sự tuyệt vời này qua bộ phim.
* Việc quay phim ở Mumbai của ông có gặp nhiều khó khăn không?
Hoàn toàn không có vấn đề gì. Họ làm hàng ngàn phim mỗi năm. Lúc đó tôi đã có một chút ngạc nhiên, tôi cứ nghỉ rằng sẽ có nhiều tàn tích của chế độ thực dân, nhưng sau 20 năm, tất cả đã thay đổi. Đây là một thành phố bận rộn, họ vào guồng quay của một nền kinh tế đang đi lên.
Những người Anh, Đức, Mỹ có thể coi thường người Ấn Độ nhưng họ không dễ dàng bị chèn ép, họ có khả năng điều hành những sân bay, nhà băng một cách hoàn hảo. Đây thực sự là một thiên đường, ở đây tôi có tất cả những gì mình cần để làm phim.
Bộ phim của tôi đã kết thúc tốt đẹp. Có rất nhiều người giúp đỡ tôi trong quá trình làm phim, chúng tôi chỉ có 10 nhân viên, phần còn lại là những nhân viên của Bollywood. Họ không những giúp đỡ mà còn chỉ bảo cho tôi rất nhiều.
* Việc có được bản quyền cuốn sách nguyên tác của bộ phim có làm ông gặp khó khăn?
Đó là cuốn sách Q&A, do nhà ngoại giao Vikas Swarup viết. Đó là cuốn sách gối đầu giường cách đây một năm, tôi nghĩ vậy. Mọi người thường gọi điện cho tôi và bảo: "Tôi đã nghe phim của anh tối qua". Tôi thắc mắc không hiểu điều gì xảy ra. Hóa ra là họ nghe cuốn sách trên Đài kênh 4.
Nếu bạn đã từng xem cuốn sách và xem phim, bạn sẽ thấy rất khác, và bạn sẽ kinh ngạc bởi tài chuyển thể kịch bản của Simon. Cuốn sách dựa trên một chương trình truyền hình. Bộ phim được sản xuất bởi một công ty có tên gọi Celador Film và người điều hành công ty là Paul Smith.
"Slumdog Millionaire" giành được vô số giải thưởng tại các Lễ trao giải uy tín |
Anh đã sáng tạo ra chương trình Ai là triệu phú, sự thành công của nó đã đưa anh lên thành triệu phú. Sau đó, anh đã bán nó cho không biết bao nhiêu công ty và dùng tiền để thành lập hãng phim của riêng mình.
Ở Ấn Độ, chương trình này có tên Kaun Banega Crorepati, nhưng chúng tôi không được dùng tên này trong phim vì nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến chương trình. Chúng tôi được phép gọi nó là Ai là triệu phú, vì vậy nó có sự khác biệt với phiên bản của Ấn Độ và cũng không hoàn toàn giống phiên bản tại Anh, vì chương trình được quay ở Ấn Độ với người dẫn chương trình Ấn Độ.
Mọi việc là như thế. Tôi muốn nói rằng, mặc dù xuất hiện trong chương trình Ai là triệu phú, đứa trẻ trong phim không thực sự quan tâm đến tiền, ngoài tiền ra, còn những lý do khác mà cậu bé dự thi. Tôi nói vậy là vì với cương vị là một đạo diễn, tôi không thích chương trình đó lắm. Tôi thích cảnh trong nhà vệ sinh, khi anh ta đưa ra câu trả lời sai. Tôi thích cảnh đó còn hơn tất cả các cảnh trong chương trình.
* Việc thuyết phục diễn viên nam chính cho ngập đầu vào trong hố phân có khó không?
Cảnh trong phim quay đúng là hố phân, nhưng đầu anh ta không ngập trong đó. Chúng tôi đã chuẩn bị một bồn to đầy bơ lạc và socola cho anh ấy diễn. Vì vậy khi anh ta bỏ đầu ra, bạn có thể liếm socola trên đầu anh ấy. Còn về phản ứng của anh ấy trong phim, đó đúng là những phản ứng thực sự khi bạn bị như vậy.
Cậu ấy đóng thật là tuyệt, khá là tốt. Nếu tôi không kiếm được hàng triệu đô từ phim này thì tôi cũng không hối hận. Vì đó là bộ phim tôi thực sự thích, đặc biệt có phần liên quan đến thời thơ ấu, có bọn trẻ đóng. Tôi thường cư xử như trẻ con trên phim trường, tôi thích cái cảm giác tràn đầy năng lượng như trẻ con vậy.
Có trẻ con ở đó còn cho tôi những lý do để đi chơi. Chắc hẳn mọi người trong đoàn sẽ thầm nghĩ: "Tại sao ông ấy lại cư xử như vậy? Ông ấy là một người trưởng thành, đáng nhẽ ông ấy phải chịu trách nhiệm về chúng ta, phải đưa ra những quyết định. Nhưng ông ấy lại đi chơi với lũ trẻ." Nhưng tôi có lý do chính đáng vì bọn trẻ là nhân vật chính của phim.
* Ông tìm hai diễn viên nhỏ tuổi ở đầu phim như thế nào, chúng thật là trong sáng?
Ban đầu có ba đứa trẻ, một bé gái và hai bé trai. Một bé trai tên Azza đóng Salim hồi nhỏ, đó thật sự là một đứa trẻ đường phố. Chúng rất nghèo, và đôi khi bị bóc lột bởi uy quyền, nhưng chúng luôn tự hào về bản thân và con người ở đó thì tràn ngập nguồn sống.
Những người sống ở khu ổ chuột rất cần cù siêng năng, giống như tại Dharavi nơi chúng tôi quay phim rất nhiều, đó là một thành phố công nghiệp. Thành phố đó rất quy củ và rộng lớn.
Ở đây họ đánh giá tâm hồn, tính chất cộng đồng của con người hơn là vật chất. Vì vậy từ "ổ chuột" có nghĩa hơi tệ, nhưng những đứa trẻ này đến từ nơi đó. Cậu bé kia đóng Jamal lúc bé, đó là một học sinh trung học và cậu ấy nói được một chút tiếng Anh.
Những đứa trẻ khác không học tiếng Anh cho đến khi chúng 8 đến 10 tuổi. Lúc đầu chúng tôi nghĩ là có thể quay chúng bằng tiếng Anh nhưng rõ ràng điều đó sẽ trở nên giả tạo vì chúng đơn giản là không nói tiếng Anh.
Vậy là chúng tôi phải nhờ Loveleen, đồng đạo diễn với tôi, dịch lời thoại sang tiếng Hindi. Và việc diễn bằng tiếng Hindi làm cho lời thoại của chúng trở nên sống động nhất. Nhưng với tôi thì thật lạ lẫm, vì tôi phải đạo diễn những diễn viên nói thứ tiếng mà tôi không hiểu gì. Đó là một cảm giác thật kỳ quặc.
Bạn nghĩ bạn có thể đánh giá mọi thứ nhưng dường như không thể, và mọi thứ dường như không thể dịch một cách trực tiếp. Bạn tưởng rằng mọi thứ có thể được dịch một cách trực tiếp nhưng thực ra không phải vậy.
Tôi đã phải liên tục tìm phụ đề cho những lời thoại đó. Có một điều rất buồn cười trong quá trình tìm hiểu ngôn ngữ. Khi thể hiện rằng mình đói, bạn sẽ nói là bạn có chuột chạy quanh người. Điều đó thật là hay.
|
Đạo diễn Danny Boyle (đứng thứ 3 từ trái sang) đang chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên trong phim "Slumdog Millionaire" |
* Cảnh quay ở đền Taj Mahal diễn ra như thế nào?
Cảnh quay đó thật thú vị, chúng tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời khi quay tại đó. Lúc đầu, họ tưởng chúng tôi đến đó để quay ngôi đền, nhưng về sau họ phát hiện ra chúng tôi đến đó không chỉ để quay lại cảnh ngôi đền mà để kể một câu chuyện. Chúng tôi đã phải thuyết phục họ rất nhiều, và cuối cùng cũng thành công. Đó là tất cả những gì tôi có thể kể về cảnh quay ở đền Taj Mahal.
* Làm việc với những diễn viên bản địa ông thấy thế nào?
Những diễn viên nam thật là đặc biệt, có lẽ vì đã có rất nhiều phim được làm ở đó rồi. Khi bạn làm phim với một diễn viên phương Tây, dù là một diễn viên gạo cội hay tài tử Leonardo Dicaprio, hầu hết họ đều vô công rồi nghề phần lớn thời gian.
Và khi bạn mời họ đóng phim, họ sẽ vui vẻ đồng ý. Ở Ấn Độ mọi diễn viên nam đều đóng nửa tá phim cùng một lúc. Họ sẽ cho bạn biết khi nào họ rỗi. Bạn nói: "Này Irfan, chúng tôi có một phim quan trọng cho anh vào thứ 3". Anh ta sẽ trả lời: "Tôi không rỗi vào thứ 3. Tôi có thể rỗi vào thứ 5". Đương nhiên là người đồng diễn Anil lại không rỗi vào ngày đó.
Trợ lý đạo diễn phải là người phải nắm rõ một danh sách các số điện thoại di động của nhiều người trong nhiều lĩnh vực, anh ta sẽ liên lạc với những trợ lý đạo diễn của các dự án phim khác để sắp xếp cho Irfan rỗi vào thứ 3 thay vì thứ 5.
Nhiều đoàn làm phim phải hợp tác với nhau thành một thể thống nhất. Lúc đầu bạn có thể thấy bực bội vì sự phiền toái này. Nhưng khi bạn thu xếp mọi thứ xong xuôi, bạn sẽ có một bộ phim hoàn chỉnh với những diễn viên bạn mong muốn. Thế là bạn giải quyết được việc.
* Bộ phim đã được quảng bá ở Mỹ như thế nào?
Tôi đã luôn nghĩ, ngay khi chúng tôi đến Telluride và Toronto, trực cảm luôn mách bảo tôi nó sẽ thành công ở Anh. Đó sẽ là một việc khó khăn nhưng câu chuyện đó sẽ đi vào lòng khán giả bởi sợi dây kết nối vô hình mà chúng ta có với Ấn Độ.
Hơn nữa chúng tôi có trong dàn diễn viên Dev Patel, người đã nổi tiếng nhờ phim Skins. Tôi nghĩ thế là đủ để bộ phim thành công. Tôi đã nghĩ nó sẽ không bao giờ được khán giả Mỹ đón nhận. Nhưng tôi đã đánh giá thấp ảnh hưởng của bộ phim, khán giả Mỹ thật sự yêu thích câu chuyện này.
Họ không có mối quan hệ với Ấn Độ nhiều. Sự thành công của bộ phim thật là ngoài sức tưởng tượng. Ban đầu chúng tôi làm phim với công ty Warner Independent nhưnghọ bị đóng cửa bởi công ty mẹ Warner.
Kết quả là bộ phim bé nhỏ này, tuy vẫn trong dự án của họ, bị bỏ rơi vì họ nghĩ rằng nó không đáng để được quảng bá. Chúng tôi đã nghĩ rằng mình mất nhà đầu tư, tuy nhiên sau này, người điều hành Warner gửi nó cho Peter Rice thuộc hãng Fox Searchlight, anh có chuyên môn về những phim như vậy. Năm ngoái họ đã sản xuất phim Juno, Vị vua cuối cùng của Scotland, họ sản xuất những phim có ngân sách hạn chế nhưng đem lại thành công.
Họ sẽ làm tất cả chophim một cách năng nổ, họ đã mang bản ra mắt của phim đến Mỹ vào ngày 14 tháng 11 năm 2008. Tôi đã đến đó và quảng bá cho phim. Tất cả những gì tôi làm là đi khắp thành phố nói về bộ phim, trả lời câu hỏi, tôi đã làm hết sức mình để nó có cơ hội thành công.
* Ông quay cảnh cuối với điệu nhảy của Bollywood như thế nào?
Bạn không thể sống và làm việc ở Bombay mà không nhảy, thực sự là bạn phải nhảy. Điều đó hết sức tự nhiên. Ban đầu chúng tôi dự tính sẽ có 5000 người thực hiện điệu nhảy, nhưng đó chỉ là lý thuyết. Sau đó chúng tôi phải cắt bớt còn 3000 người, rồi 1000 người, và cuối cùng là 500 người với 50 người nhảy ở phía trước.
Kết quả là có 300 người với 28 vũ công giỏi ở đằng trước. Chúng tôi đã thực hiện cảnh đó trong vòng 3 đêm liền tại một nhà ga có tên Victoria Terminus. Đây là một nhà ga nổi tiếng, nhưng nó chỉ cho chúng tôi quay từ lúc 2h đến 4h sáng, tức là chúng tôi chỉ có 2 tiếng mỗi đêm. Vì vậy chúng tôi phải quay trong 3 đêm ròng, cũng không thể quay vào giờ nào khác được vì những lúc đó nhà ga chật ních người.
Chúng tôi đã làm như vậy. Chúng tôi có một nhà biên đạo múa tuyệt vời, chỉ khổ cho Dev, cậu ta chưa thực sự nhảy bao giờ. Cậu ta thường xuyên bị ngã vì không quen. Mặc dù là người gốc Ấn nhưng cậu ấy sống ở London.
Chúng tôi bảo với cậu ấy: "Cậu không biết nhảy à, thật là đáng thông cảm". Và chúng tôi bắt cậu ta học nhảy. Cậu ấy phải quen dần từ những động tác chơi bóng rổ, vì đó là những động tác dễ nhất. Tất cả những vũ công đều rất giỏi, họ thật sự yêu nghề. Họ cảm nhận được điệu nhảy, có thể nhìn thấy rõ điều đó ở tay họ, ở thái độ của họ.
Chúng tôi cũng có mộtnhạc sĩ tuyệt vời, Rahman. Anh ấy thật sự nghiêm túc và chăm chỉ. Anh ấy là sự kết hợp của Micheal Jackson, Tom Cruise và Bruce Springteen. Đó là một người đẹp đẽ, giản dị và nổi tiếng đến mức không ngờ. Âm nhạc như chảy trong huyết quản của anh.
Tôi quý anh ấy vì công việc của anh. Khi giao việc cho anh ấy, anh ấy đều làm rất nghiêm túc. Đó là một người đặc biệt. Bài hát trong phim có tên Jai Ho, với một chút chất Tây Ban Nha trong đó.
|
Danny Boyle và các diễn viên trong phim |
* Tôi nghe nói người Mỹ thắc mắc về cảnh quay trong toilet?
Có hai cảnh trong toilet. Tôi biết nhưng tôi không thể cắt nó đi vì đó là những cảnh rất hay. Đó là cảnh một người muốn trốn khỏi chiếc toilet hết lần này đến lần khác. Thật khó để giải thích cho người Mỹ hiểu tại sao những phim Anh thường có những cảnh đó, đơn giản đó là cách làm phim của chúng tôi, một thói quen làm phim có những cảnh đó.
* Phần cuối của phim cũng mang màu sắc nhạc kịch, ông có tham vọng làm phim nhạc kịch không?
Tôi thích những đoạn như thế. Tôi đã thực hiện nó trên sân khấu ở RSC. Tôi rất thích làm những đoạn phim như vậy. Giấc mơ của tôi là làm phim nhạc kịch vì việc làm nhạc phim bây giờ là điều khó nhất. Khi xem lại cảnh đó tôi thấy thật tuyệt, thật hoàn mỹ. Chúng tôi đã muốn cho nó vào trong phim, nhưng rồi quyết định để nó ở đoạn cuối, vì có vẻ như đó là chỗ của nó. Tôi rất yêu âm nhạc.
* Vậy ông nhận xét như thế nào về bộ phim của chính mình?
Tôi chỉ biết nói là nó rất thật, tôi đã cố gắng hết sức mình để mọi thứ không giả tạo. Và một điều nữa, tôi yêu bộ phim này, mong khán giả cũng sẽ thích nó.
Theo TGĐA