Sir Ferguson chỉ trích Man City: Bổn cũ soạn lại?

27/07/2009 12:27 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Khi Ngài Alex Ferguson bắt đầu một cuộc khẩu chiến với ai, thì điều đó không đơn thuần chỉ là việc ông thù ghét kẻ đó. Trong quá khứ, tất cả những đối thủ bị rơi vào vòng xoáy “võ mồm” của chiến lược gia người Scotland đều là những kẻ ngáng đường nguy hiểm đối với Quỷ đỏ thành Manchester. Giờ đây, người ta cũng có quyền nghĩ về Man City theo hướng đó. Cuộc tấn công đầu tiên từ Sir Alex đã bắt đầu ngay trước mùa giải mới, chiêu thức đó lại là “bổn cũ soạn lại”?

Trên giấy tờ, Ferguson có quyền “dạy dỗ” người học trò cũ, Mark Hughes. Nhưng khách quan mà nói, việc ông xem Man City “chỉ là một đội bóng nhỏ, với tinh thần yếu đuối” là không ổn chút nào. Sir Alex có thể nghi ngờ thành công của Carlos Tevez tại City of Manchester, nhưng ông chắc chắn đã làm mích lòng không ít CĐV Man xanh, khi đưa ra các nhận định kiểu châm chích như vậy. Những tuyên bố kiểu này của Ferguson không hiếm, mang tính phiến diện, đầy vẻ gây sự, và thậm chí, rất thiếu cơ sở. Nhưng tác động của nó thì không thể đùa. Arsenal, Chelsea, hay cả Liverpool đều đã từng được nếm thử hương vị của những cú thọc sườn tương tự. Và người được lợi nhiều nhất, dĩ nhiên vẫn là Ferguson.

Sir Alex đang lo ngại về sức mạnh tài chính khủng khiếp của Man City?

Chiến lược gia lão luyện của M.U không bao giờ ngẫu nhiên đưa ra những câu nói “bất hủ” về đối phương. Ông cũng chưa đến nỗi lẩm cẩm để bất thần chọc tức một đối thủ bất kỳ theo ý thích. Trước những cuộc mua bán, và cả khuếch trương thương hiệu rầm rộ từ phía CLB áo xanh, Ferguson đang quan ngại. Vụ Tevez chỉ là cái cớ, quan trọng hơn, ông đã không khỏi cay mũi trước cái cách tiêu tiền của người Ảrập. Trong bối cảnh như vậy, lời cảnh báo đầu tiên là cần thiết, và rất hợp logic với các chiến thuật tâm lý chiến từ xưa của Ferguson.

Man Utd đang không được lịch sử ủng hộ. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi một “số 7” ra đi, họ thường phải đối mặt với một mùa giải rất khó khăn. Không quá khó để giải thích điều này. Chiếc áo số 7 từ lâu đã được xem là một bảo bối ở Old Trafford, một chiếc áo rất khó thay thế ngay chỉ sau 1 mùa bóng. Năm 1974, George Best ra đi khiến Man Utd không thể cạnh tranh nổi với Derby hay Liverpool. Năm 1983, Steve Coppell giã từ sự nghiệp cũng là thời điểm Liverpool tạo dấu ấn thống trị. Năm 1994, Bryan Robson để lại một khoảng trống quá lớn ở Nhà hát của những giấc mơ, và Blackburn đã lập tức tận dụng cơ hội để chiến thắng. Năm 97, khi thầy trò Ferguson tưởng như chẳng còn đối thủ ở Premier League, Eric Cantona đột nhiên giã từ sân cỏ, và Arsenal đã lần đầu tiên vô địch kể từ khi giải VĐ nước Anh đổi tên thành giải Ngoại hạng. Gần đây nhất, mùa hè năm 2003, khi Beckham tới Real Madrid, lịch sử vẫn lặp lại. Đó là mùa bóng Arsenal vô địch, và Chelsea bắt đầu phô trương thanh thế bằng sự hẫu thuẫn của Abramovich. Tất cả những dấu hiệu đó có cho thấy một thảm họa nào không, với việc Ronaldo ra đi?

Chưa biết bánh xe lịch sử có quay vòng không, nhưng chắc chắn, Ferguson đã cảm nhận được sự suy yếu của đội bóng. Sẽ khó để Man Utd nhanh chóng tìm ra một CR7 nữa, trong khi các đối thủ của họ lại đang mạnh lên. Trước khi nhắc tới những Chelsea, Liverpool hay Arsenal, “cái gai” lớn nhất của Ferguson vẫn là Man City, đội bóng vẫn đang đầy hứng khởi trong các cuộc shopping.

Những đòn tâm lý chiến quen thuộc đang được Ferguson tái hiện. Nhưng hiệu quả của nó thì vẫn phải chờ khi mùa bóng bắt đầu. Chỉ có một điều mà “máy sấy tóc” chắc chắn sẽ không thể thay đổi: Năm nay, đội bóng đáng xem nhất sẽ không còn là M.U!

Tiểu Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm