Sir Alex và 25 năm với M.U: Đám cưới bạc cho mối tình kim cương

05/11/2011 06:30 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH Cuối tuần) - Chủ Nhật này sẽ là ngày mà rượu vang và những lời ca tụng chảy như suối ở Old Trafford. Ngày kỷ niệm “đám cưới bạc” 25 năm giữa Sir Alex Ferguson với M.U. Một cuộc hôn nhân kéo dài đến chừng đó đã khó. Một ông thầy cầm quân từng ấy năm ở một đội bóng danh tiếng còn khó hơn gấp bội, nhất là trong thời buổi HLV bị coi là “nghề nguy hiểm”.

1/4 thế kỷ. Có lẽ khi nhậm chức chỉ huy “Nhà hát của những giấc mơ” ngày 6/11/1986, Sir Alex cũng không nghĩ rằng đây lại là công việc dài hơi đến thế. Nó vẫn đang tiếp diễn, bất kể cuối năm nay ông sẽ cán mốc “thất thập cổ lai hy”. Và chẳng ai muốn nghĩ đến ngày công việc đó dừng lại. Eric Cantona - một học trò của ông, một huyền thoại của Old Trafford – từng thốt lên: “Có lẽ tôi chết trước khi ông ấy mất. Tôi dám chắc Sir Alex sẽ ngồi trên băng ghế M.U mãi mãi. Đó là cuộc sống của ông”.


Ảnh chụp Sir Alex vào các năm 1986, 1987, 1988, 1989, 1990; 1991, 1992, 1993, 1994, 1995; 1996, 1997,
1998, 1999, 2000; 2001, 2002, 2003, 2004, 2005; 2006, 2007, 2008, 2009, 2010...

Đương nhiên, đó là một câu thậm xưng. Sẽ đến lúc, Sir Alex nói lời chia tay. Và chắc chắn đó là quyết định “độc quyền” của riêng ông. Đã từ rất lâu rồi, ban lãnh đạo M.U trước đây cũng như nhà Glazer nắm quyền hiện nay đều tuân thủ một nguyên tắc bất di bất dịch của Old Trafford: “Sir Alex là bất khả xâm phạm”. Những tỷ lệ độ về sa thải Huấn luyện viên (HLV) ở Premier League mỗi mùa cũng chỉ đưa tên ông vào cho đủ danh sách. Ông sẽ ra đi khi nào cảm thấy đến lúc. Suýt chút nữa, thời điểm ấy đến ở mùa 2001-02. Nhưng Sir Alex đổi ý và giờ đây không chỉ cán mốc “đám cưới bạc”, mối tình này vẫn đang tiếp tục bền chặt.

Bản trường ca đầy cung bậc

Nếu điểm lại 25 năm qua của Sir Alex cùng M.U, cần nhiều hơn một quyển sách. Nếu thống kê những danh hiệu, cần một tủ trưng bày vĩ đại. Nếu Old Trafford tổ chức bữa tiệc gặp gỡ những học trò của ông, cần một hội trường rộng lớn. Ông như một kiến trúc sư miệt mài xây dựng hết thế hệ này đến thế hệ khác. Những gương mặt có thể đổi thay, nhưng khát khao vinh quang thì vẫn sôi sục như vậy và các đỉnh cao vẫn luôn được chinh phục.

Bản trường ca đó có những nốt dạo đầu gian nan khi đã có lúc, Sir Alex đứng trước sức ép khủng khiếp từ người hâm mộ. Tháng 12/1989, Old Trafford xuất hiện tấm biểu ngữ: “Ba năm rồi mà vẫn nát bét…Chào nhé, Fergie”. Những lời kêu gọi sa thải ông xuất hiện tràn ngập trên báo chí. Nhưng ban lãnh đạo M.U đã sáng suốt khi biết kiên nhẫn. Họ được đền đáp bằng một đội bóng vĩ đại được xây dựng lên bởi một HLV vĩ đại.

M.U đã từng vĩ đại trước đó cùng thế hệ “Những đứa trẻ của Matt Busby”, một thế hệ trải qua những đau đớn tột bậc của thảm kịch rơi máy bay Munich rồi hồi sinh sáng ngời. Sir Busby, cũng là một người Scotland, đã dựng lên nền móng. Và Sir Alex làm đúng nhiệm vụ như thế: khôi phục một M.U sa sút trở lại vĩ đại.

Thật khó so sánh giữa 24 năm của triều đại Sir Busby với 25 năm qua của triều đại Sir Alex. Bóng đá luôn biến đổi theo thời gian. Các cầu thủ thời quá khứ kiếm được ít tiền hơn, lòng trung thành cao hơn. Các cầu thủ thời hiện đại đều là những triệu phú còn sự gắn bó với CLB lại mỏng manh hơn. Điều đó càng khiến công việc của HLV trở nên nặng nề. Nhưng Sir Alex luôn khơi được một dòng chảy liên tục, dựng lên những dàn sao mới cho “Nhà hát của những giấc mơ”. Ở nhà hát đó, các vở diễn luôn làm người ta mê đắm bởi chất kịch tính, bởi tinh thần tấn công luôn hiện hữu. Có những phút thăng hoa của cảm xúc vinh quang. Có những quãng lặng buồn bã như thất bại cay đắng 1-6 trước Man. City vừa qua. Nhưng tất cả chỉ càng làm đậm đà thêm tình yêu mà hàng triệu triệu người hâm mộ dành cho M.U, cho Sir Alex.


Và 2011, với chiếc Cúp vô địch Quốc gia Anh lần thứ 19 trong lịch sử Manchester United  - Ảnh Getty

Khi thách thức là lẽ sống

Có quan điểm cho rằng trên khía cạnh chiến thuật, Sir Alex không để lại lịch sử những dấu ấn đặc biệt. Nhưng mọi chiến thuật chỉ là mô hình “chết”. Tướng giỏi không phải thuộc làu binh pháp mà là vận dụng linh hoạt, mà là phát huy được hết sức mạnh của binh sĩ.

Thế hệ nào của “Quỷ Đỏ” dưới thời Sir Alex cũng chung một bản sắc: Càng khó khăn lại càng mạnh mẽ. Họ luôn biết hướng về phía trước, biết đứng dậy sau mỗi cú ngã, biết đối đầu và xô đổ những thách thức. Đơn giản, họ được truyền tinh thần ấy từ Sir Alex, từ những màn “sấy tóc” của ông thầy nghiêm khắc mà "sao bự" đến đâu cũng phải nhận nếu chơi tồi tệ, từ sự khuyên bảo chí tình như một người cha thứ hai (với dàn cầu thủ trẻ trung hiện nay, có lẽ Sir Alex giống một…người ông hơn!).

Khi Sir Alex 50 tuổi, ông băn khoăn không biết sẽ làm việc đến bao giờ. Khi Sir Alex 65 tuổi, ông nói về chuyện nghỉ hưu và thậm chí còn thông báo sớm ngày đó. Giờ đây, khi Sir Alex sắp 70 tuổi, ông hào hứng tuyên bố sẽ dẫn dắt M.U thêm 3 hoặc 4 năm nữa. Những đứa trẻ đang trưởng thành. Ông muốn để lại cho người kế nhiệm một đội hình “ngon lành” hơn nữa.

Nhưng, Sir Alex không chỉ vì tương lai M.U. Ông còn vì chính ông. Vượt qua Liverpool với lần vô địch thứ 19 năm ngoái, Sir Alex đã nhanh chóng thấy một thách thức khác còn cao hơn thế là Barcelona ở châu Âu. Và lúc này đã thêm một thách thức nữa mang tên Man. City ngay trên sân nhà Premier League. Ông sẽ “tham lam” đón nhận tất cả, sẽ hào hứng vạch kế hoạch để vượt qua và sẵn sàng làm lại khi thất bại. Vì ông là Sir Alex…

Trung Sơn

Những điều ít biết về Sir Alex

- Ông đam mê rượu vang. Ai cũng rõ chuyện đó và Jose Mourinho vẫn luôn nhớ những buổi nhâm nhi cùng Sir Alex sau mỗi lần Chelsea đụng độ M.U trước đây. Nhưng ít người biết sau khi giã từ sự nghiệp cầu thủ năm 1974, Sir Alex đã tính chuyện mở quán rượu. Ông mua một quán bar ở Glasgow và đặt tên là… “Fergie’s”. Một cái tên hơi thiếu tính sáng tạo!

- Nhận ra điều hành một quán bar nảy sinh không ít rắc rối, Sir Alex nhanh chóng quay lại với trái bóng tròn quen thuộc và chớp cơ hội trở thành HLV của East Stirlingshire (Scotland) vào tháng 7/1974. Có lẽ quá vội vàng quyết định nên Sir Alex không biết rằng đội bóng này có vẻn vẹn 8 cầu thủ trong danh sách, thậm chí còn không có thủ môn! Sir Alex chỉ ở đây vẻn vẹn 5 tháng rồi chuyển sang tiếp quản St Mirren.

- Khi nhậm chức ở Old Trafford năm 1986, lương của Sir Alex còn ít hơn đáng kể so với thu nhập tại Aberdeen. Sau này có hai lần, vấn đề lương bổng gợn lên giữa Sir Alex và M.U. Lần đầu là đầu mùa giải 1993-94 khi Sir Alex được biết Arsenal trả cho HLV George Graham cao gấp đôi lương ông ở M.U. Lần thứ hai là sau mùa giải 1995-96 rất thành công với cú đúp vô địch Premier League và FA Cup. Cả hai lần này, ban lãnh đạo M.U đều khôn ngoan quyết định tăng lương đáng kể cho Sir Alex.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm