Sinh viên và nỗi lo khi ở trọ ghép: Bùng tiền, thỉnh thoảng phải làm "bóng đèn" bất đắc dĩ

11/08/2023 15:04 GMT+7 | GenZ

Làm thế nào để chung sống hòa thuận với bạn cùng phòng trọ là câu hỏi mà hầu hết những ai ở ghép cũng gặp phải một lần trong đời.

Ở trọ ghép là vấn đề đang rất được quan tâm. Không có hoặc không muốn ở cùng bạn bè, họ hàng, nhiều bạn trẻ có xu hướng ở ghép với người lạ để giảm bớt gánh nặng tiền phòng cũng như chi phí sinh hoạt. Có người may mắn tìm được "cạ" hợp tính thì dễ sống nhưng cũng có những trường hợp "dở khóc dở cười", mệt mỏi, bất an vì bạn trọ.

Sinh viên và nỗi lo khi ở trọ ghép: Bùng tiền trọ, thỉnh thoảng phải làm "bóng đèn" bất đắc dĩ - Ảnh 1.

Ở trọ ghép là xu hướng của giới trẻ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. (Ảnh: Dân Trí/ Thanh Niên)

"Sống 1 mình vẫn hơn"

Từng rất hăng hái tìm người ở ghép để kết thêm bạn mới, Phạm Hoa (sinh năm 2002) giờ đây nguyện "ở riêng cho đến khi lấy chồng" vì ám ảnh bạn trọ cũ. Cô chia sẻ: "Một phòng trọ khép kín, đủ tiện nghi cơ bản thì khá đắt so với sinh viên bọn mình nên mình phải tìm người ở ghép để chia tiền. Ban đầu cả 2 rất hòa thuận, nhường và nể nhau nên việc nhà tươm tất, làm gì cũng hỏi trước nhưng sau đó có lẽ thân hơn nên cách sống cũng thay đổi".

Sinh viên và nỗi lo khi ở trọ ghép: Bùng tiền trọ, thỉnh thoảng phải làm "bóng đèn" bất đắc dĩ - Ảnh 2.

Xây dựng mối quan hệ tích cực với bạn cùng phòng là điều quan trọng (Nguồn ảnh: ualberta)

Kể về quá trình từ "người thương thành người dưng" của mình, Hoa nói: "Bọn mình mượn đồ của nhau là chuyện bình thường, thoải mái. Nhưng phải hỏi ý trước, chứ bạn cùng phòng cũ ở được một thời gian là dùng đồ của mình như của nó luôn. Sữa tắm, dầu gội đều dùng chung. Ngồi cùng 1 bàn để make up thì 'tiện tay' dùng đồ của mình. Dây sạc cũng thế, tiện đâu dùng đấy chả biết mình có cần hay không. Bực nhất là trước khi ra ngoài định mặc chiếc váy, cái áo mà tìm không ra, sau đó lại thấy bạn ấy đang diện đúng món đồ đó chụp ảnh đăng story".

Thực tế khi ở chung với nhau, việc mượn đồ là chuyện bình thường nhưng cũng cần có giới hạn. Nhiều người nghĩ khó chịu khi bạn cùng phòng dùng đồ chung là tính toán, khó tính nhưng hỏi trước khi mượn là phép lịch sự tối thiểu mà ai cũng cần lưu ý.

Sinh viên và nỗi lo khi ở trọ ghép: Bùng tiền trọ, thỉnh thoảng phải làm "bóng đèn" bất đắc dĩ - Ảnh 3.

Bạn cùng phòng có thể chia sẻ với nhau nhiều điều. (Ảnh: Istock)

Quay lại câu chuyện của Hoa, đó không phải là "kiếp nạn" duy nhất khi ở trọ ghép mà cô bạn còn vướng phải một bài học nhớ đời khi ở cùng người bạn thứ 2. "Cô bạn này khá hiền lành, còn hay nấu ăn cho cả mình. Ban đầu mình tưởng tìm được chân ái, ai ngờ ở tháng đầu tiên thì xin khất nợ tiền phòng vì chưa có, tháng thứ 2 thì 'bốc hơi' luôn. Mình đi học về là không còn thấy người hay đồ đạc nữa rồi, điện thoại cũng không liên lạc được, tìm ở ghép trên mạng nên chẳng biết người thân, bạn bè là ai để liên hệ. Vậy là mình phải tự gánh tiền trọ 2 tháng". Quá sợ vì 2 lần ở ghép thất bại, Hoa chọn ở riêng trong căn phòng nhỏ hơn nhưng tự do, thoải mái hơn.

Sinh viên và nỗi lo khi ở trọ ghép: Bùng tiền trọ, thỉnh thoảng phải làm "bóng đèn" bất đắc dĩ - Ảnh 4.

Nhiều người chọn sống 1 mình cho lành. (Ảnh: Repeller)

Khó xử vì phải làm "bóng đèn" bất đắc dĩ

Tương tự, Mỹ Duyên (sinh năm 1999) - một độc giả cũng gặp tình huống éo le khi đi ở ghép. Chung trọ với một bạn nữ cùng quê, cứ vài hôm người bạn kia lại dẫn người yêu về phòng mà chẳng thèm nhắn trước.

"Thỉnh thoảng dẫn bạn trai về phòng ăn cơm cũng không sao. Nhưng khó chịu ở chỗ cứ dẫn về đột ngột, phòng thì toàn đồ con gái, nhiều lúc quần áo chưa kịp cất mà bạn trai kia nhìn thấy thì rất khó chịu. Chưa kể nhiều hôm còn gặp khi mình đang 'thả rông' thoải mái ở phòng làm mình rất ngại và khó xử", Duyên bộc bạch.

Sinh viên và nỗi lo khi ở trọ ghép: Bùng tiền trọ, thỉnh thoảng phải làm "bóng đèn" bất đắc dĩ - Ảnh 5.

Bất tiện khi bạn cùng phòng dẫn người yêu về. (Nguồn ảnh: The New York Times)

Nhiều lần không thoải mái thì Duyên sẽ ra ngoài, nhưng cũng có những hôm phải ở nhà làm "bóng đèn" bất đắc dĩ. "Khi người ta không ngại thì người ngại sẽ là mình, trong không gian nhỏ nhắn mà cư xử tình cảm với nhau như thể mình không hề tồn tại vậy", 9X nói.

Sinh viên và nỗi lo khi ở trọ ghép: Bùng tiền trọ, thỉnh thoảng phải làm "bóng đèn" bất đắc dĩ - Ảnh 6.

Ở chung thì vẫn cần không gian riêng. (Ảnh: Thương Hiệu & Pháp Luật)

Cư xử đúng mực là đang tôn trọng bạn trọ và chính mình

Vậy nên để giảm thiểu tranh cãi, rắc rối phát sinh trong quá trình chung sống, tốt nhất là nên thống nhất với nhau một bảng "nội quy phòng trọ" để bạn cùng phòng hiểu nguyện vọng của mình hơn cũng như tránh những làm đối phương khó chịu. Khi cảm thấy không thể ở cùng thì nên dừng lại càng sớm càng tốt. Ở chung phòng sẽ rất vui, để lại nhiều kỷ niệm đẹp và thậm chí là mang lại cho ta một người bạn tri kỷ gắn bó suốt đời nếu tìm được người phù hợp và biết tôn trọng, nhường nhịn nhau.

Sinh viên và nỗi lo khi ở trọ ghép: Bùng tiền trọ, thỉnh thoảng phải làm "bóng đèn" bất đắc dĩ - Ảnh 7.

Cần tôn trọng không gian sinh hoạt chung và không gian riêng của nhau. (Ảnh: Thương Hiệu & Pháp Luật)

Sinh viên và nỗi lo khi ở trọ ghép: Bùng tiền trọ, thỉnh thoảng phải làm "bóng đèn" bất đắc dĩ - Ảnh 8.

Dọn đi, dừng sống chung nếu cảm thấy không thể.

Sở dĩ ở ghép với người lạ sẽ gặp nhiều vấn đề bất cập vì ta không biết rõ tính cách, sở thích hay vòng quan hệ của đối phương, còn ở với người quen thì sợ "mất bạn" nếu không may chẳng hợp lối sống. Ưu điểm của việc ở chung với người khác là giảm bớt chi phí tiền nhà, điện nước, khi đau ốm có bạn chăm lo, khi cần cũng có bạn để nhờ vả, buồn hay nhớ nhà thì có bạn tâm sự cùng nhưng chia sẻ không gian sống chưa bao giờ dễ dàng, nếu không tôn trọng không gian chung, đi quá giới hạn thì sẽ xảy ra những mâu thuẫn khó lành.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHUNG SỐNG HÒA THUẬN VỚI BẠN TRỌ?

Để ở ghép hiệu quả, bạn có thể làm theo một số tips nhỏ sau:

1. Chọn người cùng ở ghép cẩn thận: Hãy tìm người ở ghép có sở thích, tính cách và lối sống tương đồng. Nếu có thể, nên chọn người quen hoặc thông qua các nguồn tin cậy.

2. Thống nhất nội quy ở ghép: Trước khi bắt đầu sống chung, hãy thảo luận về các quy tắc và mong muốn của mỗi người liên quan đến việc ở ghép bao gồm lịch trình, việc chia sẻ chi phí,...

3. Chia sẻ trách nhiệm: Đảm bảo ai cũng phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh, sắp xếp lại không gian chung.

4. Tôn trọng không gian cá nhân: Mặc dù đang sống chung nhưng ai cũng cần không gian riêng để thư giãn và tận hưởng cuộc sống riêng tư.

5. Lắng nghe và thảo luận: Nếu có vấn đề xảy ra, hãy lắng nghe và giải quyết xung đột.

6. Kết thúc khi đến lúc: Nếu mọi cố gắng đều không thể giúp chuyện ở ghép được hòa thuận thì việc chấm dứt việc sống chung có thể là lựa chọn tốt nhất để tránh xung đột tiếp tục phát triển.

Tóm lại, ở ghép đòi hỏi sự thông cảm, tôn trọng, tương tác qua lại với nhau để tạo nên một môi trường sống tích cực và thoải mái cho tất cả mọi người.

Thu Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm