08/08/2011 11:03 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Andy Cao - một trong những kiến trúc sư cảnh quan người Mỹ gốc Việt, hậu duệ của nhân sĩ yêu nước Huỳnh Khương Ninh, vừa có chuyến trở về Việt Nam. Trong những ngày ở Hà Nội, Andy Cao đã đi khảo sát cầu Long Biên, theo anh nếu bảo tồn tốt và thiết kế cảnh quan tốt, phù hợp với lợi ích cộng đồng, cầu Long Biên sẽ “ăn đứt” công viên High Line và Central Park ở New York.
Đặc biệt, Andy muốn theo chân cố Huỳnh Khương Ninh mở trường dạy thiết kế cảnh quan tại Việt Nam.
Trước khi về Mỹ, Andy Cao đã có cuộc trò chuyện với TT&VH ngay tại bãi giữa sông Hồng khi anh thực hiện chuyến khảo sát cầu Long Biên.
Biến vườn nhà thành Vườn Việt Nam
* Tôi nghe nói Andy về Việt Nam lần này để tìm lại tuổi thơ? Anh nhớ những quãng ngày thơ bé của mình ở Việt Nam chứ?
- Tôi nhớ mình sinh ra ở Hóc Môn, lớn lên ở Sài Gòn cũ, phiêu bạt ra Nha Trang và rồi định cư bên Mỹ từ năm 1979, khi mới tròn 13 tuổi.
Tôi trở về Việt Nam không phải để đi tìm dĩ vãng mà tìm về một đất nước Việt Nam hiện tại và trong tương lai đã và sẽ phát triển thế nào. Điều tôi quan tâm khi về nước không chỉ là nguồn gốc mà còn là văn hóa, trí thức, sự phát triển của các trường ĐH, mô hình đào tạo và ngành kiến trúc cảnh quan mà tôi đang gắn bó.
Andy Cao (ngoài cùng bên trái) cùng bà Nguyễn Nga, đạo diễn Phạm Thị Thành
trong chuyến khảo sát Cầu Long biên hôm 6/8.
* Anh thấy cảnh quan đất nước mình thế nào?
- Cảnh quan Việt Nam rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ nó luôn mang nét cổ xưa. Tất nhiên cảnh quan ấy rồi sẽ thay đổi rất nhiều trước tốc độ đô thị hóa. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì điều tôi muốn trên hết là cảnh quan của đất nước phải có hương vị của Việt Nam.
Hương vị đó không phải là những công viên trồng nhiều cây cảnh, hoa cỏ... mà phải mang tính thời đại, không cần can thiệp đến máy móc. Đó phải là sự hòa hợp giữa các chất liệu hàng ngày để tạo ra một môi trường cảnh quan mới liên quan đến đời sống hàng ngày của cộng đồng, có sự tham gia của cộng đồng.
* Anh đang sống ở Mỹ và chu du khắp nơi trên thế giới để thiết kế cảnh quan. Vậy anh đã có những thiết kế nào để không chỉ anh mà những người khác nhìn vào thiết kế đó “nếm” được hương vị Việt Nam?
- Thế giới với tôi là “nhà”, nhưng người trong “nhà” đó, kể cả là người Việt ở Mỹ, họ không biết tôi là ai cả. Sau khi tôi ra trường, tôi rất lúng túng không biết nên bắt đầu từ đâu? Ngay cả khi có ý định mở một triển lãm về cảnh quan tôi cũng không biết nên chọn chỗ nào để làm. Nhưng rồi tôi nghĩ, tất cả mình phải tự nghĩ, tự túc, tự làm và cuối cùng tôi đã chọn vườn sau nhà để mở triển lãm “Vườn Việt Nam”.
Đây là triển lãm đầu tay của tôi nên tôi đã mất 2 năm để chuẩn bị và phải tính toán rất nhiều, làm sao đó hòa hợp các nguyên liệu sẵn có để cho ra được một thiết kế mang hương vị Việt Nam.
Trong vườn Việt Nam đó có cánh đồng muối, có trồng cây chuối xanh, có nhiều khóm cây xả... Thoạt đầu những người đến xem, trong đó có những người thân của tôi có nói với tôi rằng: “Đây là vườn Việt Nam ư? Nó chẳng có chút gì giống vườn Việt Nam cả...” Nhưng khi họ đi dạo trong vườn chừng 30 phút, khi tiếng gió bắt đầu làm rung những tàu chuối, ánh nắng mặt trời thay đổi, những khóm xả phảng phất hương thơm... thì họ “ồ” lên: “Đúng thật. Vườn Việt Nam là đây chứ đâu!” Như vậy là quá đủ.
Công viên High Line ở New York vốn là một đường tàu Công viên High Line ở New York vốn là một đoạn đường ray xe lửa được xây dựng từ những năm 1930, chạy trên cao, cong lượn hay chạy xuyên qua các khu nhà và cao ốc ở khoảng giữa đại lộ số 10 và 11 ở khu phía Tây Manhattan. Được cải tạo từ đoạn đường ray bỏ hoang đó, công viên High Line có chiều dài 2,5km chạy qua hơn 20 khu phố, trở thành nơi thư giãn khá lãng mạn giữa thiên nhiên, hoa cỏ.
Đến cầu Long Biên, thấy cả một thế giới hòa hợp
* Anh đã thăm thú Hà Nội chưa? Anh thấy cảnh quan Hà Nội có gì đặc biệt?
- Tôi đến Hà Nội lần này là lần thứ 2. Lần đầu tiên tôi chỉ có thời gian ghé thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Đó là một công trình kiến trúc rất quan trọng vì trong Văn Miếu chứa đựng những giá trị lịch sử, truyền thống của dân tộc trong một không gian cảnh quan rất đẹp. Lần này về Hà Nội, tôi cũng không có nhiều thời gian nên chỉ có thể ghé qua khu phố cũ và cầu Long Biên.
Với khu phố cũ, tôi đã được nhìn thấy và cảm nhận được nhịp sống của người dân ở đó. Tôi nghĩ, nếu có những ý tưởng bảo tồn, tôn tạo khu phố này để phát huy thêm nữa giá trị của nó thì việc trước tiên cần phải lắng nghe ý kiến của họ và cân nhắc những ý kiến đó để đưa ra những thiết kế phù hợp nhất.
Với Cầu Long Biên, đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc, đi trên đó và cảm nhận được nhịp sống của cây cầu và những giá trị lịch sử của nó qua từng thời khắc. Đến cầu Long Biên, tôi thấy cả một thế giới hòa hợp với nhau mà không nơi nào trên thế giới có được. Nó cho tôi thấy về quá khứ, nhìn thấy hiện tại và cảm giác về tương lai...
* Nếu được thiết kế cảnh quan cho cầu Long Biên, anh có ý tưởng gì?
- Tôi và anh đang nói chuyện với nhau về cầu Long Biên ngay ở bãi giữa sông Hồng. Những cái hay, cái mới mình muốn có đã có rồi. Ngay dưới chân tôi và anh cây cối đều có sẵn và đầy đủ ý nghĩa cả rồi. Vì vậy, vấn đề còn lại rất quan trọng là cách dùng và cách nhìn. Nếu chúng ta hoài cổ quá thì đâm ra lỗi thời. Thế giới đến Việt Nam không chỉ để tìm hiểu lịch sử Việt Nam, mà còn muốn thấy Việt Nam là một nước đang tiến lên mạnh mẽ. Vì vậy, cần phải hòa hợp giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nhưng trước khi làm gì đó, vấn đề quan trọng tôi vẫn muốn nhắc lại là hãy nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng thì mới thành công được.
* Phải làm thế nào để hòa hợp, Andy Cao?
- Cầu Long Biên sẽ biến mất nếu chúng ta xóa bỏ cái bãi giữa này và xung quanh nó bị bao bọc bởi những tòa cao ốc. Cả trăm năm qua nó đã nổi giữa những hòn đảo này và theo tôi nó là một bảo tàng sống dài nhất thế giới được bao bọc bởi dòng sông Hồng rất đẹp.
Ở News York có công viên High Line rất hiện đại được cải tạo từ một đường ray xe lửa để mọi người lên đó ngắm nhìn cảnh đẹp thành phố ở xung quanh. Nhưng ở đó không có câu chuyện lịch sử, không phải là một di tích lịch sử như cầu Long Biên. Bởi vậy, nếu giữ gìn, cải tạo tốt, khu vực cầu Long Biên sẽ hơn hẳn High Line hay Central Park ở New York.
Mở trường thiết kế cảnh quan ở VN
* Thời gian tới, anh có dự định nào dài hơi hơn không, Andy?
- Tôi muốn đi theo bước chân của cố tôi là cụ Huỳnh Khương Ninh (Huỳnh Khương Ninh (1890-1950) là một nhân sĩ yêu nước từng từ chức Ủy viên Hội đồng thành phố Sài Gòn về làm Hiệu trưởng trường tư Huỳnh Khương Ninh do chính ông sáng lập - PV). Tuy nhiên mở trường nghe có vẻ quá sức, nhưng ước mơ của tôi là sẽ có một cơ sở để tụ hội nhân tài, trao đổi kiến thức về kiến trúc cảnh quan nhằm đẩy mạnh nghề này hơn nữa ở Việt Nam. Năm ngoái, tôi đoạt giải thưởng Loeb Fellowship tại Trường Cao học Thiết kế Harvard để nghiên cứu và giảng dạy tại đây. Nếu mở trường thiết kế cảnh quan ở Việt Nam, mỗi năm tôi sẽ mời 2 trong 400 người từng theo học và giảng dạy thiết kế của trường về giảng dạy, nói chuyện và trao đổi kinh nghiệm cho các bạn Việt Nam. Tôi đã trình bày ý tưởng này của tôi với một số người bạn, cả với Trường Cao học Thiết kế Harvard. Tất cả đều ủng hộ và đã sẵn sàng.
* Cảm ơn Andy Cao!
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất