Serie A ngày càng ít khán giả đến sân: Những khán đài hấp hối

08/10/2008 16:50 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) -  Những con số không biết nói dối. Sau 6 vòng đấu đầu tiên của mùa giải mới, lượng khán giả đến sân trung bình ở Serie A chỉ đạt mức 23.905 người mỗi trận, thấp thứ 3 trong vòng 5 mùa gần nhất. Chắc chắn đây chưa phải là con số cuối cùng của mùa này, khi mà xu hướng “giảm, giảm nữa, giảm mãi” là không thể ngăn chặn.

Ký ức tươi đẹp

“Tại sao lại bỏ em một mình trong ngày Chủ nhật để đi xem một trận bóng đá?” Câu hát trong ca khúc nổi tiếng hồi thập niên 1960 La partita di pallone (Cuộc chơi của quả bóng) của danh ca Rita Pavone ấy đã thường xuyên được trích dẫn để nói về sự cuồng nhiệt của người Italia với bóng đá. Bài hát diễn tả cảm giác buồn bã của các cô nhân tình, các bà vợ bị buộc phải ngồi nhà xem những chương trình chán ngắt trên TV trong ngày cuối tuần, trong khi các ông chồng mải mê hò hét trên các sân bóng chật cứng người để cổ vũ cho thần tượng của họ.

Sự cuồng si đó còn tiếp diễn ở thập niên 1970, đạt đến đỉnh cao ở các 1980 và 1990, khi những huyền thoại bóng đá như Falcao, Platini, Maradona, Matthaus, Zico hay Zidane đến chơi bóng ở Italia. Bên cạnh sức mạnh tài chính và sân cỏ, những khán đài rực lửa là tác nhân giúp Serie A trở thành giải đấu lớn nhất, hấp dẫn nhất, nổi tiếng nhất trong những năm cuối thế kỷ 20. Sự đông đảo khán giả đến sân giúp các đội bóng có nguồn thu dồi dào, điều kiện tiên quyết để họ xây dựng một đội bóng mạnh và thu hút các tên tuổi lớn.

Hiện tại đáng buồn

Nhưng lịch sử đã thay đổi chóng mặt trong thời gian gần đây. Mùa giải 2006-07 ghi nhận mức khán giả đến sân trung bình thấp nhất trong lịch sử Serie A kể từ 50 năm qua, với chỉ 20.726 người mỗi trận. Đây được xem là hệ quả của Calciopoli 2006, vụ bê bối dàn xếp tỷ số đã làm hoen ố hình ảnh của bóng đá Italia, với tác nhân trực tiếp là sự biến mất của Juventus (xuống Serie B), đội bóng được yêu thích nhất ở Italia. Khi Juventus trở lại ở mùa giải trước, lượng khán giả trung bình đã tăng lên 25.115 người/trận, nhưng vẫn là quá thấp nếu biết rằng ở các mùa 1984-85 và 1997-98, con số này lần lượt là 38.872 và 31.161. Thế mà con số của mùa này lại bắt đầu đi xuống.
Số lượng khán giả đến sân ở Serie A ngày càng giảm
 
Theo thống kê, số khán giả trung bình đến sân của Serie A sau 6 vòng là 23.905 người/trận (cao nhất là Milan, 65.473 và thấp nhất là Lecce, 8.734), giảm 1.210 người so với con số của cả mùa giải trước, bất chấp các đội bóng đã đổ vào thị trường chuyển nhượng hơn nửa tỷ euro để tăng cường sức mạnh, cũng như tạo được sự cạnh tranh hấp dẫn hơn ở Serie A trong giai đoạn đầu mùa. Thực ra, xu hướng đi xuống đã được dự đoán từ trước khi mùa giải khởi tranh, với tình hình bi quan của phần lớn các đội bóng trong công tác bán vé xem cả mùa.
 

Sự tồi tệ còn lớn hơn nữa nếu tính cả những trận đấu của các đội Serie A tại Champions League. Chỉ có 25.382 khán giả đến sân Olimpico để chứng kiến Roma thua Cluj tại trận mở màn vòng bảng (trên tổng sức chứa 82.000 người), trong khi trận Inter tiếp Bremen tại Giuseppe Meazza cũng chỉ thu hút có 32.965 người đến xem (sức chứa 85.450 người). Juventus và Fiorentina cũng tệ chẳng kém trong việc kéo khán giả đến sân, dù họ mới trở lại Champions League sau thời gian dài. Tỷ lệ khán giả/sức chứa sân nhà của Juve đứng thứ 15 trong số 32 đội dự Champions League, chủ yếu do sự nhỏ bé của sân Olimpico di Torino, trong khi Fio đứng thứ 26, còn Inter và Roma chỉ xếp trên đội “chót bảng” Sporting Lisbon. Đó quả là những con số hết sức tồi tệ.

Vì sao?

Các trận bóng đá đang tràn ngập trên sóng truyền hình, và người ta có thể thưởng thức chúng với chỉ vài đồng xu lẻ. Ví như trận Inter – Bremen được truyền trực tiếp trên 3 kênh sóng khác nhau. “Tại sao tôi lại phải bỏ ra món tiền lớn để đến các khán đài đổ nát và không an toàn, trong khi chỉ cần vài euro là có thể xem được tất cả các trận tôi muốn trong căn phòng ấm áp và tiện nghi của tôi?” – Tâm sự ấy của một tifosi trên diễn đàn bóng đá chính là câu trả lời. Trong thời kỳ mà khủng hoảng tài chính là nỗi ám ảnh của toàn thế giới, đồng tiền khó kiếm hơn nhưng lại có giá trị thấp hơn, thật dễ hiểu là vì sao người ta thích ngồi nhà xem TV hơn là đến sân. Đó là chưa kể đến những thực trạng đáng báo động về các sân bóng Serie A, nơi sự tồi tàn và nguy cơ xảy ra bạo lực ngày càng trầm trọng.

Serie A có thể đang hấp dẫn trở lại với những nét tươi mới đang thể hiện, nhưng những lý do khách quan từ túi tiền và sự an toàn bản thân mới chính là tác nhân khiến phần lớn các tifosi nói không với các khán đài. Đó là xu thế tất yếu, và sẽ chẳng ngạc nhiên nếu con số 23.905 tiếp tục giảm xuống trong thời gian tới đây.
 

Nguyên nhân – Giải pháp

Ngoài vấn đề truyền hình và giá vé, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngày càng thưa thớt người trên các khán đài.

Thứ nhất, hầu hết các sân bóng ở Serie A đều đã cũ kỹ và xuống cấp, chưa được nâng cấp, cải tạo kể từ chiến dịch phục vụ cho World Cup 1990 (18 năm đã qua), dẫn đến tình trạng thiếu an toàn và thiếu tiện nghi. Hy vọng vào những kế hoạch sửa chữa, xây mới sân bóng của Serie A đã bị đóng băng sau khi Italia thất bại trong chiến dịch cạnh tranh đăng cai 2012. Sự tồi tàn về cơ sở vật chất này sẽ còn lâu nữa mới mong được khắc phục.

Thứ hai, là tình trạng bạo lực ngày càng diễn tiến theo mức độ nghiêm trọng hơn và gây ảnh hưởng rộng rãi hơn. Không ai muốn đến sân để rơi vào những cuộc ẩu đả mà họ chỉ là nạn nhân, trừ những kẻ cố tình muốn phá hoại sự yên bình sân cỏ.

Thứ ba, là các biện pháp hà khắc và thiếu khoan dung mà các nhà chức trách Italia không ngần ngại áp dụng nhằm giảm thiểu nguy cơ bạo lực. Chỉ vì một vài chục tên ultra quá khích mà hàng vạn người hâm mộ chân chính không được phép đến sân cổ vũ cho đội bóng của họ. Từ mùa giải trước, đã có hàng chục lần các đội bóng phải chơi trên sân không có, hoặc chỉ có một nửa số khán giả (của đội chủ nhà).

Đâu là giải pháp? Thật dễ dàng: Từ bỏ lợi ích trước mắt và giảm giá vé để kéo khán giả trở lại sân, là kế sách tốt nhất để hướng đến tương lai lâu dài. Nhưng đó chỉ là một phần. Quan trọng hơn, các sân bóng phải được nâng cấp, cải tạo cho đạt tiêu chuẩn an toàn, an ninh, đồng thời những chính sách phòng chống bạo lực sân cỏ phải được thực hiện hợp lý và hiệu quả hơn nữa. Giảm giá vé thì các đội bóng có thể tự thực hiện, nhưng các giải pháp sau đều sẽ phải nhờ sự can thiệp của Chính phủ Italia. Nhưng đáng buồn thay, Chính phủ ấy, được điều hành bởi Silvio Berlusconi, hiện đang không cứu nổi sự sa sút của cả nền kinh tế Italia, chứ nói gì đến Serie A.

Bách Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm