Sẽ phổ cập khảo cổ cho mọi tầng lớp

26/09/2013 08:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là thông tin đáng chú ý nhất tại Đại hội Hội Khảo cổ học VN nhiệm kỳ II (2013 - 1018), diễn ra vào sáng qua 25/9.

Khảo cổ học cộng đồng có mục đích đẩy mạnh sự tương tác giữa những chuyên gia nghiên cứu khảo cổ với công chúng và phổ biến kiến thức khảo cổ cho mọi tầng lớp xã hội. Khi được tiếp cận sâu rộng với môn khoa học này, mọi tầng lớp xã hội sẽ cùng tuyên truyền về vai trò và ý nghĩa của khảo cổ học, đồng thời cũng chung sức tham gia bảo vệ di chỉ khảo cổ, hoặc hỗ trợ công tác nghiên cứu tại địa phương.

“Muốn phát triển khảo cổ học cộng đồng, Ban chấp hành Hội cần tổ chức truyền thông rộng rãi các vấn đề hiện có của ngành khảo cổ tới mọi tầng lớp xã hội. Trong đó,  yêu cầu bảo vệ di tích, di vật khảo cổ học phải được đặt ra đầu tiên” - PGS Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN) cho biết.

PGS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN - tại đại hội
Trong sáng 25/9, PGS Tín đã được các đại biểu nhất trí bầu chọn vào vị trí Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN nhiệm kỳ II, trong khi GS Hoàng Xuân Chinh (nguyên Chủ tịch khóa I) giữ chức vụ Chủ tịch danh dự.

Hội Khảo cổ học VN được thành lập vào 8/8/2008. Trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên, các hoạt động của tổ chức nghề nghiệp này như: hỗ trợ tác nghiệp khảo cổ học, tham gia phản biện xã hội, tuyên truyền bảo vệ di tích khảo cổ...  được đánh giá khá tích cực.  

“Hội Khảo cổ học VN là tổ chức xã hội và không có nguồn kinh phí bao cấp. Anh em lãnh đạo và ban chấp hành đều làm việc không lương, và tự coi rằng đó là đóng góp với nghề” - PGS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký khóa II của Hội cho biết. Theo ông Cường, trong nhiệm kỳ tới, Hội Khảo cổ học VN sẽ đẩy mạnh việc vận động các nguồn lực xã hội khác đễ hỗ trợ cho các chương trình hoạt động của mình.

Thực chất, trong nhiệm kỳ I, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, Hội Khảo cổ học VN đã tổ chức một số cuộc khai quật khảo cổ được dư luận chú ý - mà trường hợp 2 ngôi mộ cổ tại khu đô thị Ciputra là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, theo PGS Cường, những cuộc khai quật này dù có giá trị về chuyên môn, nhưng lại chưa thu hút được nhiều sự quan tâm, chứng kiến của cộng đồng như ý muốn.

“Những người tới chứng kiến cuộc khai quật tại Ciputra chủ yếu là lãnh đạo hội và anh em trong nghề, ngoài ra có thêm một vài lớp sinh viên của Đại học Văn hóa Hà Nội” - PGS Cường nói - Trong những chương trình sắp tới, chắc chắn chúng tôi sẽ mở rộng  việc mời sinh viên của nhiều trường ĐH khác tới tham dự, để giúp các em hiểu thêm các nguyên tắc trong ngành khảo cổ học, cũng như giá trị của nó”.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm