Sẽ có thông tư về sử dụng tiền công đức?

20/03/2009 13:09 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đó là thông tin được nhắc tới trong cuộc họp của Thanh tra Bộ VH, TT&DL, diễn ra vào hôm qua 19/3, với nội dung tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội trước và sau Tết 2009 tại những tỉnh phía Bắc. Tại cuộc họp, nhiều bất cập liên quan tới việc thu tiền dịch vụ hay đặt tiền công đức tại các di tích, lễ hội, đền chùa... đã trở thành tâm điểm gây chú ý.

Nhức đầu chuyện “công đức”

Ngoài làm việc với Sở VH, TT&DL của các tỉnh phía Bắc, trong dịp trước và sau Tết 2009, đại diện thanh tra Bộ cũng đã trực tiếp xuống kiểm tra tại một số di tích tiêu biểu như chùa Hương, đền Sóc, chùa Trăm Gian,Yên Tử, Kiếp Bạc, đền Bà Chúa Kho. Và từ những chuyến đi này, thanh tra Bộ nhận định: Tại nhiều di tích, lễ hội đang có sự lộn xộn về phân cấp quản lý.

Điển hình, trong những di tích, đền chùa được kiểm tra, có một số được quản lý bởi UBND huyện hoặc thị xã, một số di tích khác được quản lý chỉ bởi UBND cấp xã, phường. Thậm chí, tại nhiều di tích lớn, BQL di tích chỉ đứng ra quản lý về mặt “chuyên môn”, còn các công ty kinh doanh được quyền khai thác các hoạt động vận chuyển hoặc dịch vụ...
 
Một hòm công đức để cả một hình con hổ ở bên trong.
(Ảnh có tính chất minh họa)

Và việc quản lý nguồn thu tại lễ hội, di tích cũng thường “phân cấp”. Chẳng hạn, tại đền, phủ, các thủ nhang thường đứng ra quản lý tiền công đức. Tại chùa, công việc này thuộc về các sư trong chùa. Còn UBND địa phương thường sẽ đứng ra quản lý về tiền thuê mặt bằng kinh doanh tại các lễ hội.

“Chính bởi sự thiếu thống nhất và có quá nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý, sử dụng nguồn thu, nhiều đơn vị quản lý đã tự coi di tích là nguồn lợi riêng” - bản báo cáo khẳng định. Theo báo cáo, vì tâm lý này, nhiều nhà chùa, thủ nhang đã tự ý sửa đền, chùa đã được xếp hạng, mua sắm đồ thờ tự, tượng phật để mang vào di tích, từ đó dẫn đến sự biến dạng một số hạng mục của những di tích này. Các địa điểm có xây dựng trái phép được nhắc tới trong cuộc họp bao gồm Đền Bà Chúa Kho, Chùa Tiêu ( Bắc Ninh), lăng mẫu Chùa Liễu Hạnh ( Nam Định), đền Tiên La, Đền Trần, chùa Thượng Liệt (Thái Bình)...

Đặc biệt, về trường hợp chùa Hương, thanh tra Bộ cho rằng các cơ quan chuyên môn tại đây đã không làm tốt nhiệm vụ của mình - khi để xảy ra chuyện tùy tiện đặt thùng công đức trong nơi thừa tự. Thậm chí, nhiều bát hương cũng được triển khai trái quy định tại suối Giải Oan, suối Tiên, dẫn đến tình trạng du khách đặt tiền lễ bừa bãi. Trực tiếp tham gia đợt thanh tra tại di tích chùa Hương, ông ông Nguyễn Đạo Toàn, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, cho biết: Đoàn công tác chúng tôi được Ban tổ chức bố trí riêng một chuyến đò. Vậy mà khi kết thúc chuyến đi, chủ đò vẫn thản nhiên: Các bác cho em xin thêm tiền đò, mặc dù trước hội, Ban tổ chức đã cam đoan sẽ chấm dứt chuyện này.

Ở khía cạnh văn hóa ứng xử, nhiều đại biểu cũng nhắc tới mặt trái của việc đặt tiền công đức của du khách. Theo lời họ, tâm lý “tốt lễ dễ van” đã gây nên cảnh chen chúc, xô đẩy tại rất nhiều nơi đặt tiền. Thậm chí, không chỉ cài tiền vào tay tượng, khách hành hương còn đặt vào bất cứ nơi nào có thể trong di tích, như thả tiền vào hậu cung, cài vào cây cối xung quanh đền chùa, thậm chí thả cả xuống giếng chùa. Có di tích được thống kê đặt tổng cộng 22 hòm công đức từ trong ra ngoài.

Sẽ quản lý chặt tiền công đức

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Tuấn Anh trong cuộc họp. “Ở những nơi linh thiêng như đền chùa mà tồn tại tiêu cực thì đó là điều không chấp nhận được” - ông cho biết. Theo lời ông, các ban ngành bên cạnh việc rà soát lại các quy định hiện hành liên quan tới lễ hội cần tiến tới xây dựng quy chế sử dụng tiền công đức, “giọt dầu” để đảm bảo công khai minh bạch. Bên cạnh đó, cũng phải nghiên cứu và đưa ra nhưng quy định cụ thể như không được đặt tiền lễ, không được rải tiền lẻ tràn lan, mỗi di tích bao nhiêu hòm công đức là đủ.

“Các địa phương nên thành khẩn khi nói về những gì làm được và những gì chưa làm được. Tuyệt đối không thể ém nhẹm các mặt tiêu cực đi để lập thành tích” - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo nhận định của các đại biểu tham gia cuộc họp, những bất cập trong việc quản lý tiền công đức khiến cho việc sử dụng những nguồn thu này phục vụ lại cho di tích theo quy định của Luật Di sản gặp nhiều khó khăn. Các ý kiến chung cho rằng mỗi địa phương hàng năm cần có báo cáo cụ thể về nguồn thu từ tiền công đức. Đồng thời, Bộ VH, TT&DL cần kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng các nguồn thu, chi từ lễ hội và di tích, đặc biệt là nguồn thu từ tiền tài trợ của các nhà hảo tâm, tiền công đức, tiền cung tiến... để từ đó có thể đảm bảo sự minh bạch và sử dụng hiệu quả các nguồn thu nói trên phục vụ cho di tích và lễ hội.
 
Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm