Kết thúc vụ Drogba: Niềm tin ở Scolari

04/08/2008 12:00 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Tương lai của Drogba cuối cùng đã được quyết định. Không Milan, không Barca cho tiền đạo người Bờ Biển Ngà. Anh vẫn thuộc về Chelsea, sẽ kết thúc sự nghiệp cầu thủ tại Stamford Bridge sau khi đồng ý ký hợp đồng mới có thời hạn 4 năm. Lương của Drogba sẽ được tăng gần gấp rưỡi, từ 70 nghìn bảng lên 100 nghìn bảng/tuần.

Chấm dứt 1 năm nổi loạn

Chấp nhận gắn bó với Chelsea đến năm 34 tuổi, Drogba đã tự mình giải quyết rắc rối lớn nhất của bản thân anh và Chelsea trong suốt 1 năm qua, 1 năm của những lần hờn dỗi, của nổi loạn và bất ổn.

Mùa hè năm trước, Drogba bị bắt quả tang cùng PCT Milan là Adriano Galliani rời khỏi một nhà hàng ở Italia. Từ sau sự kiện ấy, mối tình Drogba - Chelsea rạn nứt theo thời gian. Hôm Mourinho bị sa thải, anh khóc như mưa. Chưa đầy 10 ngày sau đấy, ngày 19/9, anh thổ lộ cuộc sống ở Chelsea ngày càng ngột ngạt: "Vắng ông ấy (Mourinho), tôi cảm thấy bơ vơ mỗi lần bước ra sân tập ở Cobham". Đến ngày 18/10, Drogba bắn tiếp phát đạn khác vào cuộc sống của Chelsea, qua cuộc phỏng vấn với tạp chí bóng đá uy tín của châu Âu, France Football: "Các mối quan hệ ở đây đã tan vỡ. Bây giờ, không ai có thể ngăn cản tôi rời Chelsea. Ngay cả khi Kaka và Ronaldinho đến đây". Thậm chí Drogba ấy còn chỉ đích danh những điểm đến ưa thích của anh: Milan, Inter, Barca và Real Madrid. Phần còn lại của mùa giải 2007-2008, Drogba đã nổi loạn thêm ít nhất là 3 lần
 

Rốt cuộc, chuyện gì đã dẫn đến những cuộc nổi loạn của Drogba? Thứ nhất, sự ra đi của Mourinho, vốn là "người cha tinh thần" của anh và cũng là người đã biến Drogba thành chân sút đáng sợ hàng đầu châu Âu. Thứ hai, Drogba chỉ xem Chelsea là đội bóng giàu tiền bạc chứ không phải là đội bóng giàu truyền thống và vì thế, anh thích tìm đến những gã khổng lồ của Italia, TBN. Thứ 3, Drogba không đánh giá cao tài năng của HLV ít tên tuổi Avram Grant. Cuối cùng, Drogba chẳng khác nào một đứa trẻ nếu xét ở khía cạnh tính tình.

Những thành tích của Scolari

Với Scolari, những chiến thắng giao hữu ở châu Á hay màn hủy diệt Milan 5-0 chiều qua tại Cúp Đường sắt không mang nhiều ý nghĩa. Mùa hè đầu tiên ở đất Anh, ông chỉ hài lòng với 2 chiến thắng: giữ chân Lampard và Drogba.

Mới đây, Lampard đã tiết lộ anh quyết định ở lại một phần là vì người bố, cũng mang tên Frank Lampard. Phần khác là tiền bạc, với mức lương mới lên đến 140 nghìn bảng/tuần (kỷ lục ở Anh, nếu tính ở châu Âu thì chỉ kém Kaka của Milan). Nhưng nguyên nhân lớn nhất là sự hiện diện của Scolari trên băng ghế huấn luyện, thay cho Avram Grant. Trước đây, đã có tin nhiều trụ cột của Chelsea, trong đó có Terry và Lampard, tỏ ra khinh thường tài năng của Grant. Điều đó không có gì khó hiểu khi Grant là HLV ít tên tuổi. Scolari thì khác. Danh tiếng và uy thế của ông chẳng kém gì Mourinho. Những HLV lớn và cá tính như thế luôn tạo được niềm tin ở cầu thủ, niềm tin về khả năng thành công của đội bóng.

Đó cũng là lý do chính khiến Drogba chấp nhận gắn bó lâu dài với Chelsea. Dười thời Grant, anh liên tục nổi loạn. Nhưng khi Scolari tìm đến, Drogba lại im tiếng suốt mùa hè dù những tin đồn về tương lai của anh liên tiếp xuất hiện. Drogba có mọi thứ ở Chelsea, từ vị trí (Scolari đã nhiều lần nói chuyện với anh, hứa sẽ đảm bảo vị trí chính thức), đến tiền bạc (25 triệu bảng cho bản hợp đồng 4 năm) và tất nhiên có cả hy vọng về những vinh quang cao quý.

Trong cuộc họp báo ra mắt, Scolari tuyên bố sẽ cắt giảm đội hình từ 32 xuống 25 cầu thủ. Nhưng chính sách cắt giảm nhân sự chỉ áp dụng đối với những gương mặt đóng góp ít, như Sidwell (Aston Villa), Ben Haim (Man City), Boulahrouz (Stuttgart)... Còn với những cầu thủ lớn như Lampard và Drogba, tìm mỏi mắt còn... khó chứ đừng nói đẩy ra đường. Một điều cần phải lưu ý: ảnh hưởng của Lampard và Drogba đối với sức mạnh, lối chơi của Chelsea trong những mùa qua là cực lớn, dù dưới thời Mourinho hay Grant. Không thể loại bỏ ảnh hưởng của họ chỉ sau hơn 1 tháng hè. Vì thế, giữ chân Drogba và Lampard là những thành công lớn ban đầu của Scolari.

Lương khủng ở Chelsea
 
Chấp nhận ký hợp đồng mới, Drogba đã trở thành cầu thủ thứ 5 hưởng mức lương từ 100 nghìn bảng/tuần trở lên. Mùa hè 2006, Chelsea đưa Shevchenko và Ballack về Stamford Bridge và cho họ hưởng mức lương kỷ lục lúc bấy giờ: 120 nghìn bảng/tuần. Mùa hè trước, lại chính Chelsea phá vỡ kỷ lục khác về lương khi gia hạn hợp đồng với thủ quân Terry: 135 nghìn bảng/tuần. Kỷ lục của Terry sẽ bị đạp đổ bởi Lampard, vốn sắp ký hợp đồng mới và được nâng lương lên 140 nghìn bảng/tuần,
 
75 nghìn bảng/tuần, 0 lần chạm bóng
 
GĐĐH Peter Kenyon vừa tuyên bố rằng "bất cứ đội bóng nào cũng muốn được như Chelsea". Kenyon đã quá kiêu căng? Không hề, nếu xét ở khía cạnh tiền bạc và lương lậu. Mùa 2006-2007, Chelsea đã tiêu tốn đến 133 triệu bảng cho quỹ lương, chiếm đến 71% doanh thu (cao nhất ở châu Âu).
 
Có thể hiểu vì sao quỹ lương Chelsea khổng lồ đến thế nếu xét đến trường hợp của hậu vệ trẻ người Brazil Alcides. Chelsea chính thức mua Alcides từ Santos cách đây 18 tháng. Nhưng trong 1 năm rưỡi qua, anh chưa một lần chạm bóng trong màu áo Chelsea, chỉ đá cho PSV theo bản hợp đồng cho mượn. Chelsea vẫn đều đặn gửi lương cho cầu thủ 23 tuổi này. Lương của Alcides bao nhiêu? Câu trả lời: 75 nghìn bảng/tuần, tức cao hơn cả lương của Drogba hiện tại. Hôm qua, Alcides đã lên tiếng phàn nàn về tương lai của mình: "Dường như, Chelsea đã quên mất rằng họ vẫn có hợp đồng với tôi. Tôi rất muốn câu trả lời từ Chelsea. Gọi tôi trở lại cũng được. Bán cho đội bóng khác cũng xong. Nhưng cần phải rõ ràng".

 Đức Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm