19/07/2014 14:21 GMT+7 | Đức
(Thethaovanhoa.vn) - Vặn ngược thời gian lại ngày 18/2/2004, khi Lahm được HLV Rudi Voeller cho trình làng trong màu áo tuyển Đức ở trận giao hữu với Croatia. Có lẽ, lúc ấy không mấy người tưởng tượng ra viễn cảnh, chàng trai nhỏ bé, với khuôn mặt hiền khô ấy sẽ trở thành cầu thủ xuất chúng bậc nhất trong lịch sử hào hùng của bóng đá Đức. Còn Die Mannschaft thì lại thống trị hoàn toàn làng túc cầu thế giới.
Nhưng điều chẳng ai ngờ ấy lại đang là sự thật. Ở khía cạnh nào đó, Lahm chính là hiện thân của cuộc cách mạng thần kỳ của người Đức. Cần phải nhấn mạnh rằng ở thời điểm Lahm được ra mắt ở đội tuyển Đức, anh chỉ là một trong những điểm sáng hiếm hoi của một nền bóng đá đang trên đà lao dốc. Lahm sau đó tiếp tục được HLV Voeller điền tên vào danh sách tham dự VCK EURO 2004.
Đó là giải đấu tủi hổ của người Đức, khi phải ra về ngay từ vòng bảng mà không có nổi dù chỉ 1 chiến thắng, ngay cả trước đối thủ nhược tiểu Latvia. Thật ra, đấy là kết quả chẳng khiến ai phải bất ngờ, khi Đức mang đến Bồ Đào Nha một đội hình già nua gồm tới 9 cầu thủ từ 30 tuổi trở lên (trong đó hầu hết là đá chính). Nó hoàn toàn trái ngược với World Cup 2014, Die Mannschaft chỉ có 3 người trên 30 tuổi (Lahm, Weidenfeller và Klose) và chỉ có Lahm là mặc định có suất đá chính.
Trở lại với EURO 2004, Lahm dù được đá chính trong cả 3 trận đấu. Chỉ có điều, những nỗ lực của anh (và phần nào là của Schweinsteiger) là không đủ kéo cả cỗ máy Đức đang rệu rã đi lên. Nhưng những cái tên tuổi 19 đôi mươi như Lahm, Schweinsteiger và Podolski chí ít cũng là làn gió mới, đem lại những tia hi vọng (dù là nhỏ nhoi) cho bóng đá Đức. Để rồi 2 năm sau, tại World Cup 2006 được tổ chức trên sân nhà, Die Mannschaft đã được mạnh dạn xây dựng trên những nhân tố trẻ trung như Lahm. Đấy cũng chính là điểm khởi đầu cho cuộc cách mạng và hành trình thần kì của bóng đá Đức.
Từ chỗ khủng hoảng, Đức vươn lên lấy lại vị thế quá khứ. Đại bàng trắng sông Rhine đã tạo nên những chiến tích vô tiền khoáng hậu khi ít nhất giành HCĐ ở cả 5 giải đấu lớn gần nhất. Đó đều là những giải đấu có sự góp mặt của Lahm. Thậm chí, từ World Cup 2010, Lahm còn chính thức trở thành người dẫn đường của tuyển Đức, khi kế thừa chiếc băng đội trưởng của Ballack. Cột mốc ấy giống như một sự đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ, với quãng thời gian quá độ. Nó mở ra một chương hoàn toàn mới cho lịch sử bóng đá Đức, với hình ảnh một đội bóng chơi thứ bóng đá cống hiến, đẹp mắt chứ không thô ráp, thực dụng như truyền thống.
Sau những vinh quang tột đỉnh ở cấp CLB, với chiếc Cúp vàng tại Brazil, Lahm đã hoàn tất miếng ghép cuối cùng còn dang dở cho sự nghiệp của mình. Đó không chỉ đơn thuần là lời khẳng định dành cho riêng cá nhân Lahm. Mà quan trọng hơn đấy là lời khẳng định của cả một nền bóng đá, của cả một dân tộc đã tự viết lại lịch sử bằng khối óc, sự khoa học và bản lĩnh của mình.
Phan Đức
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất